Thủ đoạn bán rẻ cảng Quy Nhơn
DNVN- Kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ cho thấy Bộ GTVT, Vinalines đã làm trái quy định của Nhà nước khi bán cảng Quy Nhơn cho tư nhân, vậy thủ đoạn bán rẻ tài sản công được thực hiện như thế nào?
Bộ GTVT cho phép bán 75% cổ phần của Vinalines tại Cảng Quy Nhơn trái thẩm quyền / Những thương vụ cuối cùng của nguyên Chủ tịch HĐTV Vinalines
Nhắm mắt làm liều
Theo Thanh tra Chính phủ trong việc xác định giá trị doanh nghiệp (GTDN) để cổ phần hóa; việc thẩm định giá cổ phần để thoái vốn nhà nước tại Cty cổ phần Cảng Quy Nhơn; việc phê duyệt GTDN, giá trị cổ phần đều đã có những khuyết điểm, vi phạm.
Ông Lê Anh Sơn- Chủ tịch HĐTV Vinalines (trái) trao Chứng nhận sở hữu CP Cảng Quy Nhơn cho ông Lê Hồng Thái, đại diện Cty CP Hợp Thành.
Theo đó, Cty TNHH Kiểm toán và Tư vấn thuế ATC (ATC) được thuê xác định GTDN để cổ phần hóa, thẩm định giá cổ phần để chuyển nhượng 26,01% cổ phần; Cty Hợp danh kiểm toán Việt Nam (CPA) thẩm định giá cổ phần để chuyển nhượng 49% cổ phần.
Cty TNHH Kiểm toán và Tư vấn thuế ATC đã áp dụng phương pháp thống kê kinh nghiệm để xác định chất lượng còn lại của 03 Cầu cảng, không thu thập hồ sơ, tài liệu có liên quan để phân tích, đánh giá thực trạng chất lượng kỹ thuật thực tế của Cầu cảng so với các cầu cảng đầu tư xây dựng mới trong thời gian thực hiện định giá là không thực hiện đúng quy định tại Điều 18 Thông tư số 202/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Khi áp dụng Phương pháp phân tích kinh tế - kỹ thuật để xác định chất lượng còn lại của nhà cửa, vật kiến trúc, Cty ATC đưa ra tỷ lệ chất lượng còn lại của kết cấu chính nhưng chưa vận dụng đầy đủ hướng dẫn tại Phụ lục số 01 Thông tư số 13/LB-TT ngày 18/4/1994 của Liên Bộ Xây dựng-Tài chính-Vật giá Chính phủ và Tiêu chuẩn xây dựng số 373:2006 “Chỉ dẫn đánh giá mức độ nguy hiểm của kết cấu nhà” ban hành kèm theo Quyết định số 20/2006/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng.
Trong khi đó, để xác định giá trị máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, xếp dỡ, Cty ATC xác định lại nguyên giá thực tế của tài sản theo giá thị trường tại thời điểm 31/3/2013 theo giá trị trên sổ kế toán, không có tài liệu chứng minh tài sản đó không có trên thị trường hoặc không tìm thấy tài sản tương đương trên thị trường; mặt khác, khi xác định chất lượng còn lại theo Phương pháp thống kê - kinh nghiệm, ATC căn cứ vào thời gian sử dụng của tài sản mà không kết hợp với việc đánh giá thực trạng tài sản; khi xác định chất lượng còn lại của tài sản theo Phương pháp phân tích kinh tế - kỹ thuật, ATC không căn cứ hướng dẫn chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật là không tuân thủ đúng Điểm b Mục 1.2 Khoản 1 Điều 18 Thông tư số 202/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Đối với 49% cổ phần do Cty Hợp danh kiểm toán Việt Nam (CPA) thẩm định giá, Cty này đã vận dụng từ Phương pháp so sánh trong tiêu chuẩn thẩm định giá, đưa ra các công thức tính chưa được quy định cụ thể trong các tiêu chuẩn thẩm định giá; không thực hiện đầy đủ các nội dung khảo sát thực tế tại Cảng Quy Nhơn, không khảo sát hiện trạng tài sản, thu thập số liệu về thông số của tài sản định giá là không thực hiện đúng quy định tại Mục 4 Phần II Tiêu chuẩn thẩm định giá số 05.
“Cty CPA vận dụng Phương pháp so sánh theo Tiêu chuẩn thẩm định giá số 07 để thẩm định giá theo phương pháp so sánh chỉ số giá/ thu nhập (p/e) và chỉ số giá/ giá trị sổ sách (p/bv), nhưng không phân tích thông tin, so sánh về những điểm tương tự và khác biệt, lợi thế và bất lợi của tài sản thẩm định giá với từng tài sản so sánh để có sự điều chỉnh mức giá của tài sản thẩm định giá mà chỉ so sánh với chỉ số trung bình ngành là không thực hiện đúng quy định tại Mục 9, Mục 10 Tiêu chuẩn thẩm định giá số 07”- kết luận Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Bất chấp hàng loạt các vi phạm trong việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, thẩm định giá cổ phần để chuyển nhượng cổ phần của 2 Cty tư vấn trên, HĐTV Vinalines đã phê duyệt.
Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm chính đối với những khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc về các Cty tư vấn (ATC, CPA) và các thẩm định viên; ngoài ra, còn có phần trách nhiệm của HĐTV Vinalines, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa, Tổ giúp việc trong việc thẩm định, phê duyệt GTDN, giá cổ phần.
Liệu có rút ra bài học
Theo tìm hiểu của PV Doanh nghiệp VN, trong giai đoạn 2018 – 2019, HĐTV Vinalines đã có kế hoạch chấp nhận lỗ trên diện rộng để thoái vốn tại 18 đầu mối mà TCty này có góp vốn.
Theo tính toán của Vinalines, tổng giá trị vốn đầu tư tại 18 đầu mối cần thoái/giảm vốn giai đoạn 2018 - 2020 là khoảng 1.957 tỷ đồng, trong khi đó giá trị dự kiến thu về chỉ có 1.614 tỷ đồng. Hai khoản lỗ do thoái vốn/giảm vốn lớn nhất mà Vinalines dự kiến gánh đến từ Cty cổ phần Cảng Hải Phòng (-306 tỷ đồng) và Cty cổ phần Cảng Cam Ranh (-83 tỷ đồng).
Bài học từ Cảng Quy Nhơn được cổ phần hóa, bán rẻ cho tư nhân phải mất 5 năm sau mới được Thanh tra Chính phủ phát hiện ra, cho thấy việc thoái vốn nhà nước cần phải được thực hiện công khai, minh bạch và công tác cán bộ phải đặt lên hàng đầu. Điều trớ trêu là người đang lèo lái “con tàu” Vinalines – Quyền TGĐ Nguyễn Cảnh Tĩnh đã được Bộ GTVT bổ nhiệm vội vàng bằng một quy trình đầy sai phạm.
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh - cựu kế toán trưởng Cục Kiểm lâm được đưa vào vị trí Quyền TGĐ TCty Hàng hải VN trong vòng 3 tháng.
Như Doanh nghiệp VN đã phản ánh trong bài: “Những thương vụ cuối cùng của nguyên Chủ tịch HĐTV Vinalines” (xuất bản ngày 26/2/2019), cùng thời điểm xẩy ra sai phạm tại Cảng Quy Nhơn, HĐTV Vinalines đã làm quy trình thần tốc để đưa ông Nguyễn Cảnh Tĩnh – nguyên Kế toán trưởng của Cục Kiểm lâm vào vị trí điều hành TCty này.
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh sinh năm 1975 có quá trình công tác như sau: Tháng 7/1997 tốt nghiệp Đại học Tài chính Kế toán HN; từ tháng 2/1998 – 3/1999 làm kế toán cho Cty TNHH Tân Hà (Hà Nội)… tháng 3/2010 – 1/2011 là Kế toán trưởng Cục Kiểm lâm, Bộ NNPTNT. Tháng 1/2011 ông Tĩnh về làm cán bộ Ban Tài chính TCty Hàng hải VN, từ tháng 7/2014 – 7/2015 là Trưởng Ban Tài chính và quản lý vốn góp TCty Hàng hải VN. Đến tháng 7/2015 ông Nguyễn Cảnh Tĩnh được đưa lên vị trí Phó TGĐ.
Mặc dù, Điều lệ về tổ chức và hoạt động của TCty Hàng hải VN ban hành kèm theo Nghị định 184/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định về tuyển chọn, bổ nhiệm Tổng giám đốc phải có: “có chuyên môn thuộc lĩnh vực kinh doanh chính của Vinalines; có ít nhất 3 năm kinh nghiệm tham gia quản lý, điều hành DN thuộc ngành nghề kinh doanh chính hoặc ngành, nghề có liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính của Vinalines”, thế nhưng đến cuối tháng 9/2015 Bộ GTVT vẫn nhắm mắt bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Tĩnh giữ Quyền Tổng giám đốc Vinalines chỉ sau 3 tháng ông này giữ chức Phó Tổng giám đốc.
Đỗ Văn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo