Kinh tế Việt Nam năm 2021 - Điểm sáng của khu vực
Xuất khẩu tôm hướng tới hơn 4 tỷ USD năm 2022 / Kinh tế năm 2021: Sóng cả không ngã tay chèo
Tuần qua, kinh tế là đề tài được nhiều tờ báo nhắc đến, đặc biệt là các bài viết nhìn lại diễn biến của nền kinh tế trong năm 2021 cũng như bàn về triển vọng năm 2022.
Năm 2021 là năm nền kinh tế Việt Nam gặp phải khó khăn chưa từng có. Có những tờ báo đã thống kê lại thiệt hại của nền kinh tế do đại dịch COVID-19 - đó là những con số không hề nhỏ.
Thiệt hại kinh tế có thể tính từ năm 2020 và nếu tính cả 2 năm (2020 - 2021) thì theo thống kê của tờ Kinh tế Đô thị dịch COVID-19 đã trực tiếp tác động tới mọi mặt của nền kinh tế Việt Nam. Thiệt hại do dịch bệnh gây ra ước tính lên tới 847 nghìn tỷ đồng, tương đương 37 tỷ USD.
Tuy nhiên, với việc nhìn trực diện khó khăn không né tránh cùng với đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và sự sát sao tận tâm của các lãnh đạo cấp cao đã khiến cho bức tranh với ga màu tối ánh lên nhiều điểm sáng vào những tháng cuối năm bất chấp dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Xuất nhập khẩu xác lập kỷ lục mới
Dự báo trong năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thể tăng trưởng từ 13 - 15%. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Báo Lao động xã hội cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 15/12 quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt trên 633 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu là hơn 317 tỷ USD, còn nhập khẩu là trên 315 tỷ USD. Cả năm nay kim ngạch xuất nhập khẩu dự đoán vượt mốc 660 tỷ USD. Kết quả này cũng có nghĩa Việt Nam đã nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Nhiều tờ báo cũng bình luận rằng, hoạt động xuất nhập khẩu trong những tháng cuối năm đã đảo chiều ngoạn mục đưa Việt Nam trở thành nước xuất siêu 6 năm liên tiếp.
Với kết quả đáng khích lệ này xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và tạo ra nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.
Báo Tin tức dẫn lời một số chuyên gia cho rằng, dự báo trong năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thể tăng trưởng từ 13 - 15%. Trong năm tới sẽ chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội và Việt Nam tiếp tục là quốc gia tận dụng được cơ hội để tăng tốc xuất khẩu.
Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022, nâng cao chất lượng hàng hóa để tín sâu vào các thị trường lớn.
Thu ngân sách nội địa về đích sớm
Ảnh minh họa.
Chịu tác động nặng nề của dịch bệnh nhưng các doanh nghiệp, đặc biệt là trong ngành công nghiệp đã xây dựng kịch bản chủ động thích ứng với trạng thái "bình thường mới", đảm bảo ổn định sản xuất, kinh doanh và nỗ lực hoàn thành đúng tiến độ kế hoạch đề ra.
Theo tờ Công Thương, 11 tháng năm nay, sản xuất hàng dệt may, máy móc thiết bị, phụ tùng phục hồi rất khả quan. Đáng chú ý, chỉ số sản xuất 11 tháng năm 2021 của một số ngành trọng điểm tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước như sản xuất kim loại tăng hơn 23%, sản xuất xe có động cơ tăng gần 11%.
Doanh nghiệp đã rất nỗ lực, bên cạnh đó phải nhắc tới sự tác động từ các yếu tố khách quan đó là các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Bộ ngành đã giúp doanh nghiệp khắc phục được khó khăn, khôi phục sản xuất trở lại và có kết quả kinh doanh tương đối tích cực. Điều này cũng dẫn tới thu ngân sách Nhà nước vẫn về đích sớm.
Tổng thu ngân sách Nhà nước lũy kế 11 tháng năm 2021 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 1,18 triệu tỷ đồng, bằng 105,1% so với dự toán và bằng 107,5% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu loại trừ yếu tố gia hạn và một số khoản thu đột biến bằng 104% so với cùng kỳ, theo tờ Kinh tế và Đô Thị.
Việt Nam sẽ "viết tiếp câu chuyện tăng trưởng"
Để có được những thành tích ấn tượng trong năm 2021 đầy khó khăn có rất nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên có một nguyên nhân chủ yếu theo các chuyên gia đó là Việt Nam đã nhanh chóng chuyển từ chiến lược "Zero COVID" sang "Thích ứng linh hoạt với COVID" dần nới lỏng giãn cách và mở cửa nền kinh tế. Kết quả là nền kinh tế đã có bước chuyển biến tích cực.
Theo các chuyên gia của Ngân hàng thế giới, lạm phát tăng nhẹ do giá nhiên liệu tăng, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng ngoài lương thực, thực phẩm đnag phục hồi và chi phí logistics tăng, trong khi tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức ổn định, cung cấp thanh khoản dồi dào để phục hồi kinh tế. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng triển vọng phục hồi của kinh tế Việt Nam là rất lớn.
Nhiều ý kiến cho rằng triển vọng phục hồi của kinh tế Việt Nam là rất lớn. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Tờ Thời báo Ngân hàng dẫn dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á, trong năm 2022 mức tăng trưởng của Việt Nam là 6,5%. HSBC dự báo 6,8%, còn Kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Jacquest Morisset đánh giá mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5% trong năm 2022 của Việt Nam là hoàn toàn khả thi và Việt Nam sẽ "viết tiếp câu chuyện tăng trưởng".
Còn tờ Đầu tư nhận định việc Việt Nam nằm trong khu vực phục hồi kinh tế tích cực trong năm 2022 cũng như nằm trong đà phục hồi của mạng sản xuất khu vực châu Á sẽ góp phần quan trọng để tăng tốc thu hút đầu tư nước ngoài.
Những dự báo về kinh tế Việt Nam rất tích cực nhưng không phải không có những khó khăn, đặc biệt khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường. Bên cạnh đó cũng cần chú ý tới các thách thức khác như tuần qua câu chuyện ùn ứ nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc được nhiều tờ báo phản ánh.
Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác cần giải quyết như duy trì chuỗi cung ứng sản xuất để tránh bị đứt gãy, vấn đề thiếu lao động của các doanh nghiệp, cũng như những tác động chưa thể lường trước của bối cảnh chung của kinh tế thế giới và rất cần các giải pháp kịp thời, căn cơ để giải quyết các vấn đề phát sinh để kinh tế Việt Nam có thể đạt được tăng trưởng như kỳ vọng trong năm 2022.
End of content
Không có tin nào tiếp theo