JICA: 'Việt Nam thành công nhờ yếu tố con người'
8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu gần 12 tỷ USD / Bắc Ninh: Thu lãi 6 triệu đồng/ngày nhờ trồng 'rau hoàng đế'
Với tư cách là cơ quan triển khai các dự án ODA của Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam là đơn vị đã trực tiếp thực hiện nhiều dự án hỗ trợ phát triển của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam.
Để hiểu rõ hơn về lĩnh vực này, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam về những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua, cũng như mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản thông qua các dự án ODA.
Ông đánh giá như thế nào về những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam từ khi JICA chính thức nối lại hoạt động ODA tại Việt Nam?
Thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam là một câu chuyện đầy cảm hứng. Điều này được thể hiện qua các số liệu. Từ năm 1992 đến nay, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đã tăng gấp hơn 20 lần. Từ một nền kinh tế bị cấm vận, Việt Nam đã mở cửa và hiện có giá trị thương mại cao gấp hai lần GDP, trở thành một trong những nền kinh tế mở cửa nhất thế giới.
Trong quá trình này, hàng chục triệu người đã thoát nghèo và nỗ lực làm giàu cũng như nắm bắt những cơ hội tốt hơn trong cuộc sống. Tôi cho rằng những con số này nói lên rất nhiều điều về sức mạnh, sự năng động cũng như tiềm năng của đất nước các bạn. Các bạn đang sở hữu một lực lượng lao động trẻ và có kỹ năng, các doanh nghiệp năng động cùng môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện. Đây cũng là điều mà Chính phủ Việt Nam đã cố gắng đạt được trong suốt những năm qua.
Một điểm ấn tượng nữa, theo tôi, đó là Việt Nam đang làm rất tốt việc ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch COVID-19, trong lúc vẫn duy trì các hoạt động kinh tế và JICA rất tự hào được đóng góp một phần vào quá trình này.
Trong một cuốn sách được phát hành gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã xếp Việt Nam vào nhóm những nền kinh tế mới nổi thành công nhất, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi đồng tình với đánh giá này. Như WB đã nhận định, một trong những yếu tố chính dẫn đến thành công của nền kinh tế Việt Nam là sự chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường.
Bên cạnh đó, theo quan điểm của cá nhân tôi, sự thành công trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng chính là nhờ yếu tố con người. Người Việt Nam rất chăm chỉ và linh hoạt. Ngay cả cách nhìn nhận lịch sử của người Việt Nam cũng rất tích cực, một mặt tôn trọng lịch sử, một mặt các bạn sẵn sàng mở lòng tạo nên những trang sử mới để tích cực thiết lập quan hệ với các quốc gia khác. Đây cũng là một trong những yếu tố chủ chốt đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Trong thời gian qua, JICA đã và đang hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực nhằm hướng tới một quá trình chuyển đổi thuận lợi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường, đồng thời cung cấp hỗ trợ kỹ thuật phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của Việt Nam.
Ví dụ, JICA đã hỗ trợ Việt Nam trong nhiều quá trình cải cách thể chế liên quan đến các chính sách khác nhau nhằm đáp ứng điều kiện vay trong khuôn khổ chương trình Tín dụng hỗ trợ giảm nghèo (PRSC) và tiếp đến là chương trình Tín dụng hỗ trợ Quản lý và Cạnh tranh Kinh tế (EMCC), cả hai đều là các khoản vay hợp vốn với WB.
Có thể nói, chúng tôi đánh giá cao những thành tựu nổi bật đến từ nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc thực hiện các khuôn khổ chính sách này.
Ông đã nói rằng JICA rất tự hào được đóng góp một phần vào quá trình phát triển của kinh tế Việt Nam. Xin ông hãy nói rõ hơn về vấn đề này? Ngoài ra, JICA đánh giá như thế nào về những đổi mới chính sách của Việt Nam liên quan đến việc tiếp cận và sử dụng vốn ODA trong những năm qua?
Chúng tôi đã và đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong các dự án và chương trình khác nhau nhằm mang lại mức sống cao hơn và nhiều cơ hội phát triển kinh tế hơn cho mọi người dân Việt Nam.
Các hoạt động của JICA tại Việt Nam đều hướng đến mục tiêu cải thiện nền tảng hạ tầng kinh tế-xã hội, trong đó có cả yếu tố cứng và mềm. Chúng tôi hợp tác với các cơ quan khác nhau của Việt Nam để nâng cao năng lực cán bộ, tăng cường năng lực quản trị nhà nước, đồng thời cung cấp nền tảng dịch vụ công tốt hơn và cải thiện nguồn nhân lực...
Ngoài ra, chúng tôi cũng cung cấp nguồn lực tài chính cho các dự án hạ tầng quan trọng khác nhau liên quan đến lĩnh vực giao thông, năng lượng, phát triển đô thị, nông nghiệp… Nhiều dự án ODA của Nhật Bản đã trở thành “chất xúc tác” để Chính phủ Việt Nam mời gọi đầu tư tư nhân. Hiện nay, Việt Nam nằm trong tốp 5 quốc gia được nhận vốn vay ODA của Nhật Bản nhiều nhất trên thế giới.
Thêm một điều nữa tôi muốn nhấn mạnh là JICA sẽ không thể thực hiện thành công tất cả các dự án và chương trình nếu không có sự hợp tác và tin tưởng của các cơ quan đối tác ở Việt Nam. Về vấn đề này, tôi tin rằng các chính sách của chính phủ về vốn vay ODA đã phát huy tác dụng trong việc tạo ra một môi trường thuận lợi và thông thoáng để thu hút và sử dụng dòng vốn này.
Tuy nhiên, tôi nghĩ Việt Nam còn có thể làm tốt hơn nữa. Ví dụ, các thủ tục hành chính có thể được tinh giản hơn nữa để tránh tình trạng chậm trễ hoàn thiện dự án, đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa các quy định trong nước và thông lệ quốc tế trong những vấn đề như mua sắm, quản lý hợp đồng, thuế...
Những nỗ lực này không chỉ thúc đẩy việc sử dụng vốn ODA hiệu quả hơn mà còn đẩy nhanh sự phát triển của nền kinh tế thị trường - điều sẽ giúp khu vực tư nhân được hưởng lợi, dẫn đến khả năng thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Ông có thể khái quát về những kết quả hoạt động của JICA tại Việt Nam trong thời gian qua và triển vọng hợp tác trong thời gian tới?
Nhật Bản là một trong những quốc gia tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Trong những năm gần đây, tỷ trọng vốn ODA Nhật Bản chiếm đến hơn 30% tổng nguồn vốn ODA mà Việt Nam đã tiếp nhận. Cụ thể, trong giai đoạn 5 năm, từ 2014 đến 2018, tổng số tiền giải ngân dưới dạng cho vay, hợp tác kỹ thuật và viện trợ không hoàn lại từ Nhật Bản dành cho Việt Nam đã lên tới các con số lần lượt là 5.324 tỷ yen (50,1 tỷ USD), 40 tỷ yen (377 triệu USD) và 7,3 tỷ yen (68,9 triệu USD).
Chiến lược hỗ trợ phát triển của Chính phủ Nhật Bản đối với Việt Nam được triển khai theo 3 trụ cột. Đầu tiên là “Thúc đẩy Tăng trưởng Kinh tế và Tăng cường Năng lực Cạnh tranh Quốc tế”, nhằm hỗ trợ cải thiện hệ thống kinh tế thị trường. Một trong số rất nhiều dự án đang được triển khai hiệu quả theo Trụ cột này là “Dự án Xây dựng Đường sắt Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (Tuyến số 1)", đây là hệ thống tàu điện ngầm đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam.
Trụ cột thứ hai là “Tăng cường khả năng ứng phó”, nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề nổi lên do đô thị hóa nhanh chóng, thiên tai và biến đổi khí hậu, đồng thời phát triển các hệ thống trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội.
Trong khuôn khổ “Tăng cường quản trị” - trụ cột thứ 3, JICA tập trung đào tạo các quan chức chính phủ, hỗ trợ xây dựng các chương trình và văn bản đào tạo cho những chuyên gia làm việc trong lĩnh vực pháp lý (ví dụ như thẩm phán, công tố viên và luật sư), nhằm thúc đẩy Chính phủ điện tử và đẩy mạnh các chức năng hoạt động của Quốc hội Việt Nam.
Đến nay, JICA đã triển khai nhiều loại hình hỗ trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực y tế dưới hình thức Viện trợ không hoàn lại hay Hợp tác kỹ thuật cho Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế hay Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE), Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC)…
Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Do đó, sau khi dịch bệnh COVID-19 kết thúc, việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng vẫn là nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế. Ngoài ra, các địa phương sẽ có sự phát triển không đồng đều. Trong bối cảnh này, tôi nghĩ rằng cần phải nỗ lực tăng cường phát triển địa phương để tiến tới không còn các khu vực kém phát triển. JICA sẽ tiếp tục thực hiện các dự án dài hơi trong việc tăng cường quản trị nhà nước.
Ngày nay, thế giới đẩy mạnh việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Một xã hội có “bền vững” hay không sẽ tác động đến việc đánh giá một quốc gia trong tương lai. Chẳng hạn, phát triển kinh tế-xã hội chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường. Trong khi đó, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường chắc chắn sẽ phát sinh thêm chi phí.
Qua trao đổi với Chính phủ Việt Nam, tôi thấy rằng hiện nay Chính phủ quan tâm hơn đến phát triển địa phương và xây dựng một xã hội bền vững. Tôi thấy định hướng JICA đang tiếp cận rất gần với vấn đề mà Chính phủ Việt Nam quan tâm. Xét trên khía cạnh tính bền vững, mối quan hệ giữa hai quốc gia cũng giống như vậy. Từ quan điểm đó, JICA mong muốn người dân Việt Nam và Nhật Bản có cùng chung giá trị quan, cùng vun đắp và phát triển mối quan hệ bền vững thông qua hợp tác của JICA.
Ông có kiến nghị gì để quá trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và JICA trong thời gian tới được hiệu quả hơn?
Trước tiên tôi muốn đề cập đến tầm quan trọng của việc tiếp tục duy trì và mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Ngoài các khoản vốn vay ODA nhằm hỗ trợ xây dựng hạ tầng, JICA cũng song hành với đối tác Việt Nam trong việc hỗ trợ xây dựng tổ chức, cơ chế vận hành, đào tạo cán bộ… để các đơn vị tiếp nhận viện trợ có thể vận hành cơ sở hạ tầng bền vững.
Ví dụ, trong Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (Tuyến số 1), JICA cũng đang hỗ trợ các hoạt động đào tạo nhân lực cho công ty vận hành đường sắt. Chi phí thực hiện lấy từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản.
Ngoài ra, JICA triển khai một số dự án đi đầu trong việc xây dựng cơ chế nhằm cải thiện hơn nữa đời sống của người dân Việt Nam. Ví dụ như Dự án hợp tác trong lĩnh vực pháp luật đã và đang được thực hiện hơn 20 năm, hay dự án phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai tiêu chuẩn an toàn BasicGAP nhằm đưa các nông sản chất lượng cao đến với đông đảo người tiêu dùng đồng thời giảm gánh nặng tài chính cho người nông dân.
Thứ hai, mặc dù Việt Nam đã giảm thiểu được những tác động do dịch bệnh COVID-19 gây ra, nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Theo tôi, các dự án phát triển hạ tầng, công trình công cộng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc kích thích nền kinh tế. Trong bối cảnh các dự án ODA cũng nhằm mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng, công trình công cộng để thúc đẩy phát triển kinh tế, tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ tích cực tận dụng loại hình hỗ trợ này.
Có một điểm chúng tôi muốn lưu ý, đó là một số khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai dự án. Một vài dự án xây dựng công trình công cộng đã gặp khó khăn do chậm trễ trong thủ tục phê duyệt từ phía Việt Nam, trong khi một số hợp đồng xây dựng bị chậm thanh toán… Hiện Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực giải quyết một số vướng mắc của dự án ODA, và tôi mong rằng Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp này.
Hiện kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19 và Việt Nam cũng như Nhật Bản đều chịu những tác động không nhỏ của đại dịch này. Trong bối cảnh đó, JICA có hình thức hợp tác gì mới để thích ứng với “trạng thái bình thường mới” như hiện nay?
Như tôi đã nói ở trên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lan rộng, thế giới đã trải qua những thay đổi nhất định về mặt xã hội. Trong bối cảnh đó, những chính sách của JICA đang đi cùng hướng với chính sách của Chính phủ Việt Nam nhằm thích ứng với trạng thái “bình thường mới” hiện nay.
Dựa trên sự hợp tác của ba trụ cột kể trên, JICA đang thực hiện các dự án phòng chống bệnh truyền nhiễm trong lĩnh vực y tế và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách khuyến khích Chính phủ Việt Nam tăng cường đầu tư công để kích thích khu vực kinh tế tư nhân.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng bắt đầu đánh giá kết quả của một số dự án đã và đang được thực hiện nhưng không chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, để chuẩn bị sao cho vẫn đạt được kết quả như vậy trong tình huống bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo