Hà Nội: Sức mua yếu, tiểu thương lo mất Tết
DNVN - Dịch bệnh Covid-19 "tái xuất" trong những ngày gần đây đã khiến sức mua trong dân giảm rõ rệt dù Tết Nguyên đán đã cận kề. Đẩy mạnh khuyến mại, cho nhân viên nghỉ việc, xoay sang bán hàng online... là những hình thức mà các siêu thị, cửa hàng, tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ đang áp dụng trong lúc này.
GDP quý I/2021 dự báo có thể chỉ tăng 4,46% / Không ngăn sông cấm chợ, phải giải tỏa hàng hóa từ vùng có dịch hỗ trợ nông dân và DN
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa, kể cả trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Tính riêng tại thị trường Hà Nội, năm 2021, Hà Nội đã dự trữ hàng hóa với lượng tăng trung bình từ 7 - 22% so với kế hoạch Tết Nguyên đán năm 2020, cùng với đó là các chương trình khuyến mại hấp dẫn.
Hàng hóa dồi dào nhưng sức mua yếu
Thực tế, theo ghi nhận của phóng viên tronghai ngày cuối tuần 25-26 tháng Chạp, hàng hóa tại các siêu thị lớn, nhỏ ở Hà Nội đều khá dồi dào, và đa dạng các mặt hàng, mẫu mã phong phú và có nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu để kích cầu và phục vụ người dân mua sắm dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Đơn cử như tại siêu thị Vinmart trên đường Kim Mã, Ba Đình, từ 1 tháng trước, siêu thị đã tung ra chương trình khuyến mại lớn với nhiều sản phẩm trong và ngoài nước phục vụ Tết Tân Sửu được giảm giá sâu. Chẳng hạn, bánh quy yến mạch hộp thiếc trọng lượng 500gr của Richy từ 106.000 đồng giảm xuống chỉ còn 42.000 đồng, bánh quai xách Cosy loại 400gr của Kinh Đô giảm từ 60.000 đồng xuống còn 42.000 đồng, kẹo Suri trà xanh của Thổ Nhĩ Kỳ loại 200gr từ 50.000 đồng giảm còn 32.000 đồng. Nhiều chương trình tặng quà hấp dẫn cũng được áp dụng để kích cầu như gạo Tám Thái đỏ bao 5kg của Bảo Minh với giá 221.000 đồng được tặng 3kg gạo ST25...
Chương trình khuyến mại hấp dẫn tại Vinmart.
Thế nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, và dù hôm qua (ngày 6/2 tức 25 Tết) là ngày cuối tuần nhưng nhân viên siêu thị tại đây cho biết, không khí tại siêu thị này không tấp nập như những năm trước.
"Năm nay dịch bùng phát bất ngờ vào thời điểm cận Tết nên gia đình tôi hủy kế hoạch về quê hai bên nội, ngoại. Do đó, tôi chỉ mua sắm đủ dùng cho gia đình trong mấy ngày Tết ở Hà Nội. Lượng hàng hóa giảm đi 1/3 so với mọi năm. Tôi nhận thấy khách hàng không đông như mọi năm, các quầy thanh toán chỉ từ 3 - 5 người, lúc ùn nhất lên tới 6 - 8 người thôi, lượng hàng dân mua ít nên thanh toán cũng nhanh chóng", bà Lưu - người dân sinh sống tại quận Ba Đình chia sẻ.
Cảnh thưa thớt khách hàng tại quầy thanh toán của siêu thị Vinmart tối 25 Tết.
Trong khi đó, tại các đại lý hay siêu thị nhỏ tại các khu dân sinh, không khí mua sắm cũng tương tự, thậm chí không khí khá trầm lắng. Khảo sát của phóng viên cho thấy, quang cảnh thưa thớt người mua sắm tại một số đại lý hay siêu thị ở khu vực quận Đống Đa.
"Chưa năm nào tôi bán hàng ế ẩm như năm nay. Cả năm nay do dịch bệnh Covid hoành hành nên tôi chỉ nhập hàng cầm chừng vì người dân mua sắm ít. Hiện đã sát Tết và cửa hàng bán toàn hàng thiết yếu nhưng không bán được nhiều, đa phần chỉ bán được các mặt hàng có giá bình dân", bà Mai - một tiểu thương cho biết.
Xoay sang bán hàng online mong gỡ vốn
Cũng bán các mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ bà con dịp Tết, nhưng bà Lan - chủ cửa hàng thực phẩm sạch Strong trên phố Tôn Đức Thắng bày tỏ lo ngại có nguy cơ mất Tết vì cho rằng sức mua quá yếu.
"Mọi năm tầm này, chúng tôi đã tổng hợp các đơn đặt giò, chả, bánh chưng, gà, xôi, các loại hàng khô như măng, miến, mọc nhĩ, nấm hương, các loại hạt... để chuyển cho các đầu mối. Tuy nhiên, năm nay vắng bóng các đơn hàng. Đến nay, cửa hàng mới chỉ nhận được vài đơn hàng lẻ với số lượng nhỏ từ khách hàng. Hàng hóa trên kệ, chưa góc nào vơi. Cửa hàng đã chủ động xoay sang bán hàng online nhưng các đơn hàng online cũng chỉ lẻ tẻ, không gỡ gạc được là bao", bà Lan nói.
Hàng hóa chất đầy trên kệ tại cửa hàng thực phẩm sạch Strong trên phố Tôn Đức Thắng nhưng không có khách mua.
Tình trạng mua bán ảm đạm thể hiện rõ hơn tại các cửa hàng thời trang, quần áo. Bà Thanh - chủ cửa hàng bán quần áo trẻ em Xoài'Coner trên phố Giảng Võ - cho biết, do năm nay có Covid-19 nên trước Tết 2 tháng, bà thuê 3 nhân viên bán hàng Tết thay vì 5 người như mọi năm. Dù đã lường trước được tình hình không bán được nhiều như các năm trước do chịu tác động của dịch bệnh, nhưng thực tế những ngày giáp Tết không khí mua sắm ảm đạm khiến bà hụt hẫng.
Chủ cửa hàng này phải cho nhân viên nghỉ việc bớt vì không không có khách.
"Dù là cận Tết nhưng tôi vừa mới cho 2 trong số 3 nhân viên nghỉ việc vì không bán được hàng. Cửa hàng chúng tôi bán chủ yếu các loại quần áo, váy do Việt Nam sản xuất với giá cả phải chăng, phù hợp với thu nhập của nhiều gia đình. Mọi năm, nhân viên làm không hết việc, nhưng năm nay thì khác hẳn. Dịch Covid-19 "tái xuất" vào những ngày gần đây khiến cửa hàng thất thu. Khách hàng mua sắm trực tiếp tại cửa hàng không có, chỉ lác đác khách hàng mua online nhưng họ cũng không mua nhiều. Doanh thu cửa hàng sụt giảm tới 50% so với Tết năm ngoái. Giờ tôi chỉ trông chờ vào những đơn hàng online dù không nhiều", bà Thanh cho biết.
Trước những khó khăn trên và dự báo dịch bệnh Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, để đảm mục tiêu doanh số như kỳ vọng đã đặt ra, nhiều tiểu thương, doanh nghiệp cho biết sẽ đẩy mạnh kênh bán hàng online.
Bên cạnh việc bán hàng trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, đặt hàng qua số hotline, việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng sàn thương mại điện tử để giúp người dân thuận lợi hơn trong việc mua sắm cũng như đảm bảo an toàn trong mùa dịch được nhiều doanh nghiệp tính đến.
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo