Thị trường

Hà Nội ngày đầu thực hiện giãn cách: Mở hàng từ 4h30 sáng, bán hết 2 tạ rau sau 2 giờ

DNVN - Bà Lương Thị Hằng- chủ sạp hàng rau, củ, quả tươi tại một chợ dân sinh ở phường Ô Chợ Dừa (Hà Nội) cho biết, từ 4h30 sáng nay (24/7), đã có khách đến mua hàng với số lượng lớn và 2 tạ rau đã bán gần hết sau 2 giờ. Đây chỉ là một trong những lát cắt trong ngày đầu Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Đồng Tháp: Giá 5.000 đồng không ai mua, hơn 4.700 tấn nhãn Châu Thành chưa có đầu ra / ĐBSCL: Hàng chục ngàn tấn nhãn nguy cơ ứ đọng, không có nơi tiêu thụ

Theo khảo sát của phóng viên, sáng nay (24/7), tại các khu chợ dân sinh trên địa bàn phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, khá đông người dân đã mua tích trữ hàng thực phẩm thiết yếu. Các mặt hàng được người dân mua nhiều là thịt lợn, thịt bò, cá, tôm, rau - củ - quả, gạo, mì gói...
"Đã lâu lắm rồi tôi mới bán nhanh hết hàng và bán được nhiều như sáng nay. Biết thông tin thành phố sẽ thực hiện giãn cách xã hội từ 6h sáng nay, tôi đã chủ động nhập hàng từ chợ đầu mối ở Hải Bối, Đông Anh tăng gấp 3 lần so với ngày thường. Theo đó, tôi đã nhập hẳn 2 tạ rau, củ, quả các loại như rau muống, rau cải xanh, bắp cải, đậu xanh, cà rốt, súp lơ, mướp.... Riêng bí xanh, bí đỏ, và khoai tây - những loại củ quả bảo quản được lâu, mỗi loại tôi lấy 40kg", bà Hằng nói.

Bà Hằng bán hết 2 tạ rau chỉ sau 2 tiếng đồng hồ.
Theo bà Hằng, do sợ hết hàng, nên sáng nay bà đã đi lấy hàng ở chợ đầu mối sớm hơn thường ngày. Bình thường 5h sáng bà mới bắt đầu có mặt tại chợ, và bán từ 5 rưỡi sáng.
"4 rưỡi sáng nay đã có nhiều người dân ra mua hàng. Ai ai cũng mua nhiều hơn so với ngày thường, thậm chí có người bỏ ra một lúc hơn 200.000 đồng để mua gần 1 yến rau, củ các loại", bà Hằng cho biết.

Khách hàng mua gần 10kg rau, củ, quả các loại để tích trữ.
Ghi nhận của phóng viên tại một số khu chợ dân sinh khác trên địa bàn phường Ô Chợ Dừa, giá rau xanh các loại tăng giá so với ngày 23/7, đặc biệt là các loại củ, quả để được trong thời gian dài. Đơn cử, giá bí xanh và khoai tây - mặt hàng để được lâu đều tăng từ 20.000 lên 25.000 đồng/kg, trong khi đó giá bí đỏ tăng từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng/kg. Tuy vậy, người dân vẫn mua khá nhiều. Chỉ sau vài giờ đồng hồ, đa số các quầy rau đã được người dân mua hết.

8h sáng, các tiểu thương đã gần như hết sạch hàng để bán.
Trong khi đó, khảo sát của phóng viên tại hệ thống phân phối BRG Mart trên đường Giảng Võ, quận Đống Đa, lượng khách cũng rất đông.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt - Giám đốc Hệ thống BRG Mart tại số 175 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội cho biết: Theo sự chỉ đạo của Sở Công Thương TP, siêu thị đã chủ động nhập hàng hóa thiết yếu với số lượng lớn để phục vụ người dân.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc Hệ thống BRG Mart tại số 175 Giảng Võ khuyến cáo người dân không nên mua tích trữ.
"Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, chúng tôi đã nhập đa dạng các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu từ nhiều đơn vị cung cấp. Theo đó, hàng trăm mã hàng đã liên tục được xếp lên kệ. Từ 6h sáng nay, lượng khách đến siêu thị mua sắm đã rất đông. Đa phần người dân mua các loại thực phẩm, hàng hóa thiết yếu", bà Nguyễn Thị Nguyệt thông tin.

Hàng hóa dồi dào tại BRG Mart Giảng Võ.
Cũng theo chia sẻ của bà Nguyệt, 9h sáng nay, một chuyến hàng chở lương thực, thực phẩm tươi sống đã về tới siêu thị nhằm kịp thời phục vụ sức mua gia tăng của khách hàng. Thành phố đã chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm cần thiết.
"Với lượng hàng dự trữ tăng tới gấp 3 lần so với những ngày thường, chúng tôi cam kết cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân. Qua đây, chúng tôi khuyên người dân không nên đổ xô đến các hệ thống phân phối để tích trữ hàng hóa", bà Nguyệt khuyến cáo.

Người dân được khuyến cáo không nên tích trữ lương thực, thực phẩm.
Trước đó, Chỉ thị 17/CT-UBND của UBND TP Hà Nội ban hành đêm 23/7 về việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn TP nhấn mạnh: Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm cần thiết, nhân dân không cần thiết tích trữ hàng hóa. Người dân ra ngoài đường khi không cần thiết trong lúc này có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của TP, các doanh nghiệp đã tăng cường dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu tăng từ 30%-50%, trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng (17 mặt hàng thiết yếu).
Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trong bất kỳ tình huống nào các hàng hóa cũng bảo đảm đáp đầy đủ ứng nhu cầu của nhân dân kể cả khi nhu mua sắm tăng cao, không để xảy ra thiếu hàng.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm