Thị trường thuỷ sản đón nhận nhiều tín hiệu tích cực
Xuất khẩu gạo cao kỷ lục nhưng hiệu quả kinh doanh hạn chế / Đà Nẵng: Tháng Tết, giá tiêu dùng tăng, kinh doanh hàng hoá giảm
Nhiều tín hiệu tích cực
Trong phiên giao dịch chiều ngày 26/2 vừa qua, hầu hết các mã giao dịch chứng khoán của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra đều tăng kịch trần dù cuối phiên điều chỉnh giảm nhẹ còn 6,9-6,95%. Hàng loạt cổ phiếu thuỷ sản bật tăng hết biên độ như VHC, ANV, ASM, nhiều cổ phiếu khác cũng tăng rất khá.
Theo bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tin vui này được coi là tín hiệu tích cực sau khi VASEP và các DN công bố những tình hình xuất khẩu tháng đầu năm có những kết quả tích cực.
Tháng 1/2024, xuất khẩu thủy sản tăng 64% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 750 triệu USD. Các mặt hàng chủ lực đều có bứt phá đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, dẫn đầu là cá tra với mức tăng 97%. Tôm, cá ngừ, mực BT lần lượt ghi nhận các mức tăng 71%, 57% và 45%.
Về thị trường, đột phá nhất là Trung Quốc và Hồng Kông tăng gấp hơn 3 lần, xuất khẩu sang Mỹ tăng 63%, sang Nhật Bản tăng 43%, sang EU tăng 34%...
Bà Hằng đánh giá, mặc dù nhiều DN cho biết thị trường chưa thực sự khởi sắc và còn nhiều khó khăn, nhưng những con số tăng trưởng cao của tháng đầu năm 2024 vẫn mang lại cảm xúc tin tưởng và hy vọng vào sự hồi phục mạnh mẽ hơn trong năm nay.
“Vẫn còn đó những vấn đề DN xuất khẩu thủy sản phải đối mặt như tình trạng dư cung, tồn kho nhiều, giá mua thấp, áp lực cạnh tranh lớn… Tuy vậy, chúng ta có thể hy vọng nửa cuối năm giá bán sẽ tốt hơn khi lượng tồn kho giảm, nhu cầu của các thị trường hồi phục”, bà Hằng nói.
Giám đốc Truyền thông của VASEP nhận định, những thách thức mới như căng thẳng Biển Đỏ làm cước vận tải tăng, thẻ vàng IUU và thuế chống trợ cấp sẽ làm khó cho DN.
Thích ứng của doanh nghiệp
VASEP cho rằng, COVID-19, lạm phát và những biến động địa chính trị như chiến tranh Nga – Ukraine, xung đột Biển Đỏ đã khiến cho cục diện thị trường thủy sản thay đổi.
Một số diễn biến như việc Mỹ và EU cấm thủy sản của Nga, khiến cho Trung Quốc trở thành thị trường mục tiêu của DN Nga, ít nhiều cũng làm giảm thị phần của các nước khác tại lục địa này.
Việc Trung Quốc cấm nhập khẩu thủy sản Nhật Bản hay Mỹ và EU cảnh báo vấn đề lao động cưỡng bức tại các nhà máy chế biến Trung Quốc là những tác nhân thúc đẩy các DN Nhật, Mỹ, châu Âu tìm kiếm đối tác ở Việt Nam.
“Những thay đổi này vừa là thách thức, vừa là cơ hội. Do vậy, DN cũng nên nhìn nhận lại chiến lược thị trường của mình. Trong đó, thị trường nội địa thực sự tiềm năng với dân số 100 triệu người và mức sống đang ngày càng tốt hơn. Sức mua không chỉ tiềm năng ở các kênh bán lẻ, kênh dịch vụ mà cả ở lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, du lịch, chợ truyền thống, khu dân cư…”, bà Hằng khuyến nghị.
Ngoài ra, thị trường xuất khẩu cũng nên được đánh giá lại theo cách nhìn mới, xu hướng mới, không quá lệ thuộc vào những thị trường truyền thống để phải chịu những áp lực cạnh tranh dữ dội và các quy định, rào cản khắt khe.
Ví dụ, Trung Quốc là một thị trường lớn, dân số đông, nhu cầu gia tăng vì tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều, vị trí địa lý thuận lợi…nhưng không ít DN nhìn nhận Trung Quốc là thị trường hay thay đổi, rủi ro trong thanh toán, chỉ thích mua hàng giá rẻ, khó cạnh tranh với các nước khác…
Thực tế, đất nước rộng lớn này có nhiều phân khúc thị trường khác nhau để DN có thể tiếp cận đa dạng sản phẩm với các chất lượng và mức giá phù hợp.
Ngoài ra, thuỷ sản Việt Nam còn có các cơ hội thị trường khác như phân khúc thị trường cho hàng khô, đồ hộp cho các khu vực bị ảnh hưởng chiến tranh, lạm phát cao. Hoặc cơ hội ở những thị trường có vị trí gần hơn như các nước ASEAN, giảm những thiệt hại do chi phí vận tải tăng cao…
“Với sự linh hoạt và thích ứng của DN thủy sản, hy vọng rằng năm 2024, xuất khẩu thủy sản sẽ cao hơn năm 2023, có thể đạt mốc 9,5 tỷ USD”, bà Hằng chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo