Kinh tế khởi sắc rất rõ, niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào khả năng phục hồi, phát triển kinh tế tăng cao
Xuất khẩu hồ tiêu kỳ vọng giành lại mốc tỷ USD / Vào thị trường Canada, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam gặp 4 đối thủ lớn
Ngày 2/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2021. Phiên họp tập trung thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng, đồng thời cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022.
Cùng chủ trì phiên họp có Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và đồng chí Đinh Văn Ân, Trợ lý Tổng Bí thư, dự phiên họp.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các ý kiến tại phiên họp nhận định, trong tháng 11, các bộ, cơ quan, địa phương đã quán triệt nghiêm, thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi trong trạng thái bình thường mới. Sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định, năng suất, sản lượng tăng khá. Sản xuất công nghiệp phục hồi tại hầu hết các địa phương, nhất là khu vực phía Nam. Thương mại, dịch vụ phục hồi nhanh sau khi mở cửa trở lại. Tình hình doanh nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 44,6% so với tháng trước, vốn đăng ký tăng 38%, lao động tăng 30,2%, đặc biệt là tại các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 15,2% so với tháng trước.
Cùng với đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp; các cân đối lớn được bảo đảm. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, tăng cường. An ninh, trật tự, an toàn, an dân, quốc phòng được giữ vững; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh.
Các kết quả này tiếp tục khẳng định ý nghĩa quan trọng, sự đúng hướng, kịp thời, hiệu quả của việc ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP; cho thấy niềm tin của doanh nghiệp vào khả năng phục hồi, phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng nhận định, nước ta vẫn đối mặt với khó khăn, thách thức lớn, chủ yếu do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, xuất hiện các biến thế mới trên thế giới; kinh thế thế giới phục hồi nhưng thiếu ổn định, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức về ổn định tài chính, thiếu hụt nguồn cung năng lượng; năng lực hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, sản xuất thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trong nước chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh khi có tình huống bất ngờ phức tạp phát sinh…
Thực tế nói trên yêu cầu các cấp, các ngành phải bám sát diễn biến dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, có phương án chủ động ứng phó với mọi tình huống xảy ra, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; đồng thời, kiên định, quyết tâm, quán triệt nghiêm quan điểm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất có thể trong năm 2021, tạo nền tảng, động lực phục hồi và phát triển vững chắc từ năm 2022.
Về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về Kế hoạch năm 2022, các đại biểu đã cho ý kiến về các giải pháp tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế xã hội; xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số; phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Các đại biểu lưu ý và nhấn mạnh một số nhiệm vụ trong tháng 12/2021 và năm 2022 liên quan tới kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh lạm phát nhiều nước trên thế giới tăng cao; triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn, giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và hoàn thiện thể chế; xử lý một số điểm nghẽn, tồn đọng kéo dài nhiều năm; việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp được xác định tại Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa qua…
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhận định, dư luận quốc tế và nhân dân nhìn chung đều nhìn nhận, đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt, hiệu quả, trách nhiệm cao của Chính phủ trong thời gian qua. Trong đó, Phó Chủ tịch nước nêu một số điểm nhấn trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ như việc kiểm soát, phòng chống dịch ngày càng đi vào bài bản, nền nếp, đạt kết quả tốt hơn trước dù còn nhiều việc cần tiếp tục lưu ý, hoàn thiện. Chính phủ cũng đã kiến nghị cấp có thẩm quyền và triển khai cơ bản kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ các đối tượng, người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, tác động bởi dịch. Cùng với đó, Chính phủ cũng tập trung triển khai một số chủ trương, chính sách, chiến lược lớn của cả nhiệm kỳ.
Hoàn thành các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất, xử lý một số vấn đề tồn đọng kéo dài
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao các phát biểu trách nhiệm, tâm huyết, giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến xác đáng, sát tình hình để bổ sung vào các báo cáo và dự thảo của phiên họp.
Thủ tướng nêu rõ, trong tháng 11 vừa qua, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, chúng ta còn triển khai nhiều nhiệm vụ đột xuất. Chính phủ tiếp tục dành thời gian, tập trung cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, ban hành 9 nghị định và 3 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ tham gia, phục vụ tích cực, hiệu quả, góp phần vào thành công của kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, trình 55 đề án, báo cáo, các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn và giải trình về các vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Chính phủ, các cơ quan chức năng tiếp tục chuẩn bị cho kỳ họp sắp tới của Quốc hội; tích cực xây dựng, hoàn thiện dự thảo đề án về Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 và dự thảo đề án về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Chính phủ và các cơ quan cũng góp phần chuẩn bị, tổ chức thành công Hội nghị văn hóa toàn quốc và đang tích cực triển khai cho các hội nghị lớn sắp tới để triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Cũng trong tháng qua, các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước diễn ra rất sôi động theo đúng đường lối đối ngoại của Đại hội XIII.
Đánh giá tổng thể về kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ: Tình hình dịch bệnh vẫn được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, tác động tích cực tới phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Các số liệu được báo cáo, phân tích tại phiên họp đã chứng minh rất rõ điều này.
Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số kết quả đạt được, như kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, thu đủ chi, xuất đủ nhập, xuất nhập khẩu đạt gần 600 tỷ USD, xuất siêu trở lại, các nhu cầu về năng lượng, lương thực, thực phẩm được đáp ứng đầy đủ, thị trường lao động từng bước phục hồi rất nhanh. Cùng với đó, một số vấn đề tồn đọng kéo dài nhiều năm đã được giải quyết dứt điểm như đưa dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đi vào hoạt động, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý nhiều dự án thua lỗ, tổ chức tín dụng yếu kém…
Việc giải ngân cho an sinh xã hội theo Nghị quyết 68 của Chính phủ đạt 29 nghìn tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra trước đó (26 nghìn tỷ đồng), đây là cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị. Lĩnh vực văn hóa tiếp tục quan tâm theo tinh thần văn hóa soi đường cho quốc dân đi, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. An ninh quốc phòng được giữ vững, đối ngoại được tăng cường và mở rộng. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai tích cực. Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, không buông lỏng; các vấn đề tồn đọng được xử lý quyết liệt.
Bên cạnh đó, các ý kiến tại phiên họp cũng thẳng thắn chỉ ra còn không ít hạn chế, bất cập. Dịch bệnh diễn biến còn phức tạp và dự báo có thể tiếp tục phức tạp với các biến chủng mới, số ca nhiễm mới và tử vong đang có xu hướng tăng; Thủ tướng yêu cầu cần tập trung nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng hơn vấn đề này, phải hết sức bình tĩnh, không lơ là, chủ quan cũng không lo sợ, hốt hoảng trong phòng chống dịch, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, công thức, phương châm phòng chống dịch đã được đúc rút, tổng kết. Kinh tế - xã hội còn tiềm ẩn một số vấn đề về nợ xấu, lạm phát, an ninh kinh tế, đầu tư công, rủi ro của thị trường bất động sản, chứng khoán. An sinh xã hội còn một số vấn đề cần tiếp tục khắc phục. Công tác quy hoạch, giải ngân đầu tư công còn chậm. An ninh, quốc phòng còn nhiều thách thức.
Thủ tướng nêu rõ, đạt được những kết quả nói trên là nhờ sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước; các cấp, các ngành nghiêm túc thực hiện, cụ thể hóa sự lãnh đạo, đường lối, chủ trương của Đảng; sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế là có nơi, có lúc còn tư tưởng chủ quan, lơ là, nhất là với dịch bệnh, một số địa phương buông lỏng, chủ quan khi dịch được kiểm soát và sau khi tổ chức tiêm vaccine; sự thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành ở một số nơi, việc tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu.
Kiên trì thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19
Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ. Trước hết, phải nắm chắc, bám sát thực tiễn, dự báo tốt tình hình, nhất là diễn biến dịch bệnh; kiên trì thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý nhiệm vụ tiêm vaccine, vaccine là giải pháp căn cơ, quyết định để kiểm soát dịch. Do đó, phải có kế hoạch rất cụ thể, chi tiết để bảo đảm tới giữa tháng 12, cơ bản tiêm đủ 2 mũi cho toàn bộ dân số từ 18 tuổi trở lên; tiếp tục tiêm cho người từ 12 tuổi; xây dựng kế hoạch phù hợp và triển khai tiêm mũi thứ 3; rà soát lại việc bảo quản, tổ chức tiêm vaccine, tiến hành thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa, khắc phục các bất cập, sự cố xảy ra và làm tốt công tác truyền thông, không để xảy ra khủng hoảng truyền thông. Tiếp tục thúc đẩy việc sản xuất vaccine trong nước và nhập khẩu vaccine, tổ chức tiêm an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả… Tuyên truyền thật tốt về phòng chống dịch, tiếp tục đề cao ý thức người dân, người dân là mục tiêu, là động lực, là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch.
Cùng với đó, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương triển khai công tác kiểm tra, đôn đốc của 06 Tổ công tác được thành lập theo Quyết định số 1962 ngày 22/11 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế, tích cực phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để chuẩn bị các văn bản, đề án, nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới, bảo đảm chất lượng.
Cùng với việc tiêm vaccine cho trẻ em, cần có kế hoạch cụ thể, chuẩn bị kỹ các điều kiện cho việc mở cửa trường học trở lại, bảo đảm an toàn, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho người yếu thế, người nghèo, chuẩn bị cho nhân dân đón Tết ấm áp, vui tươi, lành mạnh, an toàn.
Thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề ra tại Hội nghị toàn quốc về văn hóa để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Đẩy mạnh thông tin truyền thông, đấu tranh, phản bác thông tin xuyên tạc, kích động, sai sự thật, xử lý nghiêm các vi phạm. Xây dựng Chương trình đối ngoại năm 2022 của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại. Khẩn trương hoàn thiện dự thảo đề án về Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 và dự thảo đề án về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội để trình cấp có thẩm quyền.
Cũng trong tháng 11, tình hình thiên tai, mưa lũ lớn xuất hiện tại một số địa phương Nam Trung Bộ và Tây Nguyên với diễn biến phức tạp. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình có người bị nạn do thiên tai, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng lũ. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 1659/CĐ-TTg ngày 30/11/2021 về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.
Cũng tại phiên họp, Chính phủ cơ bản thống nhất những nội dung chủ yếu của dự thảo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung, như bổ sung quan điểm hài hòa giữa kinh tế, văn hóa, môi trường, phát triển hợp lý, cân bằng giữa công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phù hợp với tình hình, bối cảnh mới. Bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kết luận của Hội nghị Trung ương 4, các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 để hoàn thiện kế hoạch, tìm ra động lực phát triển mới.
Thủ tướng lưu ý một số nội dung như ưu tiên hoàn thiện thể chế, tập trung cho các lĩnh vực biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, ba khâu đột phá chiến lược; giữ vững môi trường hòa bình và ổn định chính trị để thu hút đầu tư;đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hoàn thiện các quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quang ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…
End of content
Không có tin nào tiếp theo