Thị trường

Tăng tốc trên 'xa lộ' hội nhập

DNVN - Với việc chuẩn bị tâm thế, nguồn lực để tăng tốc trên "xa lộ" hội nhập, đồng thời tỉnh táo để ứng phó kịp thời trước những "ổ gà" bảo hộ, năm 2023, hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã có nhiều dấu ấn.

Kinh tế Việt Nam 2024: Niềm tin và lợi thế cho đà tăng trưởng / Thấy gì từ con số xuất siêu kỷ lục 28 tỷ USD trong năm 2023?

Mở rộng thị trường xuất khẩu

Năm 2023 đánh dấu 10 năm ngành công thương thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị khóa XI về hội nhập quốc tế chủ động, toàn diện, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, trong năm 2023, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai các hoạt động mở rộng thị trường và tăng cường quan hệ thương mại quốc tế, khẳng định sự đóng góp của ngành đối với hội nhập kinh tế và sự phát triển toàn diện của đất nước.

Cụ thể, Bộ đã chủ trì kết thúc đàm phán với Israel và ký biên bản kết thúc đàm phán có điều kiện với Các Tiểu vương quốc Ả Rập (UAE). Qua đó, mở cánh cửa vào thị trường Trung Đông với quy mô GDP khoảng 2.000 tỷ USD.

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký kết thành công 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 60 đối tác, trong đó hầu hết là những nền kinh tế lớn, phủ rộng khắp các châu lục, chiếm gần 90% GDP toàn cầu.

Theo đó, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế, tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại.


Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Việc triển khai có hiệu quả các FTA đã ký kết cũng giúp mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Đơn cử như với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tỷ lệ sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ CPTPP của hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực và tăng đáng kể so với các năm trước.

Trong đó, gạo tăng 2503%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 3649%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng hơn 134%; hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng xấp xỉ 67%…

“Các con số trên là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực thi các FTA mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời cũng cho thấy doanh nghiệp Việt Nam bước đầu đã tận dụng tốt những lợi ích mà các FTA mang lại, vượt qua những khó khăn về chuỗi cung ứng và thách thức từ tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu trong thời gian qua.

Thông qua cánh cửa hội nhập, doanh nghiệp không chỉ nhận được vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý, mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới, đồng thời góp phần vào sự ổn định an sinh xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá.

Chủ động phòng vệ thương mại

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, trước biến động nhanh chóng của kinh tế thế giới, ngành công thương đã chủ động đề xuất và thực thi những phương hướng, nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh hiện tại.

Một điểm quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế là phải chủ động trong nhận diện và triển khai hiệu quả công tác phòng vệ thương mại.

Năm 2023, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 12 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.

“Nói một cách hình ảnh, chúng ta chuẩn bị tâm thế, nguồn lực để tăng tốc trên "xa lộ" hội nhập nhưng cũng phải tỉnh táo để không bị động, ứng phó kịp thời trước những "ổ gà" trên xa lộ đó”, người đứng đầu Bộ Công Thương chia sẻ.

Trên thực tế, công tác chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ trong năm 2023 đã được ngành công thương triển khai tích cực, hiệu quả.

Hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 12 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại. Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu xử lý có hiệu quả. Kết quả đã ghi nhận nhiều vụ việc Việt Nam thành công trong việc chứng minh doanh nghiệp không bán phá giá hay Chính phủ không trợ cấp.

Đồng thời, Bộ Công Thương đã cập nhật theo dõi trên 170 mặt hàng, đưa ra danh sách cảnh báo sớm đối với 18 mặt hàng có nguy cơ bị điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Từ đó giúp các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chủ động trong công tác ứng phó cũng như chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, xuất khẩu để giảm thiểu tác động tiêu cực do biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài gây ra.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm