Tháo gỡ các vướng mắc về chính sách trong đấu thầu
Nhìn lại năm 2023, dự báo năm 2024: Nhà ở xã hội chưa phải là đích ngắm / FED ngừng tăng lãi suất tác động thế nào đến Việt Nam?
Đặc biệt, trong hoạt động mua sắm công, yêu cầu đặt ra là phải làm sao cho thủ tục vừa thông thoáng, đơn giản để thực hiện thuận lợi, nhanh chóng, vừa quản lý hiệu quả việc sử dụng vốn nhà nước, phòng chống tiêu cực, tham nhũng. Chính vì vậy, Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 (gọi tắt là Luật Đấu thầu 2023) có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 được kỳ vọng sẽ là “cú hích” lớn, một bước tiến thực sự có ý nghĩa trong lựa chọn nhà thầu, góp phần bảo đảm tính minh bạch, công khai hoạt động đấu thầu.
Hạn chế tình trạng “cài cắm”
Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Trần Hào Hùng cho biết, Luật Đấu thầu 2023 có nhiều sửa đổi quan trọng, tháo gỡ điểm nghẽn về đấu thầu trong nhiều lĩnh vực; đặc biệt, Luật Đấu thầu 2023 sẽ giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm và thiết bị y tế.
Cụ thể, Luật Đấu thầu 2023 dành riêng một Chương quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế là một điểm nhấn, đảm bảo 3 vấn đề lớn tháo gỡ vướng mắc trong đấu thầu thuốc, thiết bị và vật tư y tế hiện nay.
Theo phân tích của Cục Quản lý đấu thầu, Luật Đấu thầu 2023 sẽ tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở y tế công lập trong việc quyết định mua sắm thuốc, thiết bị y tế; đồng thời, giao cho các cơ sở y tế công lập tự quyết định việc mua thuốc ngoài danh mục thuốc chi trả của bảo hiểm y tế, mua vaccine để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ.
Luật cho phép cơ sở y tế công lập được quyết định lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu mua sắm từ nguồn vốn vay, trừ vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, vốn vay lại từ ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
Cùng với đó, Luật Đầu thầu 2023 tạo thuận lợi cho hoạt động mua thuốc, thiết bị y tế có tính đặc thù, phù hợp với hoạt động chuyên môn của ngành y tế.
Cũng theo Cục trưởng Trần Hào Hùng, Luật Đấu thầu 2023 sẽ hạn chế tối đa tình trạng “cài cắm” tiêu chí đánh giá, bởi luật đã có các quy định nhằm nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc lựa chọn nhà thầu trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình đối với hoạt động mua sắm sử dụng nguồn vốn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, hoạt động lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí, hàng hóa phục vụ hoạt động dầu khí theo hợp đồng dầu khí và một số hoạt động mua sắm có tính đặc thù khác.
Cụ thể, Cục trưởng Trần Hào Hùng chỉ rõ, với hình thức lựa chọn nhà thầu, Luật Đấu thầu 2023 bổ sung một số trường hợp được áp dụng chỉ định thầu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án lớn, quan trọng, cấp bách và một số trường hợp mua sắm đặc thù khác.
Bên cạnh đó, Luật Đấu thầu 2023 đã quy định nhằm cải cách, đơn giản hóa quy trình thủ tục đấu thầu theo hướng, đẩy mạnh đấu thầu qua mạng, nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, ngăn chặn các hành vi thông đồng, gian lận trong đấu thầu; đồng thời, cắt bỏ một số thủ tục thẩm định, phê duyệt cấp trung gian, bổ sung quy định cho phép triển khai trước một số hoạt động đấu thầu.
Để khắc phục tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu, Luật Đấu thầu 2023 đã sửa đổi, bổ sung quy định về công khai thông tin, thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu theo hướng yêu cầu công khai tất cả các thông tin trong đấu thầu nhằm nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của các bên có liên quan, hạn chế tình trạng gian lận, làm cơ sở loại bỏ các nhà thầu không có uy tín, hàng hóa không bảo đảm chất lượng hoặc không đáp ứng được nhu cầu sử dụng thực tế.
Bên cạnh đó, Luật Đấu thầu 2023 bổ sung quy định về nội dung hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế tình trạng “cài cắm” tiêu chí đánh giá, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Sửa đổi, bổ sung quy định về cách xác định chi phí cho toàn bộ quá trình sử dụng của hàng hóa, công trình nhằm hạn chế tình trạng nhà thầu bỏ thầu giá rẻ để trúng thầu, dẫn đến việc thực hiện hợp đồng không bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Theo Cục trưởng Trần Hào Hùng, để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, góp phần đưa luật đi vào cuộc sống thì các cơ quan có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu và các cá nhân tham gia trực tiếp vào hoạt động đấu thầu cần nâng cao năng lực chuyên môn, công tâm khi thực hiện công việc. Cùng với đó, cần làm tốt công tác giám sát quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; giám sát, quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện hợp đồng.
Thể chế hóa dịch vụ thân thiện môi trường
Phó Trưởng ban Nghiên cứu xã hội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), TS. Hồ Công Hòa cho biết, một trong trong những điểm đáng chú ý tại Luật Đấu thầu 2023 là thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển xanh, phát triển bền vững. Luật đã bổ sung cơ chế ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với những hàng hóa, dịch vụ thân thiện môi trường.
Theo đó, đối với lựa chọn nhà đầu tư, tại Khoản 4 Điều 10 Luật Đấu thầu 2023 quy định: nhà đầu tư có giải pháp ứng dụng công nghệ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với dự án thuộc nhóm có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường... được hưởng cơ chế ưu đãi.
TS. Hồ Công Hòa nhìn nhận, cơ chế khuyến khích sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy đấu thầu bền vững, phát triển bền vững. Kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới khi nước ta tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA); trong đó, có những hiệp định đặt ra tiêu chuẩn rất cao về phát triển xanh, phát triển bền vững như: EVFTA, CPTPP...
Trong công tác đấu thầu, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp Việt cũng phải đáp ứng được các tiêu chuẩn cao trong “cuộc chơi” này. Thúc đẩy đấu thầu bền vững cũng là giải pháp để hàng hóa Việt Nam bước lên nấc thang giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Lê Mạnh Cường, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần dịch vụ Kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) nhìn nhận, người Việt hiện đã có ý thức về môi trường cao hơn rất nhiều so với trước đây. Chính sách ưu đãi “mua sắm xanh” rất có ý nghĩa, rất cần thiết cho tương lai, nhất là khi cả xã hội, cộng đồng đang hướng đến mục tiêu này.
Doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới
Để sớm đưa Luật Đấu thầu 2023 đi vào cuộc sống, mới đây, Cục Quản lý đấu thầu đã lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu là một nghị định rất quan trọng, có tác động rất lớn đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực từ xây dựng, thiết bị, dược, dịch vụ… đều quan tâm đến các nội dung mới, điều chỉnh mà Nghị định sắp ban hành.
“Luật Đấu thầu được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là rất tiến bộ, đặt doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới. Do đó, nghị định này là rường cột để làm cơ sở triển khai, thực thi. Nội dung của Nghị định được chúng tôi đánh giá là đồ sộ, dày dặn và cần lấy ý kiến của chính các doanh nghiệp để hoàn thiện những nội dung cần sửa đổi”, ông Tuấn cho biết.
Theo ông Hoàng Cương, đại diện Cục Quản lý đấu thầu: “Tinh thần lớn nhất của dự thảo Nghị định là cố gắng đơn giản hóa quy trình đấu thầu, tăng cường đấu thầu qua mạng, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp dự thầu. Đấu thầu một cửa với việc liên thông với hệ thống quản lý thuế, bảo hiểm xã hội, đăng ký doanh nghiệp, quản lý ngân sách và kho bạc, hệ thống ngân hàng sẽ giúp tối ưu hóa các giải pháp cho nhà thầu và chủ đầu tư trong toàn bộ các khâu từ dự thầu, đánh giá, ký kết cũng như thanh toán hợp đồng”.
Ban soạn thảo cho biết, dự thảo Nghị định sẽ có nội dung quy định về công khai thông tin việc thực hiện hợp đồng theo tiêu chí công khai, minh bạch tối đa. Đây là công cụ hữu ích để đánh giá uy tín của nhà thầu, giám sát quá trình thực hiện hợp đồng. Từ đó, giúp các chủ đầu tư có nhiều kênh tham khảo về năng lực, chất lượng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của các nhà thầu hiệu quả nhất.
“Luật Đấu thầu 2023 đưa ra các giải pháp căn cơ, đổi mới, vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thực tiễn, vừa bảo đảm tính công khai, minh bạch, sẽ thúc đẩy tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý hoạt động đấu thầu thời gian tới. Thông qua hoạt động đấu thầu, nguồn lực của Nhà nước được chi tiêu minh bạch và hiệu quả, là động lực quan trọng tạo nên tăng trưởng kinh tế, cũng như đạt các mục tiêu phát triển của đất nước”, các chuyên gia kinh tế kỳ vọng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 31/12/2024: Giảm trong ngày cuối cùng của năm
Vị thế trung tâm nuôi biển - Bài cuối: Quản lý tốt quy hoạch nuôi trồng
Chuyên gia chỉ ra 8 chủ đề đầu tư hấp dẫn năm 2025
Tỷ giá hôm nay 31/12: USD và NDT tiếp tục xu hướng tăng giá
Giá nông sản ngày 31/12/2024: Hồ tiêu biến động, cà phê giảm nhẹ
Giá heo hơi ngày 31/12/2024: Ổn định trên phạm vi cả nước