Tăng thuế với thuốc lá - Bài cuối: Hướng tới giảm số người hút
Báo động tình trạng thiếu nhân lực tại doanh nghiệp cảng biển / Sản lượng công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng vượt trội
Thuế và giá là giải pháp có chi phí thấp nhưng hiệu quả cao trong giảm tiêu dùng thuốc lá so với các giải pháp phòng, chống tác hại thuốc lá khác và là giải pháp dự phòng hữu hiệu đã được Tổ chức Y tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới khuyến cáo các nước áp dụng.
Tác động của tăng thuế thuốc lá
Theo đại diện Bộ Y tế, giá thuốc lá ở Việt Nam dao động từ 7.000 đồng đến dưới 20.000 đồng, khiến chúng ta thuộc nhóm 15 nước có giá thuốc lá rẻ nhất thế giới. Nguyên nhân chính là do thuế thuốc lá tại nước ta còn khá thấp, chỉ chiếm dưới 39% giá bán lẻ, thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực ASEAN.
Nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN đã áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao đối với thuốc lá, không chỉ giúp tăng thu ngân sách mà còn góp phần giảm tiêu thụ thuốc lá, chi phí y tế, và tỷ lệ tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Tại Thái Lan, từ năm 1993 đến 2016, nước này đã áp dụng hệ thống thuế thuốc lá dựa trên phần trăm giá bán buôn, với 11 lần tăng thuế từ 55% lên 90%, tương đương mức tăng từ 120% lên hơn 700% theo cách tính thuế của Việt Nam. Năm 2017, Thái Lan chuyển sang áp dụng hệ thống thuế hỗn hợp, với mức thuế 20% và 40% trên giá bán lẻ thuốc lá từ 60 baht trở lên, cùng với thuế 1,2 baht cho mỗi điếu.
Ở Lào, từ năm 2008, nước này đã ban hành nhiều luật và văn bản quy phạm pháp luật nhằm kiểm soát thuốc lá. Đến tháng 10/2023, Lào đã tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá từ 50% lên 72% và với các sản phẩm thuốc lá khác từ 35% lên 47%. Theo Bộ Y tế Lào, mỗi năm có khoảng 6.700 người tử vong do thuốc lá, chi phí điều trị bệnh liên quan đến thuốc lá chiếm khoảng 2,3% GDP của quốc gia.
Tại Philippines, nhằm giảm gánh nặng sức khỏe và kinh tế - xã hội do thuốc lá gây ra, nước này đã thông qua Luật Cải cách thuế vào năm 2012. Luật này đã điều chỉnh cấu trúc thuế và liên tục tăng thuế suất từ năm 2013 đến 2017, để đến năm 2017 đạt mức thuế chung là 30 Peso (khoảng 0,5 USD) cho mỗi bao thuốc. Từ năm 2018 đến 2023, thuế suất thuốc lá tiếp tục tăng đều đặn, đạt 60 Peso (hơn 1 USD) mỗi bao vào năm 2023, và sẽ tiếp tục tăng 5% mỗi năm sau đó.
Việc tăng giá thuốc lá đã giúp giảm đáng kể lượng tiêu thụ thuốc lá và số người hút thuốc tại các quốc gia kể trên, đồng thời tăng thu ngân sách. Những quốc gia này cũng yêu cầu các sản phẩm thuốc lá phải có cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, cấm quảng cáo thuốc lá, cấm hút thuốc tại nơi làm việc và nơi công cộng, và đẩy mạnh giáo dục về tác hại của thuốc lá cũng như khói thuốc.
Theo kinh nghiệm của các nước phát triển, tăng thuế thuốc lá là một trong những biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu tình trạng hút thuốc. Khi giá thuốc lá tăng, mọi người sẽ chi tiêu cho các sản phẩm khác. Thêm vào đó, Chính phủ có thêm doanh thu để đầu tư trở lại vào nền kinh tế - vào các lĩnh vực như sức khỏe và giáo dục. Và không giống như thuốc lá, các lĩnh vực này sẽ làm tăng năng suất và tăng trưởng của đất nước.
Từ năm 2008 đến 2019, Việt Nam đã thực hiện ba lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Tuy nhiên, mỗi lần tăng chỉ ở mức 5%, và thời gian giữa các lần tăng thuế kéo dài, mức tăng này chưa đáp ứng được yêu cầu kiểm soát thuốc lá hiệu quả.
Thêm vào đó, do mức gia tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm cao hơn mức tăng giá thuốc lá đã làm cho sức mua thuốc lá ngày càng tăng. Theo phân tích của WHO dựa trên số liệucủa Tổng cục Thống kê, từ năm 2010 đến nay thu nhập đầu người tăng trên 200% trong khi giá thuốc lá (nhãn hiệu phổ biến nhất Vinataba) chỉ tăng 56% (từ14.000 đồng lên 21.900 đồng/bao).
Bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế nêu ý kiến: "Các lần tăng thuế còn rất ít và giữ nguyên từ đó cho đến nay. Trong khi lạm phát có khoảng 4%/năm, thu nhập đầu người tăng khoảng 5%/năm trong khi người dân của chúng ta ngày càng thu nhập cao. Như vậy cũng không cân xứng".
Giảm số người hút thuốc
Theo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi 2014 số 70/2014/QH13, hiện nay Việt Nam đang áp dụng tính thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ là 75% giá xuất xưởng. Tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ (bao gồm thuế tiêu thụ đặcbiệt và thuế giá trị gia tăng) chỉ chiếm 38,8%, thấp hơn so với mức trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình (59%), chỉ bằng 1/2 của hầu hết các nước ASEAN (Thái Lan 78.6%, Singapore 67,1%, Indonesia 62.3% ). Đáng chú ý, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giớivà Ngân hàng Thế giới tỷ trọng thuế thuốc lá trên giá bán lẻ phải đạt từ 75% trở lên mới thực sựcó tác động làm giảm tiêu dùng.
Để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo cần thay đổichính sách thuế thuốc lá theo hướng: Bổ sung thuế tuyệt đối (để chuyển sang hệ thống thuế hỗnhợp) với mức đủ lớn và tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 75% giá bán lẻ để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷlệ sử dụng thuốc lá.
Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 nêu rõ yêu cầu “Xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá đảm bảo đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới; quy định mức giá bán tối thiểu các sản phẩm thuốc lá, nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của phương án tính thuế các sản phẩm thuốc lá trên giá bán lẻ để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá”. Mục tiêu đề ra là giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36%, và giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1% vào năm 2030.
Đứng trước những tác hại về sức khỏe, tổn thất về kinh tế mà việc hút thuốc lá gây ra với đối với cá nhân, gia đình, xã hội, môi trường, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã có các Nghị quyết về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội có ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ hợp thứ 9 (tháng 5/2025).
Vừa qua, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến đóng góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Hai phương án được đề xuất theo hướng giữ nguyên mức thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng từng năm trong giai đoạn 2026 - 2030.
Phương án 1 sẽ tăng 2.000 đồng/bao ở năm đầu tiên, đạt mức tăng 10.000 đồng/bao vào năm 2030. Phương án 2 tăng 5.000 đồng/bao từ năm 2026, tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong 5 năm kế tiếp, đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030.
Để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ thuốc lá và tỷ trọng thuế theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới như đã đặt ra trong Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến 2030, mức thuế tuyệt đối phải đạt 15.000 đồng/1 bao (20 điếu/1 bao) vào năm 2030 bên cạnh thuế tỷ lệ 75%. Phương án này sẽ giúp đạt tỷ trọng thuế 65% giá bán lẻ, gần đạt được mức khuyến cáo của WHO (70-75% giá bán lẻ), và giúp giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống 36% vào năm 2030.
Bà Angela Pratt – Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhận định: "Dự thảo Luật được đề xuất là một bước đi đúng hướng. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, năm 2030, việc áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đạt 15.000 đồng/1 bao vào năm 2030 bên cạnh thuế tỷ lệ 75% là phù hợp với mục tiêu quốc gia. Quan trọng hơn, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm tăng đáng kể doanh thu thuế hàng năm, mang lại thêm 29.3 nghìn tỷ đồng vào năm 2030 so với năm 2020.
Nhiều ý kiến lo ngại, việctăng thuế thuốc lásẽ làm gia tăng tình trạng buôn lậu, gây thất thoát cho Nhà nước. Song nhiều chuyên gia khẳng định, không có mối liên quan giữa thuế thuốc lá cao và buôn lậu thuốc lá. Báo cáo của WHO qua phân tích số liệu từ 94 quốc gia cho thấy không có mối liên quan rõ ràng giữa tình trạng buôn lậu thuốc lá và giá thuốc lá. Tại các quốc gia có mức giá thuốc lá thấp, tình trạng buôn lậu thậm chí lại xảy ra nhiều hơn so với những quốc gia có mức giá và thuế thuốc lá cao và ngược lại. Theo các chuyên gia, thuốc lá ngoại được buôn lậu vào Việt Nam để tránh thuế nhập khẩu.
Việt Nam đang duy trì thuế nhập khẩu cao vì thuốc lá là sản phẩm độc hại đối với sức khỏe, nhằm giảm bớt việc nhập khẩu và tiêu thụ thuốc lá ngoại. Mức thuế nhập khẩu hiện đang duy trì ở mức 135% giá nhập khẩu (giá CIF). Sau đó thuế tiêu thụ đặc biệt được áp lên giá đã có thuế nhập khẩu. Theo tính toán, nếumột bao thuốc có giá nhập khẩu ban đầu là 10.000 đồng thì sau khi áp các loại thuế, giá bán ra sẽphải ở mức trên 50.000 đồng một bao. Vì vậy dù cho thuế tiêu thu đặc biệt có tăng hay giảm thì buôn lậuvẫn cứ xảy ra, nhằm trốn thuế nhập khẩu.
Tăng thuế là biện pháp hiệu quả nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá, giúp tăngnguồn thu cho ngân sách nhà nước và thúc đẩy tiến trình đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Bởi, khi giá thuốc lá đắt lên, nhiều người sẽ phải cân nhắc khi bỏ tiền để mua hoặc sẽ tính đến việc bỏ thuốc. Cần hành động mạnh mẽ hơn để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam và bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của người dân.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc tăng thuế đối với thuốc lá có thể làm giảm số lượngngười nghèo ở Việt Nam, góp phần ngăn ngừa tử vong sớm do hút thuốc và giảm tình trạng bần cùng hóa do chi phí y tế liên quan đến thuốc lá. Người dân Việt Nam sẽ được hưởng lợi thêm từ việc giảm hút thuốc lá thụ động, tăng năng suất của người lao động, cải thiện chất lượng cuộc sống của người hút thuốc và gia đình họ đồng thời có thêm nguồn thu thuế để đầu tư vào các chương trình xã hội và y tế cùng nhiều tác động tích cực khác của việc tăng thuế đối với thuốc lá.
End of content
Không có tin nào tiếp theo