Những yếu tố không thể bỏ qua để duy trì đà xuất siêu trong năm 2021
DNVN - Việt Nam đã ghi nhận thành tích xuất siêu ấn tượng trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 dù phải đối mặt với những tác động không nhỏ của đại dịch Covid-19. Bộ Công Thương đã tính toán đến nhiều yếu tố trong và ngoài nước, qua đó đặt mục tiêu tổng kim ngạch XK năm 2021 tăng khoảng 4-5%, trong đó cán cân thương mại duy trì đà xuất siêu.
Bộ Công Thương đề nghị Bộ Y tế cần thống nhất việc lưu thông, hạn chế ách tắc hàng hóa từ vùng dịch / Tháng 1/2021: Xuất khẩu sang Úc tăng hơn 62%, nhiều mặt hàng tăng đột biến
Xuất siêu ấn tượng trong cả năm 2020 và đầu năm 2021
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2020 - trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) với tổng kim ngạch XNK năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD. Cụ thể, năm 2020, con số này là 543,9 tỷ USD và xuất siêu ghi nhận mức kỷ lục gần 19,1 tỷ USD.
Với mức thặng dư năm 2020 cao hơn mức thặng dư năm 2019 (10,87 tỷ USD), cao hơn mức thặng dư năm 2018 (6,83 tỷ USD), gấp hơn 9 lần so với mức thặng dư năm 2017 (2,11 tỷ USD) và gấp gần 11 lần so với mức thặng dư năm 2016 (1,78 tỷ USD), giới chuyên gia cho rằng, con số xuất siêu ghi nhận trong năm 2020 thực sự rất ấn tượng, cho thấy sự thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp (DN).
Thành tích xuất siêu tiếp tục được ghi nhận ngay từ đầu năm 2021 khi cán cân thương mại thặng dư tháng 1/2021 của Việt Nam đạt 1,3 tỉ USD trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp, khó lường.
Trong khi đó, số liệu vừa được Tổng cục Hải quan cập nhật, trong nửa đầu tháng 2/2021, cán cân thương mại ghi nhận giá trị xuất siêu đạt 700 triệu USD. Cụ thể, trong nửa đầu tháng 2/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt 9,94 tỷ USD, giảm 36,1% so với cùng kỳ tháng trước, tuy nhiên tăng nhẹ gần 2,5% so với cùng kỳ 2020. Lũy kế từ đầu năm đến 15/2, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 38,46 tỷ USD, tăng gần 36,9% so với cùng kỳ 2020, tương đương con số tăng thêm hơn 10 tỷ USD. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong kỳ đạt trên 9,24 tỷ USD, giảm 30% so với cùng kỳ tháng trước. Tính từ đầu năm đến 15/2, tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước vẫn tăng mạnh khi đạt 35,7 tỷ USD, tăng hơn 7 tỷ USD so với cùng kỳ 2020, tương đương gần 25,3%. Tính chung từ đầu năm đến 15/2, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 74 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu 2,76 tỷ USD.
Tương quan xuất nhập khẩu từ đầu năm đến 15/2 năm 2020 và 2021. (Biểu đồ: Báo Hải quan)
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương), đây là kết quả tích cực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay vẫn chưa thuyên giảm và gây tác động lâu dài đối với kinh tế thế giới cũng như Việt Nam. Trong kết quả này có sự đóng góp của rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau.
"Nhìn lại 1 năm chúng ta vừa thực hiện mục tiêu chống dịch vừa phát triển kinh tế, cho đến nay điểm đáng mừng nhất được ghi nhận là sự thích ứng của các DN trong bối cảnh dịch bệnh. Năm 2020, Việt Nam cũng như thế giới chưa kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 nhưng các DN Việt Nam đã nhanh chóng chuyển đổi từ việc tìm nguồn cung nguyên liệu mới cho đến các thị trường và khắc phục khó khăn đứt gãy chuỗi cung ứng, qua đó đẩy mạnh xuất khẩu và đạt được thành tích xuất siêu hơn 19 tỷ USD trong năm 2020. Đây là điểm sáng, là sự ghi nhận về sự thích ứng của các DN", ông Trần Thanh Hải nhìn nhận.
Mục tiêu duy trì đà xuất siêu trong năm 2021
Bối cảnh thế giới đang có những chuyển biến lớn và khó lường, môi trường kinh doanh quốc tế có nhiều yếu tố bất ổn và xuất hiện nhanh, trong khi đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc. Những tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới có khả năng kéo dài sang các năm tiếp theo, nhất là đối với tăng trưởng kinh tế, đầu tư, thương mại toàn cầu. Cùng với đó là việc Việt Nam có độ mở rất lớn trong vấn đề hội nhập quốc tế nên kinh tế Việt Nam cũng có sự phụ thuộc lớn hơn vào thị trường thế giới. Khi cân nhắc các yếu tố như vậy, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4-5% so với năm 2020, trong đó cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu.
Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Thanh Hải cho biết, trước các yếu tố dịch bệnh và địa chính trị, các vấn đề về tác động chung của kinh tế vĩ mô thế giới và Việt Nam, Bộ Công Thương đều đã tính toán và đưa vào các kịch bản phát triển cũng như kịch bản chính sách trong thời gian sắp tới.
Ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)
Đối với lĩnh vực XNK, hiện nay Bộ Công Thương cũng đang xem xét để trình Chính phủ ban hành Chiến lược mới về hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới, vừa là thay thế Chiến lược 10 năm qua, đồng thời cũng là xác định hướng đi mới trong bối cảnh thế giới có rất nhiều thay đổi như môi trường kinh doanh, địa lý, tự nhiên, sản xuất, tác động của khoa học công nghệ. Đây là sự hỗ trợ lớn nhất, cơ bản nhất của Bộ Công Thương trong dài hạn.
Bên cạnh đó, Bộ cũng tiếp tục đàm phán và hoàn thiện thể chế, các FTA, trong đó có vấn đề quy tắc xuất xứ để giúp các DN tận dụng được ưu đãi từ các hiệp định tốt hơn. Các hoạt động như xúc tiến thương mại cũng như đẩy mạnh xuất khẩu trên môi trường trực tuyến cũng đã được các cơ quan của Bộ đẩy mạnh và tìm ra các hình thức phù hợp hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp.
Để duy trì đà xuất siêu nối dài trong những tháng còn lại của năm 2021, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, Việt Nam cần cố gắng đẩy mạnh giá trị gia tăng trong kim ngạch xuất khẩu. Theo đó, chúng ta phải phát triển mạnh mẽ tư nhân; kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu của nước ngoài và tham gia chuỗi giá trị của họ. Ngoài ra, cần phải nỗ lực thực sự, phải chuyển sang kinh tế số hóa để có thị trường vững chắc.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, để năm 2021 duy trì và thậm chí có kết quả cao hơn năm 2020, cần phải tiếp tục nắm giữ được bạn hàng ở thị trường truyền thống, để có hàng hóa giao thương đều đặn; cần phải tiếp tục mở rộng, tìm kiếm thị trường mới; phải đề cao vai trò các Hiệp hội, ngành hàng cũng như của các cơ quan đại diện đại sứ quán ở các quốc gia. Ngoài ra, một yếu tố rất quan trọng với nhập khẩu hàng hóa, để có được thặng dư thương mại thì điều quan trọng phải nhập khẩu.
Cần sự thích ứng nhanh nhậy của doanh nghiệp
Đưa ra khuyến nghị cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Trần Thanh Hải cho biết, nhìn vào năm 2021, yếu tố dịch bệnh kể cả trong thời gian tới có thể thuyên giảm thì tác động của dịch bệnh vẫn còn lâu dài ít nhất trong một vài năm nữa, do đó yếu tố thị trường có thể chưa khôi phục hoàn toàn. Theo đó, các doanh nghiệp cần phải đặc biệt chú ý đến yếu tố này để không thể chủ quan, phải tiếp tục sử dụng các công cụ mà chúng ta đã phát huy tốt trong năm 2020. Ví dụ sử dụng các kênh tiếp thị trong môi trường số - điều mà các doanh nghiệp đã phát huy tốt và cần tiếp tục phát huy điều này.
"Chúng ta đã có trong tay các FTA với hầu hết các thị trường cơ bản, các thị trường lớn trên thế giới. Vấn đề là các doanh nghiệp phải sắp xếp, tổ chức lại hoạt động của mình, phải tìm hiểu cho kỹ và tận dụng tốt hơn những lợi thế từ các hiệp định đó. Các vấn đề về quản trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như cải cách hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp là những yếu tố về lâu dài cần tiếp tục thực hiện. Sự thích ứng nhanh nhậy là điều cần thiết đối với mỗi doanh nghiệp", Phó cục trưởng Cục XNK chia sẻ.
Việt Nam đặt mục tiêu duy trì đà xuất siêu trong năm 2021.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) lưu ý các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần quan tâm hơn nữa đến loại hình xuất khẩu trực tuyến. Theo ông Vũ Bá Phú, doanh nghiệp muốn XK trực tuyến hiệu quả, cần cân nhắc một số điều kiện cần và đủ để phát triển xuất khẩu trực tuyến. Đó là: ngoại ngữ; nhận thức rõ về hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; chiến lược phát triển của DN; nâng cao kỹ năng tìm kiếm thông tin, phân tích thông tin và nghiên cứu thị trường trên môi trường mạng...
Dù cho rằng xuất khẩu trực tuyến đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho DN nhưng theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại đây không phải là “một phép màu' duy nhất. Do vậy, ngoài việc làm chủ các kỹ năng kinh doanh trực tuyến, DN cũng cần linh hoạt vận dụng và phối kết hợp các hình thức trực tiếp và trực tuyến để luôn có được góc nhìn đa chiều về khách hàng, thị trường và tăng năng lực chủ động ứng phó với các tình huống trong kinh doanh, qua đó góp phần đạt được mục tiêu duy trì đà xuất siêu trong năm 2021.
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo