Thị trường

Gỡ "nút thắt" giúp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Giải phóng mặt bằng dù là một trong những khâu đầu tiên trong quá trình triển khai dự án nhưng luôn là một "nút thắt" lớn.

Xăng RON 95 III giảm 15 đồng/lít / Giá ngoại tệ hôm nay 4/4/2024: Ngân hàng tiếp tục tăng vọt, thị trường vẫn giảm

Bức tranh giải ngân vốn đầu tư công quý I

Đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Đây là nội dung chính tại công điện số 24 mới được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành.

Trên thực tế tính đến hết tháng 3, ước giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 90 nghìn tỷ đồng, đạt 13,67% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đây cũng là lượng vốn giải ngân trong quý I lớn nhất từ trước đến nay cho thấy các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng.

Đã có 4/44 bộ, cơ quan trung ương và 30/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn 23 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân là 0%.

Các vướng mắc đã tồn tại trong thời gian dài như thiếu đồng bộ khi mỗi địa phương lại làm chủ đầu tư một đoạn trong dự án giao thông liên vùng hay vướng mắc phát sinh trong công tác giải phóng mặt bằng.

Giải phóng mặt bằng sạch, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn

Giải phóng mặt bằng dù là một trong những khâu đầu tiên trong quá trình triển khai dự án nhưng luôn là một nút thắt lớn, với những vướng mắc liên quan đến việc xác định nguồn gốc đất, giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư… Vì vậy, việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng càng sớm, dự án sẽ cán đích càng nhanh.

Dự án đường liên vùng của tỉnh Phú Thọ, nối 3 huyện Tam Nông, Cẩm Khê và Hạ Hòa đi tỉnh Yên Bái được khởi công vào cuối năm 2021 với mục tiêu ban đầu là hoàn thành vào năm 2025. Tuy nhiên, đến thời điểm nay dự án đã hoàn thành được 85% và dự kiến đến cuối năm nay sẽ thông xe toàn tuyến, tức về đích trước hạn 1 năm. Đáng nói thời gian giải phóng mặt bằng chỉ kéo dài trong 2 năm là rất ngắn so với một công trình giao thông có quy mô tương đối lớn.

Ông Trịnh Thế Truyền - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ cho biết: "Trước đây, các dự án đều tập trung về các ban quản lý dự án tỉnh quản lý. Với chủ trương phân cấp cho UBND huyện thì vướng mắc điểm nghẽn trước đây thường do giải phóng mặt bằng đã được quan tâm từ khâu vận động các hộ dân, kể các những vấn đề liên quan đến việc xây dựng các khu tái định cư trên cơ sở đồng thuận cao của người dân".

Gỡ nút thắt giúp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Còn tại tỉnh Tuyên Quang, chỉ hơn 1 tháng tập trung giải phóng, mặt bằng dự án đường bộ cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đã được giao cho nhà thầu. Mặt bằng đến đâu, thi công đến đấy, dự án đang tăng tốc từng ngày.

"Có mặt bằng chúng tôi đã huy tối đa máy móc, nhân lực và thi công 3 ca 4 kíp để đáp ứng được tiến độ dự án", ông Vũ Ngọc Anh - Chỉ huy trưởng công trường, Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn nói.

Ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo về việc xây dựng đề án và nghị quyết của Quốc hội về việc tách giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương rà soát, đề xuất dự án thí điểm thực hiện phương pháp này. Một khi được thông qua, đây sẽ là trở thành động lực mới cho giải ngân vốn đầu tư công.

Đầu tư công là động lực quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh tổng cầu thế giới và trong nước phục hồi chậm. Năm nay, cả nước dành 657 nghìn tỷ đồng cho đầu tư công nếu giải ngân hết nguồn vốn này, GDP sẽ tăng thêm 0,3 điểm phần trăm, chưa kể tới vai trò là lượng vốn mồi kích thích cho các nguồn lực tư nhân khác.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm