Làm gì để nông dân được hưởng lợi?
Khôi phục làng nghề giúp xoá đói giảm nghèo ở Hà Giang / Kiên Giang: Nuôi cá lồng an toàn trên biển Tiên Hải
Ông Lê Văn Lam, người nông dân có hơn 50 năm gắn bó với cây lúa ở xã Tân Phước, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp), cho biết 10 năm qua, giá lúa cứ quanh quẩn ở mức 5.000 đồng/kg trong khi giá phân bón không ngừng tăng.
Đầu ra bấp bênh
Không những vậy, trong năm nay, người trồng lúa gặp khó khăn vì thời tiết thất thường nên năng suất lúa giảm 10%, trong khi thuốc trừ sâu, công lao động lại tăng 10 - 20%.
Nói ra vấn đề này tại buổi đối thoại ở Cần Thơ giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với nông dân về chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản”, ông Lam mong rằng cần phải cho nông dân vùng Đồng Tháp Mười chuyển đổi đất đai, cây trồng để có lợi nhuận cao hơn thay vì làm lúa mãi.
Câu chuyện phản ánh của ông Lam cũng là trăn trở chung của nhiều nông dân trồng lúa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lâu nay. Tuy là vùng sản xuất lúa gạo chính nhưng nông dân trồng lúa ở đây lại là người nghèo nhất và gặp nhiều khó khăn nhất.
Giới chuyên gia cho rằng trong quá trình tái cơ cấu sản xuất, ngành nông nghiệp có chủ trương giảm diện tích trồng lúa, như ở vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, trồng cây gì lại là một vấn đề lớn, từ khâu giống, canh tác, cơ giới hóa cho đến xử lý sau thu hoạch, vấn đề quan trọng là thị trường, là thu nhập cho nông dân.
Thực tế hiện nay cho thấy không chỉ với cây lúa, đầu ra tiêu thụ sản phẩm của nông dân luôn bấp bênh vì cả Nhà nước và doanh nghiệp (DN) đều chưa bảo đảm tìm được hoặc mở được thị trường nông sản một cách ổn định. Khi sản xuất, nông dân tự quyết định một cách phiêu lưu, không biết ai sẽ mua, mua bao nhiêu?
Theo Gs.Ts Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp vùng ĐBSCL, nông dân được “hô hào” nên trồng lúa giống này, không được trồng giống kia..., nhưng khi thu hoạch thì không bán được, vì thế họ phải tự quyết định nuôi con gì, trồng cây gì, kỹ thuật nào để dễ bán, ít bị rủi ro nhất.
“Đội quân thương lái đến tận ruộng, vườn, ao cá, vuông tôm mua hàng của nông dân để sơ chế rồi bán lại cho DN. Thế nên, chất lượng không đồng đều, nguồn gốc không truy nguyên được. Như vậy làm sao DN có thể chế biến thành sản phẩm có thương hiệu mạnh, giá trị cao?”, ông Xuân nói.
Chia sẻ với những trăn trở của người nông dân vùng ĐBSCL tại buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng phải đặt vấn đề: Trong khi hội nhập thì sản phẩm nước ngoài vào, cần làm gì để cạnh tranh, để nông dân trong nước có sản phẩm tốt, giá thành hạ để bán cho người tiêu dùng trong nước và hướng về xuất khẩu. Làm gì để có sản phẩm tốt, giá thành hạ để bà con hưởng lợi, Nhà nước phải làm gì, người dân cần làm gì?
Nông dân phải tự đổi mới
Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc cũng như những đề xuất, kiến nghị, hiến kế... của nông dân, Thủ tướng nhấn mạnh người nông dân cũng phải tự đổi mới trong bối cảnh tình hình đất nước, thị trường thay đổi để phát triển.
“Nhà nước quan tâm nhưng người nông dân cũng phải tự đổi mới, phải vào HTX, liên kết làm sao cho hiệu quả. Tính chủ động của bà con rất quan trọng, nếu cứ làm bài cũ, sản xuất tràn lan, thâm dụng đất đai, ảnh hưởng đến môi trường, không tự tái cơ cấu thì khó thành công”, Thủ tướng lưu ý.
Trong khoảng 2.000 câu hỏi từ nông dân, chuyên gia, DN trong nước gửi đến Thủ tướng thông qua buổi đối thoại này có thể thấy những vấn đề mà người nông dân hiện nay đang quan tâm là: Sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng phát triển bền vững, tiêu thụ nông sản; đất đai, đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn; biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường.
Như chia sẻ của ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, một trong những khó khăn, vướng mắc hiện nay của nông dân là vấn đề tiêu thụ nông sản ổn định, đảm bảo có lãi. Để giải quyết được, rất cần có các giải pháp tổng thể, đồng bộ và xuyên suốt…
Một thực trạng đáng lo ngại là nông dân thường xuyên phải đối mặt với việc “được mùa - mất giá”, “được giá - mất mùa”, bị tư thương ép giá… Những người nông dân làm ra hàng hóa được hưởng lợi ít, trong khi lợi ích của thương lái thu gom và đại lý các cấp ngày càng tăng.
Đây là một nghịch lý đối với nông nghiệp nói chung, đồng thời phản ánh những bất cập trong quá trình phân phối giá trị sản phẩm nói riêng của hàng hóa nông nghiệp Việt Nam.
Theo giới chuyên gia, nguyên nhân của tồn tại này có nhiều, song chủ yếu là do phương thức sản xuất, kinh doanh nông sản của nông dân và DN đang dừng ở việc “sản xuất theo khả năng”, chưa chú trọng sản xuất “những gì thị trường cần”.
Đặc biệt là việc thả lỏng để nông dân tự do trồng, đến khi ứ đọng hàng bán không đuợc thì tự do chặt bỏ. Làm ăn riêng lẻ, tự phát đã trở thành tập quán của bà con nông dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thời gian tới cần tiếp tục đầu tư nguồn lực cho nông nghiệp, nông dân, trước hết là vấn đề biến đổi khí hậu. Chính phủ đã có chủ trương, biện pháp để cùng bà con tháo gỡ những vấn vấn đề cấp bách.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Bấp bênh đầu ra khiến người nông dân khó hưởng lợi