Hướng đi riêng cho tôm Việt
Chính sách kinh tế được dư luận quan tâm có hiệu lực từ tháng 1/2024 / Đà Nẵng: Kiểm soát việc tăng giá bất hợp lý dịp Tết
Sản xuất theo mô hình hiệu quả
Hiện nay, tôm Việt đang vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ con tôm Ecuador. Đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết: hiện nay Ecuador đã có những cải tiến về công nghệ nuôi tôm như hệ thống cho ăn tự động và các cải tiến trang trại khác. Điều này khiến cho Ecuador tăng sản lượng tôm một cách đáng kể, ước đạt 2,5 triệu tấn nhưng giá thành sản xuất lại thấp. Đây là điều bất lợi cho con tôm châu Á; trong đó, có con tôm Việt Nam.
Theo ông Robins McIntosh, Giám đốc điều hành của Homegrown Tôm và phó chủ tịch của Charoen Pokphand Foods, Thái Lan, ngành tôm hiện đang trên đà chuyển đổi lớn nhờ tự động hóa tiên tiến. Chẳng hạn như các hệ thống phân loại dựa trên tia laser có thể phân loại tôm với độ chính xác đến 1/10 gram, hoặc như các máy móc đang được phát triển có thể tự động bóc vỏ và tách đầu tôm. Những công nghệ này hiện đang được thử nghiệm và có thể được áp dụng rộng rãi trong những năm tới.
Chính vì những biến động công nghệ này, ngành tôm Việt Nam đã đặt ra những giải pháp để có thể giữ được thế cạnh tranh hiện nay. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Minh Phú chia sẻ: Con tôm Việt hiện có giá thành cao hơn so với con tôm Ecuador và tôm Ấn Độ bởi tỉ lệ hao hụt và tỉ số thức ăn cho 1 kg tôm cao. Để có thể cạnh tranh phải giảm những yếu tố này, mới giữ được thế cân bằng giá thành con tôm. Muốn làm được, giải quyết môi trường nuôi tôm là điều quan trọng.
Hiện tại, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau đã phối hợp Viện Khoa học Thủy sản 2 thử nghiệm thành công mô hình nuôi tôm không xả thải tại các huyện Cái Nước và Đầm Dơi, hay còn gọi là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn sử dụng công nghệ tuần hoàn, ít thay nước và an toàn sinh học, đã được đầu tư và thử nghiệm lần đầu tiên tại tỉnh.
Kết quả của cách nuôi này là giảm chi phí hóa chất xử lý, nhân công và thay nước cho ao nuôi tôm, sản lượng tăng hơn 20% so với trước đây. Đồng thời, phân tôm được thải ra ao bay, ao lắng sau đó chuyển ra ao cá rô phi, nhờ đó có thêm thu nhập từ ao cá rô phi. Sau khi cá rô phi thải ra sẽ được chuyển qua 3 ao lắng, lọc nước bằng rong rồi chuyển về ao tôm. Quy trình vận hành khép kín tất cả. Quá trình vận hành, nước tiêu hao do bốc hơi sẽ được châm bù nước vào, ông Phan Tấn Thanh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau cho biết.
Tại Bạc Liêu, kỹ thuật nuôi tuần hoàn nước hiện không còn lạ lẫm đối với người nuôi tôm. Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu cho biết, mô hình này chiếm lượng lớn ở Bạc Liêu với mức khoảng 80% số hộ nuôi. Tình trạng nuôi tôm rồi xả thải trực tiếp ra kênh rạch hầu như không còn nên tỷ lệ thành công của nuôi tôm siêu thâm canh đạt hơn 80%. Đáng chú ý, loại tôm cỡ 20 con/kg đang rất phổ biến trong dân. Bên cạnh đó, tỉnh Bạc Liêu cũng nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học thay cho hóa học, bổ sung khoáng có khả năng thay 100% vôi cho ao nuôi, giúp tiết kiệm chi phí, giảm công lao động và chống trơ đáy ao.
Tập trung hạ tầng nuôi tôm
Đứng trước thế cạnh tranh gay gắt của con tôm các quốc gia khác, tôm Việt Nam cũng đang cần đầu tư để cải thiện sản lượng cũng như chất lượng; trong đó hạ tầng phục vụ nuôi tôm đóng vai trò quan trọng không kém. Là địa phương xuất khẩu tôm tỷ đô la, tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu cũng đã nỗ lực lớn trong đầu tư hạ tầng phục vụ nuôi thủy sản, nuôi tôm.
Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, mặc dù đã cố gắng đầu tư cho nuôi trồng thủy sản nhưng hạ tầng nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng được yêu cầu; các vấn đề khác như dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào, chất lượng, giá cả giống, thức ăn, thuốc, các chế phẩm phục vụ cho nuôi trồng thủy sản không ổn định, cạnh tranh không lành mạnh, khó kiểm soát; môi trường ngày càng suy thoái, ô nhiễm, dịch bệnh khó xử lý…
Chính vì vậy, muốn phát triển con tôm toàn diện, khu vực phía Nam nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng cần các giải pháp tháo gỡ những vấn đề còn tồn đọng do quá tải môi trường, nguồn nước phát triển nóng ngành tôm, những rào cản nuôi tôm siêu thâm canh theo hướng tuần hoàn.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 cho rằng, vấn đề bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long cần được tập trung giải quyết, xử lý triệt để thì mới có thể đảm bảo được sự phát triển bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản.
Bên cạnh đó, để hướng đến nuôi tôm công nghệ cao bền vững yếu tố cần có là vùng nuôi phải được quy hoạch tập trung, có lưới điện quốc gia và đủ nguồn cấp điện ổn định, có nguồn nước tốt không bị ô nhiễm hay có nguy cơ bị đe dọa bởi các yếu tố độc hại, nhất là từ nguồn nước thải công nghiệp, ở gần đường giao thông thủy bộ thuận tiện. Đồng thời, đất có chất lượng phù hợp, đủ diện tích cho thiết kế xây dựng ao ở nhiều quy mô với hệ thống ao chứa và xử lý chất thải, nước thải tương xứng, an toàn, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm.
Theo thống kê Hải quan Việt Nam, trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam ước đạt 3,4 tỷ USD, giảm 21% so với năm 2022. Lý giải cho sự sụt giảm này, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ, trong tháng cuối năm 2023, sự sụt giảm mạnh mẽ từ các thị trường chủ lực như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc bởi biến động kinh tế và tồn kho trước đó tại các thị trường, cộng với sự cạnh tranh của con tôm các quốc gia khác.
Do đó, việc đầu tư cho phát triển con tôm Việt là điều phải làm. Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thuỷ sản chia sẻ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn nhắc nhở các địa phương phải rà soát, đề xuất những dự án phù hợp để giúp cơ sở hạ tầng trong ngành thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng được tốt hơn. Hơn nữa, các địa phương cũng cần tạo được sự đồng thuận của người dân, cùng chia sẻ đất để tạo hạ tầng giao thông rộng hơn, tạo hệ thống kênh mương cấp thoát nước tốt hơn. Khi có sự tham gia của người dân, các dự án đầu tư này chắc chắn sẽ thành công.
Ông Trần Đình Luân cho rằng, có thể nuôi tôm theo quy trình hạn chế, ít thay nước, nuôi theo hướng tuần hoàn và đặc biệt là sử dụng các chế phẩm sinh học. Người nuôi tuân thủ các quy định quản lý môi trường trong quá trình nuôi để đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh là rất cần thiết. Bên cạnh đó, ý thức quản lý của từng chủ trang trại, hộ nuôi tôm được nâng cao sẽ góp phần đảm bảo cho môi trường vùng nuôi được an toàn, bền vững hơn. Việc tuân thủ các quy trình kỹ thuật từ con giống có chất lượng, mật độ nuôi phù hợp, đến quá trình chăm sóc thật tốt để giảm tối đa rủi ro đối với người nuôi cũng rất cần thiết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo