Tháng 4/2019: Nhiều biến động đẩy CPI tăng
DNVN - Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2019 tăng 0,31% so với tháng trước, tăng 1,0% so với tháng 12/2018, tăng 2,93% so với cùng kỳ năm trước.
Yếu tố mấu chốt để Việt Nam tăng tốc trong cuộc cách mạng 4.0 / Thủ tướng: Cần tìm cách kích hoạt tốt hơn đối với khu vực kinh tế tư nhân
Theo Tổng cục Thống kê, bình quân bốn tháng đầu năm 2019, CPI tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2018 - mức tăng bình quân bốn tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây.
So với tháng trước CPI tháng 4 năm 2019 tăng 0,31%, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 9 nhóm hàng tăng giá: nhóm Giao thông có mức tăng cao nhất, tăng 4,29%; tiếp đến là Nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng tăng 0,6%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,15%... Có 2 nhóm hàng giảm giá: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,57%; Bưu chính viễn thông giảm 0,07%.
Tổng cục Thống kê nhận định rằng, CPI tháng 4/2019 tăng bắt nguồn từ việc tăng giá xăng, điện, gas, vật liệu xây dựng, và sách giáo khoa. Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, còn có một số nguyên nhân kiềm chế CPI tháng 4/2019 như sau: Giá thịt lợn giảm 3,07% do dịch tả lợn châu Phi; Giá đường giảm 0,67% do giá đường thế giới giảm và nhu cầu tiêu thụ chậm trong khi nguồn cung dồi dào; Giá rau tươi, quả tươi giảm do nguồn cung dồi dào.
Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 4 năm 2019 tăng 0,09% so với tháng trước, tăng 1,88% so với cùng kỳ; bốn tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ tăng 1,84%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê: Tháng 4 năm 2019, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do giá xăng dầu, điện tăng. Lạm phát cơ bản bốn tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ ở mức 1,84% phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định.
PV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo