Thị trường

Kinh tế Việt Nam làm được điều khó tin khi thế giới loay hoay chống dịch

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi bệnh dịch, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có điểm sáng trong triển vọng tăng trưởng.

Giá gạo xuất khẩu lên cao nhất 2 năm / IMF dự đoán kinh tế Việt Nam bật tăng mạnh mẽ vào năm 2021

Theo IMF, kinh tế toàn cầu năm nay giảm 3%. Đây là mức thấpnhất kể từ cuộc đại suy thoái tồi tệ nhất lịch sử vào những năm 1930. Thậm chí, ngay cả khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009, nền kinh tế toàn cầu cũng chỉ giảm 1,68%.

Các nền kinh tế lớn khác cũng được dự báo với mức tăng trưởng âm, như Mỹ với mức -5,9%, khu vực Châu Âu với mức -7,5%...

Trong khi đó theo dự báo của IMF, Việt Nam sẽ tăng trưởng dương 2,7% trong năm nay. Tương tự theo dự báo của ADB, World Bank hay Fitch, Việt Nam đều là điểm sáng với triển vọng tăng trưởng ở mức dương, bất chấp tình hình dịch bệnh.

Kinh tế Việt Nam làm được điều khó tin khi thế giới loay hoay chống dịch - Ảnh 1.

Việt Nam được dự báo là một trong số ít các quốc gia sẽ tăng trưởng dương trong năm 2020

So sánh đà tăng trưởng với hai quốc gia trong khu vực là Philippines và Thái Lan, chuyên gia Fitch Solution nhận định trong khi kinh tế Việt Nam sẽ bật tăng trở lại trong nước cuối năm, thì dự báo hai quốc gia trên sẽ giữ đà sụt giảm trong cả năm nay.

"Thái Lan quá phụ thuộc vào du lịch quốc tế, còn Philippines phụ thuộc nhiều vào kiều hối và hai quốc gia này vẫn có thể đóng cửa kinh tế kéo dài. Trong khi đó, đà tăng trưởng của Việt Nam nửa cuối năm nay sẽ tới từ lượng cầu nội địa tăng mạnh",ông Jason Yek, Chuyên gia Phân tích rủi ro cấp cao tại Fitch Solutions nhận định.

Đâu là nguyên nhân cho sự tăng trưởng ngoạn mục?

Lý giải động lực tăng trưởng của Việt Nam, các chuyên gia đều nhận định nguyên nhân trước nhất chính là nhờ sự quyết đoán trong kiểm soát dịch bệnh.

"Hành động kịp thời là điều tôi đánh giá cao ở Việt Nam khi điều chỉnh chính sách tiền tệ, việc giãn nợ được triển khai ngay, giúp các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 có được sự yên tâm phần nào khi đang loay hoay bước ra khỏi khủng hoảng. Qua đó, giúp doanh nghiệp tránh rơi vào bế tắc và chuẩn bị sẵn sàng cho sự phục hồi", ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam nhận xét.

 

Trong khi đó,Euro Charm hoan nghênh các hành động quyết đoán và nhanh chóng của chính phủ nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Những hành động này đã giúp duy trì niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu, những người tiếp tục coi Việt Nam là một điểm đến an toàn hấp dẫn và cạnh tranh để kinh doanh.

Kinh tế Việt Nam làm được điều khó tin khi thế giới loay hoay chống dịch - Ảnh 2.

Ngăn chặn sớm dịch bệnh, kết hợp các yếu tố vĩ mô ổn định là nền tảng cho sự tăng trưởng của Việt Nam

Các tổ chức quốc tế đều dự báo tăng trưởng Việt Nam trong trung hạn rất tích cực nhờ lực lượng lao động dồi dào, môi trường FDIthân thiện,cùng nền tảng vĩ mô ổn định.

Yếu tố “ổn định” một lần nữa được chứng tỏ là điểm sáng của Việt Nam. Mức xếp hạng “ổn định” của Fitch đưa ra gần đây khẳng định viễn cảnh tăng trưởng mạnh trong trung hạn của Việt Nam, dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, mức nợ Chính phủ thấp và khu vực kinh tế đối ngoại có khả năng chống chịu, bao gồm cả dự trữ ngoại hối ở mức khá lớn.

Thực tế, sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế đã bắt đầu có thể quan sát được một cách định lượng. Con số đáng chú ý là mức vốn FDI cam kết trong tháng 4 vừa rồi, bất ngờ tăng trở lại, tăng thêm 81% so với tháng 3, và tăng tới 62% so với cùng kỳ năm ngoái, dù vẫn trong bối cảnh đại dịch. Mức tăng trưởng vốn cam kết này phần nào cho thấy sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam hậu COVID-19 như 1 điểm đến an toàn.

 

Kinh tế Việt Nam như chiếc "lò xo" nén lại, đang sẵn sàng bung ra

Hơn một tháng qua, VN-Index hồi phục hơn 25% tới đáy. Giá trị rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 4 đã giảm mạnh 90% so với tháng 3. Một số nhà đầu tư nước ngoài rút vốn đã rót vốn trở lại.

"Nhiều khách hàng của chúng tôi đã liên tục mua ròng trở lại trong các phiên gần đây, nếu khối ngoại dừng bán ròng, tôi nghĩ mọi chuyện đã trở nên tích cực hơn nhiều. Trải qua dịch bệnh, Việt Nam đã chứng tỏ là một thị trường tiềm năng và hấp dẫncho đầu tư dài hạn", ông Tsuyoshi Mai, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhật Bản cho biết.

Kinh tế Việt Nam làm được điều khó tin khi thế giới loay hoay chống dịch - Ảnh 3.

Kinh tế Việt Nam như chiếc "lò xo" nén lại, đang sẵn sàng bung ra

Dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) rục rịch trở lại, dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) cũng không ngồi yên. Theo thống kê mới đây của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản Jetro, bên cạnh Trung Quốc, Việt Nam là lựa chọn số 1 tại Đông Nam Á để là nơi sản xuất, là nguồn cung ứng, hay địa điểm cho dịch vụ hậu mãi.

 

"Tinh thần này được lên dây cót từ trước dịch. Chỉ cần Nhật Bản hết dịch, tôi tin làn sóng đầu tư sẽ trở lại mạnh mẽ. Nhiều công ty Nhật cũng đang tìm hiểu về thị trường kinh tế Việt Nam. Đối với Nhật Bản, Việt Nam là điểm đến tiềm năng về mặt sản xuất, thị trường hay mua sắm công",Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện văn phòng Hà Nội, Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản cho biết.

Dịch chuyển

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, quá trình dịch chuyển sang Việt Nam sẽ là những phần phù hợp chứ không phải toàn bộ, vì sản xuất quy mô lớn vốn là thế mạnh, khó có thể cạnh tranh của Trung Quốc. Việt Nam có những thế mạnh riêng nhưng cũng cần phải phát triển những lợi thế cạnh tranh rõ ràng hơn.

"Nhiều nhà đầu tư vẫn chưa quyết định rời khỏi Trung Quốc vì chuỗi giá trị sản xuất ở Trung Quốc đã quá hoàn chỉnh và giảm được nhiều chi phí cho nhà sản xuất. Việt Nam có nhiều lợi thế về nhân công giá rẻ nhưng có thể chúng ta không có lợi thế về hạ tầng, giao thông tốt như Trung Quốc", Nguyễn Đức Hùng Linh, Chuyên gia phân tích chứng khoán cho hay.

Kinh tế Việt Nam làm được điều khó tin khi thế giới loay hoay chống dịch - Ảnh 4.

Theo dự báo, một làn sóng dịch chuyển về Việt Nam được dự đoán sẽ bắt đầu trong năm nay

 

Theo các chuyên gia, Việt Nam không thể chỉ mãi cạnh tranh thu hút FDI bằng nguồn vốn giá rẻ hay ưu đãi đặc biệt cho vốn nước ngoài, vì điều này có thể tạo ra sự không cân xứng với các nhà đầu tư trong nước. Gia tăng hàm lượng giá trị trong chuỗi sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ giúp Việt Nam tạo sức cạnh tranh tổng thể.

Những triển vọng vô cùng tích cực, tuy nhiên, vẫn sẽ chỉ dừng ở mức triển vọng nếu không được nhanh chóng tận dụng triệt để. Và như đại diện Jetro đã chia sẻ, Việt Nam sẽ chỉ tận dụng được bối cảnh đa dạng hoá chuỗi cung ứng toàn cầu nếu nội lực nền kinh tế tiếp tục được củng cố. Để chiếc lò xo nén lại sẽ thực sự tạo ra cú bật mạnh mẽ trong những năm tiếp theo.

5 mũi giáp công

"Việt Nam cần gỡ bỏ những điểm nghẽn về thủ tục đầu tư để đón làn sóng hậu COVID-19, đồng thời đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, để tạo sức lan tỏa cho các khu vực kinh tế ở trong và ngoài nước. Cuối cùng cần có chiến lược thúc đẩy du lịch tăng trưởng trở lại nhưng vẫn đảm bảo an toàn", ông Jason Yek phân tích.

"Hướng tới phát triển dịch vụ công trực tuyến, Chính phủ điện tử sẽ là kênh hỗ trợ người dân và doanh nghiệp lâu dài, không chỉ dừng lại ở giai đoạn khắc phục sau cơn bão COVID-19. Ngân hàng Thế giới cam kết dành nguồn lực và các chuyên gia đầu ngành hợp tác chặt chẽ với Việt Nam" – ông Oussmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới chia sẻ.

 

Kinh tế Việt Nam làm được điều khó tin khi thế giới loay hoay chống dịch - Ảnh 5.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề ra 5 mũi giáp công cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 5% trong năm nay

Tại hội nghị với doanh nghiệp mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tập trung hơn nữa vào quá trình khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm nay đat mức tăng trên 5%. Cùng với đó, kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%.

Để hoàn thành mục tiêu này, 5 mũi giáp công đã được Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh:

1. Thu hút đầu tư từ nội địa, từ tư nhân

2. Thu hút FDI

 

3. Đẩy mạnh xuất khẩu

4. Thúc đẩy đầu tư công

5. Khuyến khích tiêu dùng nội địa.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm