Thị trường

Thị trường bất động sản nguội lạnh, môi giới tay ngang ồ ạt tháo chạy

Số môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30-40%, cá biệt tại một số khu vực lên tới 80% so với giai đoạn đầu năm 2022.

Gia tăng lừa đảo thương mại quốc tế, doanh nghiệp phải làm gì để phòng ngừa rủi ro? / Tập đoàn Almaz Antey mong muốn hợp tác tại thị trường Việt Nam

Chấp nhận cắt lỗ

Báo cáo thị trường bất động sản quý I của Hội Môi giới Bất động sản (VARS) vừa công bố cho thấy, thị trường tiếp tục trạng thái trầm lắng, chưa có dấu hiệu phục hồi.

Nguồn cung bất động sản chưa có sự cải thiện. Hầu hết dự án vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện pháp lý, chưa được cấp giấy phép mở bán chính thức. Tại một số dự án hiếm hoi thì chủ đầu tư có hàng nhưng chưa sẵn sàng mở bán vì tâm lý e ngại thị trường chưa tốt sẽ ảnh hưởng tới kết quả bán hàng.

Về nguồn cung, quý I, tổng nguồn cung các phân khúc là khoảng hơn 25.000 sản phẩm. Hà Nội có 6 dự án, TP Hồ Chí Minh có 5 dự án được các sở xây dựng xác nhận đủ điều kiện được bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.

Cơ cấu nguồn cung nhà ở phần lớn vẫn là sản phẩm thấp tầng, đất nền. Số này chiếm 50% tổng lượng cung nhà ở cả nước. Thị trường thiếu vắng sản phẩm nhà ở phù hợp với túi tiền của số đông người dân.

Nhu cầu mua nhà giảm do thu nhập người dân bị ảnh hưởng. Trong khi đó, nguồn cung trên thị trường chủ yếu là sản phẩm cao cấp, giá quá cao so với khả năng tài chính của người dân.

Bên cạnh đó, giá bán trên thị trường nhà ở thứ cấp giảm mạnh, có dự án giảm đến 15-20%. Do hết thời gian ân hạn nợ gốc, nhiều khách hàng không còn đủ tài chính để giữ hàng đành phải chấp nhận cắt lỗ sâu.

Về giao dịch, dù quý I ghi nhận có thanh khoản nhưng chưa nhiều. Lý do là khả năng tài chính của phần lớn khách hàng gặp khó khăn. Phần lớn sản phẩm trên thị trường thuộc phân khúc cao cấp, không phù hợp với khả năng tài chính của đa số người dân. Nhiều khách hàng vẫn còn tâm lý "bắt đáy", chờ giá tiếp tục giảm.

Thị trường bất động sản nguội lạnh, môi giới tay ngang ồ ạt tháo chạy - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản quý I vẫn ghi nhận sự trầm lắng (Ảnh minh họa).

Tỷ lệ tiêu thụ chung toàn thị trường nhà ở trong quý I là hơn 2.700 giao dịch, bằng 50% cùng kỳ năm 2022. Trong đó, căn hộ chung cư để ở, có quy mô, tiện ích và chất lượng tốt ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vẫn thu hút sự quan tâm của người dân có nhu cầu ở thực, trong đó có cả nhu cầu sản phẩm cao cấp.

Dự báo, thời gian tới, động thái tích cực từ việc giảm lãi suất của các ngân hàng cùng với niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư dần được khôi phục. Giao dịch trong quý 2 sẽ có chuyển biến tích cực, dự kiến tỷ lệ hấp thụ riêng đối với phân khúc bất động sản nhà ở đạt khoảng 15-18%.

Trong đó, phân khúc chung cư giá căn hộ phân khúc bình dân, trung cấp ở các thành phố lớn sẽ không giảm, thậm chí tăng nếu nguồn cung không được cải thiện. Giá cho thuê ở phân khúc văn phòng, bán lẻ dự kiến sẽ không có nhiều thay đổi.

Môi giới tay ngang tháo chạy

Theo VARS, thị trường trầm lắng hiện nay đã ghi nhận sự gia tăng số lượng môi giới bất động sản nghỉ việc. Ước tính, số môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30-40% so với giai đoạn đầu năm 2022. Cá biệt, tại một số khu vực, số lượng môi giới bất động sản tiếp tục nghỉ việc lên tới 80%.

 

Phần lớn môi giới bất động sản nghỉ việc đều thuộc nhóm "lính mới" hoặc tay ngang, điển hình là nhóm bắt sóng các đợt sốt ảo, quá "phấn khích" và duy trì song song hai trạng thái tay ngang vừa là "nhà đầu tư" vừa là môi giới.

Để tồn tại qua thời gian này, một số môi giới bất động sản đã tìm hướng mới bằng cách chuyển sang mảng cho thuê. Nhóm môi giới bất động sản chuyên nghiệp tuy có khó khăn nhưng vẫn bám trụ được với thị trường.

Hầu hết sàn giao dịch mới thành lập trong vòng 2 năm trở lại đây đều đóng cửa. Theo thống kê từ các sàn là hội viên của VARS, trong quý I, 30-50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động. Đặc biệt, có khu vực con số này lên tới 80%.

Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS - thời gian tới, các sàn giao dịch cần bám sát tình hình thị trường để có những điều chỉnh kịp thời, tránh tình trạng cho nhân viên nghỉ nhiều đến khi thị trường ấm lên lại không đủ nguồn lực triển khai hoạt động kinh doanh.

"Các sàn cần có biện pháp động viên, trấn an, hỗ trợ đội ngũ nhân sự "cứng" để đảm bảo giữ được đội ngũ nòng cốt, chuẩn bị cho thời kỳ sắp tới", ông Đính nêu.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm