Linh hoạt xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu mới
Cục trưởng Xúc tiến Thương mại nói về tiềm năng xuất khẩu rau gia vị và gia vị sang các thị trường... / Cục Xúc tiến thương mại kêu gọi doanh nghiệp tài trợ mua nông sản Hải Dương để cung cấp miễn phí cho các cơ sở xã hội
Ban quản lý Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia (Bộ Công Thương) cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động xúc tiến thương mại với nòng cốt là Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã được triển khai với định hướng đa dạng hóa thị trường.
Hoạt động xúc tiến đã tăng cường tận dụng cơ hội từ thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA). Tăng cường liên kết vùng, miền, nhằm mang tính bền vững, cân bằng hơn, bảo đảm thị trường ổn định, lâu dài cho hoạt động xuất khẩu.
Tuy nhiên, Ban quản lý Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia dự báo, 6 tháng cuối năm, hoạt động xuất, nhập khẩu vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định.
Trước dự báo này, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu Việt muốn tồn tại phải thực sự chủ động nắm bắt thông tin, am hiểu thị trường. Hoạt động xúc tiến thương mại là một trong những cách thức hữu hiệu hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường trực tiếp nhất.
“Từ nay tới cuối năm, trong khuôn khổ chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, các hoạt động xúc tiến sẽ tiếp tục đổi mới. Trong đó, đẩy mạnh triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu mới.
Tập trung khai thác, vận dụng và phát huy có hiệu quả, thực chất các FTA. Chuyển đổi số phải gắn với chuyển đổi xanh trong xúc tiến thương mại một cách tích cực nhằm thúc đẩy sản xuất và phát triển ngoại thương bền vững”, ông Phú nhấn mạnh.
6 tháng cuối năm, Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia sẽ tập trung tổ chức, tham gia hội chợ triển lãm quốc tế tại nước ngoài và tại Việt Nam.
Cụ thể, tại nước ngoài, chương trình sẽ tổ chức các hội chợ quốc tế như “Hội chợ quốc tế công nghiệp thực phẩm Sial Paris 2024” tại Pháp; “Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống World Food Moscow 2024” tại Nga.
Trong nước, chương trình sẽ tổ chức các triển lãm quốc tế dành cho sản phẩm xuất khẩu như “Triển lãm quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam” (Vietnam Foodexpo 2024), “Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu” với quy mô khoảng 200 doanh nghiệp tham gia với khoảng 300 - 500 gian hàng.
Đồng thời, tổ chức các đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài. Dự kiến sẽ có 4 đoàn xúc tiến thương mại và đầu tư tại các nước Nga, Phần Lan, Pháp, Bỉ, Hà Lan với quy mô từ 10-30 doanh nghiệp/đoàn). Tổ chức đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam và hội nghị quốc tế ngành hàng xuất khẩu tại Việt Nam; tuyên truyền, quảng bá ngành hàng xuất khẩu...
Trong 6 tháng cuối năm, trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, Bộ Công Thương chỉ đạo, giao Cục Xúc tiến thương mại tổ chức kỳ xét chọn các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia lần thứ 9. Lễ công bố dự kiến tổ chức vào quý IV năm 2024.
“Cục Xúc tiến thương mại cũng sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các chương trình tuyên truyền, quảng bá cho Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các doanh nghiệp, sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia. Qua đó, nâng cao vị thế và giá trị của thương hiệu quốc gia cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận với khách hàng, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu”, ông Phú nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Trình Quốc hội kế hoạch cải cách tiền lương vào năm 2025
Cần chính sách công nghiệp đột phá
Lễ hội mua sắm tại Sóc Sơn: Đặc sản vùng miền và sản phẩm xanh 'lên ngôi'
Nhà bán lẻ Nhật Bản lên kế hoạch tuyển 5000 nhân sự tại Việt Nam trong năm 2025
Dự báo tác động từ chính sách của tân Tổng thống Mỹ đến kinh tế Việt Nam
Việt Nam - Nhật Bản bắt tay mở rộng thị trường, vượt qua thách thức toàn cầu