Thị trường

Ngành thủy sản Việt Nam hi vọng sớm gỡ "thẻ vàng"

DNVN - Trước cuộc làm việc với đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) vào ngày 27/10/2021, lãnh đạo Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, EC đánh giá Việt Nam đang đi đúng hướng trong khai thác hải sản nên sẽ sớm gỡ “thẻ vàng”.

Kiểm điểm 2 đơn vị làm ảnh hưởng việc gỡ thẻ vàng / Phải có giải pháp quyết liệt để gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam

Chia sẻ với báo chí bên lề Hội nghị trực tuyến “Tổ chức khai thác thủy sản thích ứng an toàn, phòng chống dịch COVID-19, Quý IV năm 2021” sáng 22/10/2021, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, tại “Cuộc họp về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)” đầu tháng 9/2021, ngành nông nghiệp cùng các địa phương sẽ quyết tâm đạt được các chỉ tiêu trong năm 2021, với tổng sản lượng nông sản dự kiến là 8,6 triệu tấn, xuất khẩu đạt 8,8 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm, Việt Nan đã xuất khẩu nông sản đạt 35,5 tỷ USD, thặng dư thương mại 3 tỷ USD, giảm so với năm trước.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT dự báo ngành thủy sản sẽ sớm gỡ được “thẻ vàng”.

“Riêng đối với ngành thủy sản, năm 2021 Việt Nam phấn đấu đạt 3,735 triệu tấn. 9 tháng đầu năm đã đạt được xấp xỉ 3 triệu tấn, như vậy còn 735 nghìn tấn nữa, bình quân mỗi tháng là 350 nghìn tấn. Tuy tháng 10 là tháng khó khăn, nhưng ngành thủy sản sẽ phấn đấu đạt năng suất cao hơn vào tháng 11, 12 để đạt sản lượng theo mục tiêu. Thị trường đang rất tốt với thủy sản, đặc biệt dịp Tết cuối năm và Noel. Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các cơ sở khắc phục ngay tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng để đảm bảo chỉ tiêu sản lượng và xuất khẩu”, ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, mặc dù 19 tỉnh phía Nam là vựa tôm cá của cả nước đang gặp nhiều khó khăn, nhưng bù lại, giá tôm lại tăng nhanh. Các doanh nghiệp lớn, như Tập đoàn thủy sản Minh Phú đã hoạt động 75% công suất. Phía Nam miền Trung nguyên liệu đầu vào đã đảm bảo 100%. Tỉnh Phú Yên cũng đã đảm bảo đủ công suất và nguyên liệu chế biến xuất khẩu.
Về vấn đề gỡ “thẻ vàng”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: 4 năm sau khi EC rút “thẻ vàng”, sản lượng khai thác hải sản của Việt Nam vẫn duy trì, tuy số lượng tàu giảm từ 128 nghìn xuống 94.572 tàu và cường độ khai thác cũng giảm đáng kể.
Cùng với đó, Việt Nam đã có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối hoàn chỉnh so với yêu cầu của EC. Việc truy xuất nguồn gốc, thực thi pháp luật là vấn đề còn phức tạp. Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đang được thực thi một cách quyết liệt. Từ nay đến cuối năm sẽ không có tàu vi phạm và đây là yếu tố rất quan trọng để Việt Nam gỡ “thẻ vàng”. Bộ NN&PTNT sẽ tập trung nguồn lực xây dựng hạ tầng để đảm bảo truy xuất ngay từ cảng, hệ thống trang thiết bị có thể nhận dạng ngay tàu vi phạm để xử lý cũng như thực thi pháp luật.
“Theo tôi, chúng ta sẽ sớm gỡ được “thẻ vàng” trong thời gian ngắn nhất”, ông Tiến dự báo.
Tự tin với kết quả của ngành thủy sản trong năm 2021 cho dù ngành này đang chịu tác động không nhỏ từ COVID-19, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản khẳng định: “Tôi tin chắc là phía EC sẽ không rút “thẻ đỏ”, mà hoạt động khai thác hải sản của Việt Nam sẽ tiếp tục bị cảnh báo “thẻ vàng” đến khi nào chúng ta chấm dứt được tình trạng tàu cá vi phạm, cũng như khắc phục được 4 nhóm kiến nghị của EC”.
Cũng theo ông Hùng, phía EC đánh giá Việt Nam đang đi đúng hướng và có những tiến bộ rất tích cực. Những chậm trễ trong việc khắc phục 4 nhóm kiến nghị mà EC đưa ra là do những yếu tố khách quan. Đó là số lượng tàu cá của Việt Nam rất lớn, đứng thứ nhì khu vực biển Đông, chỉ sau Trung Quốc. Với nghề cá truyền thống quy mô nhỏ của Việt Nam thì việc thực hiện 4 nhóm kiến nghị trên cần phải có thời gian, lộ trình.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản trả lời phỏng vấn về bên lề hội nghị về khai thác thủy sản sáng 22/10.
Đánh giá về việc thực thi 4 nhóm kiến nghị của EC trước thềm cuộc làm việc với đoàn thanh tra của EC ngày 27/10/2021, ông Nguyễn Quang Hùng cho rằng, qua báo cáo thống kê của Tổng cục Thủy sản triển khai thực hiện ở các tỉnh, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực, đặc biệt trong thời gian dịch COVID-19. Các tỉnh thành và địa phương đã rất cố gắng, vừa thực hiện mục tiêu kép chống dịch, vừa đảm bảo chống khai thác hải sản bất hợp pháp.
Tính đến nay, về cơ bản, Việt Nam đã hoàn thiện được khuôn khổ pháp lý cũng như theo sát hoạt động tàu cá trên biển, tại cảng. Các địa phương đã thực thi quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ. Thanh Hóa là tỉnh đi đầu trong việc lắp đặt mạng GSM giúp công tác thực thi pháp luật, truy xuất nguồn gốc được thuận tiện, hiệu quả.
“Việc truy xuất nguồn gốc, 3 tháng qua đã làm rất tốt, đúng theo yêu cầu của EC. Nếu EC tiếp tục duy trì “thẻ vàng”, chúng ta không bị ảnh hưởng nhiều. Việt Nam vẫn xuất khẩu sang châu Âu và các thị trường nước ngoài một cách bình thường. Tất nhiên, khi các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu, phía EC sẽ kiểm tra rất kỹ gần như 100% các hồ sơ liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc cũng như đảm bảo khai thác hợp pháp”, ông Hùng đánh giá.
Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm