Người Mỹ 'thích' gỗ Việt
Thị trường Mỹ chiếm tới khoảng 45% tổng kim ngạch xuất khẩu cũng như các sản phẩm gỗ của Việt Nam. Số liệu cho thấy, sản phẩm gỗ nội thất, ghế... của Việt Nam được người tiêu dùng Mỹ ưu chuộng nên có mức tăng trưởng khá mạnh.
Giá cao su xuất khẩu vẫn ở mức thấp / Ngành thuế làm việc cả ngày nghỉ Tết để phục vụ người dân và doanh nghiệp
Gỗ Việt nhích lên, Trung Quốc đứng im
Bộ Công thương dẫn nguồn từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ cho biết: Nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Mỹ trong 10 tháng đầu năm 2018 đạt hơn 16 tỉ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong số này, Trung Quốc chiếm hết gần 7,5 tỉ USD, tăng trên 46% so với cùng kỳ năm 2017. Việt Nam đứng thứ 2 với giá trị gần 3,3 tỉ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước (tổng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam 10 tháng 7,3 tỉ USD). Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam thấp hơn Trung Quốc nhưng nếu xét theo dung lượng thị trường thì Trung Quốc vẫn đứng yên, còn Việt Năm tăng trưởng nhẹ từ mức 19,9% của năm 2017 lên 20,2% trong năm 2018.
Việt Nam xuất sang Mỹ nhiều nhất là các sản phẩm ghế khung gỗ 809 triệu USD, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm gần 15% thị phần. Đồ nội thất phòng khách và phòng ăn đạt 1 tỉ USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo một số doanh nghiệp, con số thị phần được mở rộng trong năm nay dù rất nhỏ nhưng nó cho thấy một tính hiệu rõ ràng và tích cực với ngành gỗ Việt Nam. Đó là khả năng mở rộng thị phần của gỗ Việt Nam tại thị trường quan trọng này. Tại thị trường Mỹ, Trung Quốc - nhà xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới đang gặp khó (hiện chịu thuế 10%, con số này có thể tăng lên 25% trong thời gian tới nếu căng thẳng thương mại vẫn tiếp tục); trong khi đó, Việt Nam là nguồn cung cấp lớn thứ hai lại đang được hưởng thuế suất ưu đãi từ 0 - 4% tùy mặt hàng. Chính những tác động bước đầu của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã giúp thị phần sản phẩm gỗ Việt Nam nhích lên, do các nhà nhập khẩu của Mỹ dịch chuyển đơn hàng.
Cảnh giác tình trạng "rửa" xuất xứ
Tại một hội thảo của ngành gỗ tổ chức gần đây, ông Tim Liston, Phó tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam nhận định : Với tình hình leo thang căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, cơ hội cho hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ cũng như chiều giao thương ngược lại đều rất tốt. Chỉ cần nắm được các nguyên tắc khi làm ăn tại thị trường Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và chế biến gỗ nói riêng chắn chắn sẽ có nhiều lợi thế. Bởi ngoài vị trí địa lý tương đồng, Việt Nam còn có thế mạnh đến từ các hiệp định thương mại của khu vực. Tuy nhiên, Việt Nam cần quan tâm hơn đến vấn đề “rửa” xuất xứ hàng hóa của các doanh nghiệp nước ngoài sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho hình ảnh của Việt Nam.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Phú Ngọc Trai, nếu như tổng giá trị trong chuỗi sản xuất đồ gỗ trên thế giới là khoảng 140 tỉ USD thì giá trị hàng hóa tiêu dùng của người sử dụng hơn 450 tỉ USD, bao gồm giá trị của thương mại, thiết kế, phân phối, thương hiệu. Việt Nam nên định hướng lại câu chuyện của ngành chế biến gỗ theo con số 450 tỉ USD bằng cách tham gia cả khâu thiết kế, thương hiệu, thương mại, phân phối... thì giá trị mà Việt Nam nhận được cao nhiều so với hiện tại.
Để làm được điều đó, Việt Nam nên tận dụng các lợi thế hội tụ hiện nay để sớm hình thành một Trung tâm đồ nội thất thế giới tại đây. Việc xác định mục tiêu chung như vậy sẽ giúp khai thác và gắn kết các nguồn lực của nền kinh tế và xã hội, một cách tốt hơn. Trong đó, vai trò quan trọng của Nhà nước cần đảm bảo: tuân thủ gỗ hợp pháp, đào tạo nhân lực, xây dựng Viện thiết kế nội thất như là một đơn vị kinh tế độc lập, trung tâm triển lãm nội thất quốc tế, xây dựng thương hiệu Quốc gia và thương hiệu doanh nghiệp, xây dựng các kênh phân phối thương mại, hay chính xác hơn là chợ đầu mối nguyên liệu và đồ nội thất, phát triển công nghệ, cơ khí và công nghiệp phụ trợ cho ngành gỗ.
Theo Thanh niên
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo
Xuất khẩu gỗ Việt Nam đang hướng tới mục tiêu 10 tỉ USD trong năm 2019. Ảnh Chí Nhân.