Thị trường

Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đột phá nhờ thương mại điện tử

DNVN - Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, năm 2023 nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đột phá nhờ ứng dụng thương mại điện tử. Doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới tăng cao, trong đó có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Xoài tượng da xanh An Giang lần đầu “xuất ngoại” sang Úc và Hoa Kỳ / Hà Nội: Đảm bảo rau xanh phục vụ Tết Nguyên đán

Bảo đảm đạt mục tiêu tăng trưởng

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, trong những năm gần đây, nhận thức về thị trường trong nước của các doanh nghiệp và các nhà quản lý đã thay đổi cơ bản.

Theo đó, thị trường nội địa không còn chỉ như một giải pháp thay thế khi xuất khẩu gặp khó khăn. Trái lại, thương mại trong nước đã góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ và gắn liền với phát triển thương hiệu hàng Việt Nam.

Đồng thời, cùng với xuất khẩu và công nghiệp chế biến, chế tạo, thương mại nội địa đã tạo thành "chân kiềng" có tính bổ trợ vững chắc, bảo đảm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của ngành Công Thương cũng như của cả nền kinh tế đất nước.

Dẫn chứng cho nhận định này, người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết, tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 9,6% so với năm 2022, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8-9%). Kết quả này không chỉ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng vĩ mô mà còn minh chứng cho những giải pháp về phát triển thị trường trong nước của ngành Công Thương đã đúng và trúng.

Cùng với việc triển khai sâu rộng Cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam", nhiều giải pháp đã được ngành Công Thương triển khai để thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Trên các kệ hàng siêu thị, cửa hàng tiện lợi, ở thành thị, nông thôn, vùng xa.., hàng Việt luôn chiếm tỷ trọng 85-90%.

Thương mại điện tử lên ngôi

Nhấn mạnh vai trò của thương mại điện tử (TMĐT), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong thành công của thương mại nội địa trong năm 2023 có sự “lên ngôi” của TMĐT.


Năm 2023, nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đột phá nhờ ứng dụng TMĐT.

Hoạt động TMĐT tiếp tục phát triển trở thành kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông trong và ngoài nước. Hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả lượng lớn nông sản, thực phẩm cho người nông dân và doanh nghiệp, đặc biệt khi vào vụ thu hoạch.

Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đột phá nhờ ứng dụng TMĐT. Doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới tăng cao, trong đó có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nhờ các giải pháp đồng bộ của Chính phủ và các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, năm 2023 đã chứng kiến sự đột phá vượt bậc trong lĩnh vực TMĐT. Quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam ước đạt 20,5 tỷ USD, chiếm 8% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước, đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 25%/năm.

Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Giới chuyên gia dự báo, năm 2024, lĩnh vực TMĐT sẽ có những thay đổi thú vị.Từ sự trỗi dậy của thương mại xã hội và trải nghiệm mua sắm thực tế tăng cường cho đến tầm quan trọng ngày càng tăng của tính bền vững trong lựa chọn của người tiêu dùng, năm 2024 hứa hẹn sẽ là một năm đổi mới và cũng là cơ hội cho cả doanh nghiệp và người mua sắm. Việc dự báo và nắm bắt được những xu hướng mới trở thành chìa khóa quan trọng để doanh nghiệp thành công.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm