Thị trường

Hàng Việt Nam xuất khẩu đối mặt hàng trăm vụ điều tra phòng vệ thương mại

DNVN - Tính đến hết tháng 4/2024, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 249 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường.

Đà Nẵng: Xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 1 tỷ USD / Thị phần cà phê Việt tại Singapore còn rất khiêm tốn

Thống kê của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy, tính đến hết tháng 4/2024, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 249 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) từ 24 thị trường.
Các mặt hàng bị điều tra tương đối đa dạng, từ mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, như: tủ gỗ, gỗ dán, pin năng lượng mặt trời, tôm, cá tra, cá basa, máy xịt rửa áp lực cao… đến các mặt hàng có kim ngạch nhỏ hơn như đệm mút, máy cắt cỏ, giấy bọc thuốc lá, hạt nhựa EPS, mật ong...
Ngoài ra, Cơ quan điều tra nước ngoài cũng thường xuyên rà soát các vụ việc PVTM với quy trình và các yêu cầu điều tra có mức độ phức tạp tương tự các vụ việc điều tra mới.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhiều nước gia tăng điều tra PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây.
Trong đó, Việt Nam vẫn tiếp tục tận dụng hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng, gia tăng quy mô xuất khẩu hàng hóa mặc dù tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm hơn nhiều so với dự báo.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các nước gia tăng điều tra PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian gần đây.
Sự gia tăng về lượng và quy mô này đã tạo ra sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa sản xuất nội địa của nước nhập khẩu. Do đó, các nước nhập khẩu nhận được nhiều yêu cầu điều tra, áp dụng biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất nội địa.
Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đã và đang tái cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, phù hợp với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và xu hướng chung của thế giới.
Hàng hóa Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm. Việt Nam đã dần phát triển nhằm tự chủ một số nền công nghiệp nền tảng để giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài.
Do đó, vô hình chung hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vượt qua được các hàng rào kỹ thuật và biện pháp PVTM trở thành một trong số ít các công cụ còn lại mà nước nhập khẩu có thể sử dụng với mục đích hạn chế nhập khẩu.
Việc tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực khiến Việt Nam trở thành quốc gia thường xuyên bị điều tra chung với một số nước khác như Trung Quốc, Indonesia… là các quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn, thường xuyên bị điều tra PVTM hoặc bị nghi ngờ chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh thuế PVTM đối với các nước này.
Trong năm 2023, Việt Nam phải ứng phó với nhiều vụ việc chống lẩn tránh thuế đến từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc biệt EU đã tiến hành điều tra chống lẩn tránh thuế với thép của Việt Nam sau một thời gian dài không tiến hành các vụ việc trực tiếp nhằm vào Việt Nam.
Một số nước có xu hướng lạm dụng biện pháp PVTM để bảo hộ ngành sản xuất trong nước quá mức cần thiết. Các nước này sử dụng nhiều biện pháp, kỹ thuật điều tra chưa phù hợp với WTO và thông lệ quốc tế. Từ đó tạo ra nhiều gánh nặng cho Chính phủ và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam trong quá trình tham gia hợp tác.
Ngoài ra, nhận thức của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong lĩnh vực PVTM còn hạn chế. Đặc biệt, các doanh nghiệp tại Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguồn lực có hạn. Trong khi đó, vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong các vụ điều tra PVTM còn mờ nhạt, chưa phát huy được sức mạnh tập thể của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh gia tăng các vụ việc PVTM, Bộ Công Thương cho rằng cần tăng cường năng lực về PVTM, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế, cơ chế phối hợp liên ngành, địa phương. Chủ động theo dõi, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước.
Tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm các vụ việc PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh công tác chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ.
Cùng với đó cần tăng cường công tác thông tin, phổ biến kiến thức về PVTM cho các ngành sản xuất, doanh nghiệp.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm