Thị trường

Israel bỏ thuế nhập khẩu với sữa: Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?

DNVN - Theo Thương vụ Việt Nam tại Israel, việc Israel bãi bỏ thuế nhập khẩu 40% từ ngày 13/7 đối với các sản phẩm sữa trong thời gian 3 tháng là cơ hội tốt cho các nhà sản xuất sản phẩm sữa các loại của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này trong thời gian tới.

EWEC Đà Nẵng 2023: Nhiều doanh nghiệp ký kết tiêu thụ sản phẩm / Dự báo tỷ giá VND/USD có thể tăng trong ngắn hạn

Israel bỏ thuế nhập khẩu với sữa

Thương vụ Việt Nam tại Israel vừa cập nhật một số thay đổi chính sách thương mại của Israel. Trong đó, đáng chú ý là việc Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich đã ký lệnh bãi bỏ mức thuế nhập khẩu 40% đối với các sản phẩm sữa trong thời hạn 3 tháng, kéo dài từ ngày 13/7 cho đến ngày 9/10/2023 sau khi kỳ nghỉ lễ truyền thống kết thúc.

Thương vụ Việt Nam tại Israel đánh giá, đây là một quyết định lịch sử và biện pháp này được thực hiện với sự thận trọng cũng như trách nhiệm cần thiết để loại bỏ tình trạng thiếu sữa trên các kệ hàng trong hệ thống siêu thị cũng như tại các cửa hàng bán lẻ mà người dân Israel đang gặp phải trong những tuần gần đây.

Bộ trưởng Tài chính Israel cho biết, động thái này là bước đi đúng đắn nhất để chấm dứt tình trạng thiếu hụt nguồn cung, do trong những năm gần đây đã nhiều lần xảy ra tình trạng thiếu hụt sữa trên thị trường. Việc giảm thuế nhập khẩu còn nhằm mục đích mở cửa thị trường, tăng cường nguồn cung và gia tăng tính cạnh tranh để góp phần làm giảm giá bán mặt hàng này cho người tiêu dùng.


Israel có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm sữa.

Tình trạng thiếu sữa các loại gần đây xảy ra tại quốc gia này sau khi giá các sản phẩm sữa do Chính phủ điều tiết đã tăng hơn 9% trong tháng 5/2023.

Những năm gần đây, do nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng gia tăng mạnh nên Israel thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu hụt bơ sữa khiến cho giá cả mặt hàng này tăng cao. Israel phải liên tục điều chỉnh chính sách quản lý bằng cách tăng thêm hạn ngạch nhập khẩu hoặc giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này tại nhiều thời điểm khác nhau.

Thương vụ nhấn mạnh, do thói quen và tập quán tiêu dùng, các loại sữa là mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao đối với người dân ở Israel. Cùng với việc thực hiện giảm thuế nhập khẩu nói trên, đây là cơ hội tốt cho các nhà sản xuất sản phẩm sữa các loại của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Israel trong thời gian tới.

Tiền đề thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh

Liên quan đến Hiệp định Thương mại Tự do song phương giữa Việt Nam - Israel (VIFTA) ký kết ngày 25/7, Thương vụ cho biết, đây là thành quả nỗ lực không mệt mỏi của cả hai nước sau quãng thời gian 7 năm với 12 phiên đàm phán. Việc ký kết càng có ý nghĩa trong bối cảnh hai nước đang tiến hành nhiều hoạt động thiết thực nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

VIFTA là một hiệp định bao trùm nhiều lĩnh vực mà Việt Nam và Israel cùng quan tâm như thương mại hàng hóa, dịch vụ - đầu tư, quy tắc xuất xứ, các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật, hải quan, mua sắm chính phủ…

Hai bên đã đạt được các thỏa thuận tại tất cả các chương trong hiệp định, nhất là cam kết mạnh mẽ của hai bên về nâng cao tỉ lệ tự do hóa thương mại với tỉ lệ tự do hóa tổng thể đến cuối lộ trình cam kết của Israel là 92,7% số dòng thuế trong khi của Việt Nam là 85,8% số dòng thuế. Theo đó, hai bên kỳ vọng, thương mại hai chiều sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc, sớm đạt mức 3 tỷ USD và cao hơn nữa trong thời gian tới.

Việc ký kết và triển khai thực hiện VIFTA sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có thế mạnh của mình sang Israel là quốc gia phát triển, có thế mạnh về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn vốn đầu tư…

VIFTA sẽ tạo tiền đề để hai bên tiếp tục khởi động đàm phán, tiến tới ký kết các hiệp định khác như Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Israel, các doanh nghiệp cần chú trọng chào hàng các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao, với giá cả cạnh tranh và chất lượng phù hợp. Đồng thời tuân thủ các yêu cầu về tiêu chuẩn và quy định nhập khẩu của Israel mới ban hành. Các nhà sản xuất Việt Nam tranh thủ cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang Israel các sản phẩm sữa bởi đây là mặt hàng người dân Israel có nhu cầu tiêu dùng cao.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tích cực quan tâm, đầu tư khai thác thị trường Israel. Cụ thể là chủ động sang khảo sát, tìm hiểu thị trường, tham dự các hội chợ, triển lãm, sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối giao thương được tổ chức tại Israel. Trực tiếp gặp gỡ đối tác bạn hàng để phát hiện ra nhu cầu hợp tác của nhau, qua đó góp phần thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần thường xuyên theo dõi sát những diễn biến về an ninh chính trị tại Israel bởi đây là địa bàn nhạy cảm về các xung đột và bất ổn có ảnh hưởng tới toàn bộ khu vực. Từ đó có đối sách kịp thời về các giao dịch ký kết hợp đồng mua bán, chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu và bảo đảm lợi ích kinh doanh.


Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm