Thị trường

Nhiều tập đoàn lớn nước ngoài muốn mở rộng đầu tư vào Việt Nam

DNVN - Nhiều tập đoàn kinh tế nước ngoài nhìn nhận Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại toàn cầu, nhiều nhà đầu tư lớn cam kết mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.

Tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam có xu hướng giảm dần / Cho vay tiêu dùng gặp khó vì “bùng nợ”

Nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao triển vọng tăng trưởng

Thông tin được Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh tại hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (ĐTNN) do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì sáng 16/10 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trong 9 tháng năm 2023, vốn ĐTNN đăng ký đạt 20,2 tỷ USD, tăng 7,7%, trong đó số dự án mới tăng 66,3%, dự án tăng vốn tăng 21,5%.

Tính lũy kế đến tháng 9/2023 đã có 144 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 38,3 nghìn dự án, tổng vốn đầu tư hơn 455 tỷ USD.

Hiện nay, Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN với quy mô GDP trên 400 tỷ USD. Đồng thời, Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thành công trong thu hút FDI. Nhiều tổ chức uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả, triển vọng phát triển kinh tế và nâng hạng tín nhiệm.

“Tất cả các yếu tố trên cho thấy rằng cộng đồng DN đánh giá cao triển vọng tăng trưởng, môi trường đầu tư và vị thế của Việt Nam; niềm tin của các nhà ĐTNN vào chính sách điều hành của Chính phủ, Thủ tướng.

Nhiều tập đoàn kinh tế nước ngoài nhìn nhận Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại toàn cầu, nhiều nhà đầu tư lớn cam kết mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc. (Ảnh: VGP)

Việt Nam đã nhận diện các thách thức, khó khăn nội tại. Tuy vậy, khó khăn, thách thức cũng đồng thời tạo áp lực thúc đẩy đổi mới tư duy, sáng tạo, kiến tạo tầm nhìn mới. Từ đó, mở ra những cơ hội mới và động lực mới trong hợp tác phát triển.

“Cơ hội của Việt Nam cũng là cơ hội phát triển của DN, trong đó có DN, nhà ĐTNN. Điều này đòi hỏi phải có sự chia sẻ, đồng hành của khu vực FDI với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong nước. Chỉ có sự phối hợp mới đem lại thành thành công. Và thành công này sẽ chia sẻ cho cả DN và Việt Nam”, bà Ngọc nhấn mạnh.

Chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư

Trên tinh thần đó, Bộ KH&ĐT kiến nghị các bộ, ngành, địa phương phát huy tinh thần đồng hành cùng DN ngay từ quá trình nghiên cứu, xây dựng và triển khai dự án. Chủ động tiếp cận, nắm bắt để tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của DN.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho DN, nhà đầu tư để tiết giảm thời gian, chi phí, nhanh chóng đưa các dự án đi vào triển khai, tạo các động lực tăng trưởng mới.

Cùng với đó, chủ động chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết thu hút đầu tư.

Với cộng đồng DN và nhà ĐTNN, Thứ trưởng khuyến nghị, cần tiếp tục là cầu nối giữa Chính phủ và DN để kịp thời phản ánh các vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh. Tham vấn, kiến nghị bổ sung, sửa đổi các chính sách, pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao.

Do đó, DN cần cân nhắc các dự án đầu tư phù hợp với định hướng của Việt Nam và xu thế phát triển xanh, bền vững hiện nay để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững, hướng đến sự thịnh vượng chung cho hai bên.

Thúc đẩy kết nối giữa DN nhỏ và vừa với DN lớn, giữa DN trong nước với DN có vốn ĐTNN, DN ngoài nước, tạo cơ hội để cùng nhau tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng thời, tăng cường liên kết, hợp tác giữa doanh nhân, DN với đội ngũ trí thức, nhất là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, các trung tâm, viện nghiên cứu, các trường đại học… thúc đẩy DN tiếp cận khoa học - công nghệ thông qua đội ngũ trí thức. Gắn nghiên cứu với thử nghiệm, tạo đột phá trong sản xuất, kinh doanh, cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động để DN phát triển nhanh và bền vững.

“Bộ KH&ĐT cam kết sẽ tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham mưu, giúp Chính phủ kiến tạo những bước đột phá trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới phương thức hỗ trợ DN. Đồng thời, sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành và địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư kinh doanh của cộng đồng DN nói chung và ĐTNN nói riêng tại Việt Nam có hiệu quả và thành công”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm