Thị trường

Mô hình mới, cách làm hay của phụ nữ Hậu Giang

Để khởi nghiệp và thoát nghèo bền vững, nhiều phụ nữ ở Hậu Giang đã tìm mô hình thích hợp để tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới phát triển hình thức tổ chức sản xuất. Chị em ở khu vực nông thôn đã có nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, đạt thu nhập từ 60 đến 100 triệu đồng/năm.

Nhiều mô hình và cách làm hay như: Trồng rau sạch an toàn trong nhà lưới, trồng ổi nữ hoàng, phụ nữ khởi nghiệp đan lục bình, chằm nón lá, gia công các mặt hàng mỹ nghệ… đã từng bước giúp chị em phụ nữ khẳng định vai trò, tạo ra thu nhập ổn định cho gia đình, đóng góp phát triển kinh tế địa phương, vươn lên trong cuộc sống.

Những mô hình tiêu biểu

Chị Nguyễn Thị Diệu Hiền (thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy) là hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi với mô hình trồng hẹ. Được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn, chị đã tận dụng hết các phần đất trống quanh nhà để trồng các loại rau xen canh như: hẹ, rau má, đậu đũa… theo quy trình bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, nhất là không sử dụng các chất hóa học độc hại trong sản xuất. Nguồn sản xuất này đã hỗ trợ chị có thêm thu nhập 4 triệu đồng/tháng.

Cũng như chị Hiền bà Lê Thị Ngọc Thu ở ấp 10, xã Vị Thắng cũng khởi nghiệp từ nghề đan giỏ lục bình. Bà Thu kể lúc đầu bà học nghề từ người chị ở thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp. Sau đó, bà dạy nghề lại cho các chị em ở địa phương. Vì tay ngang nên các cô, các chị người nào sáng dạ thì học dăm ba ngày là bắt tay tự thực hiện các thao tác đan một cách thuần thục. Còn người nào học chậm hơn, thì mất khoảng 1 tuần cũng rành nghề.

Bà Phạm Thị Tiếp ở ấp 10, xã Vị Thắng, cho biết: “Từ khi đan mặt hàng thủ công mỹ nghệ, cuộc sống gia đình được ổn định. Ban đầu làm chưa quen tay nên thao tác còn chậm, sau thời gian làm riết rồi quen tay. Bình quân mỗi ngày, tôi cũng đan được 3, 4 cái giỏ, tính ra mỗi tháng tôi cũng kiếm được trên 1 triệu đồng từ nghề này”.

Gia đình bà Tiếp chỉ có 3 công ruộng, bà làm nội trợ còn chồng bà lo ruộng nương nên thu nhập cũng không được bao nhiêu. Từ khi có nghề đan giỏ lục bình, gia đình bà có thêm khoản tiền kha khá, để trang trải chi phí sinh hoạt.

Nghề đan lục bình đã giúp nhiều phụ nữ có thêm thu nhập

Tăng cường hỗ trợ

Nghề đan lục bình đã “bén duyên” với những phụ nữ này từ năm 2003, lúc đầu chỉ có vài chị em tham gia. Đến nay đã phát triển thành HTX, thu hút hàng trăm lao động tham gia.

Ngoài tự khởi nghiệp hay bắt đầu bằng những nghề truyền thống, tham gia HTX cũng là cách để nhiều chị em phụ nữ có thu nhập ổn định. Với 24 thành viên là nữ, HTX Nông nghiệp và thương mại dịch vụ mãng cầu Thuận Hòa (huyện Long Mỹ) là một môi trường như thế. HTX trồng mãng cầu xiêm 5 - 10 năm tuổi có thể đạt sản lượng 100 - 150kg/ cây/năm. Bình quân, mỗi năm 1ha mãng cầu xiêm cho thu lãi trên 300 triệu đồng.

Để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, Hội LHPN đã phối hợp với Sở Công Thương, Sở NN&PTNT, Liên minh HTX tỉnh, các tổ chức tín dụng… tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ tiếp cận vốn, kiến thức, giống cây trồng, vật nuôi để khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, hỗ trợ thủ tục đăng ký thương hiệu, thành lập HTX; tham gia hội chợ xúc tiến thương mại tại Tp.HCM, Cần Thơ và Hậu Giang.

Hội kết nối tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ. Nhiều tổ hợp tác, HTX mà vai trò của phụ nữ là then chốt đã được kết nối đầu ra ổn định. Trong đó, Hội LHPN tỉnh Hậu Giang đã làm cầu nối quan trọng để các HTX Nông nghiệp Kỳ Như (Phụng Hiệp) ký kết với Cơ sở Vinh Phú, quận Ninh Kiều (Cần Thơ); Cơ sở đan lục bình Nguyễn Thị Loan (Châu Thành) ký kết với HTX Kim Hưng (Cái Răng, Cần Thơ); HTX Thanh Tú (Vị Thủy) ký kết với công ty TNHH Mây tre lá Thành Lộc (Tân Uyên - Bình Dương)… Việc kết nối đã giúp các cơ sở sản xuất của chị em phụ nữ tìm đầu ra ổn định và có thu nhập bền vững.

Ông Lê Văn Hai – Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Số lượng HTX trong tỉnh nhiều nhưng nữ giám đốc thì đếm trên đầu ngón tay. Vì thế trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ ủng hộ, giúp đỡ các thủ tục, chuyên môn để chị em phụ nữ có thể làm tốt hơn nữa vai trò của mình.

Theo Hoàng Lê/Thời báo Kinh doanh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo