Thị trường

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% là hết sức khó khăn

DNVN - Dù kim ngạch xuất khẩu liên tục ghi nhận những tín hiệu tích cực từ quý II/2023 với việc tháng sau luôn cao hơn tháng trước nhưng mục tiêu tăng trưởng 6% kim ngạch xuất khẩu đặt ra từ cuối năm 2022 là hết sức khó khăn.

Trung Quốc là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam / Nghịch lý trong đầu tư nhà ở xã hội

Xuất siêu gần 20,2 tỷ USD

Thông tin được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đưa ra tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023 (ngày 9/9).

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước, đánh dấu tháng thứ 4 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, kết quả này giúp kim ngạch xuất khẩu tiếp tục đà phục hồi tháng sau cao hơn tháng trước, sau tình hình tương đối ảm đạm trong quý I/2023. Tháng 5/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 4,3% so với tháng 4, tháng 6 tăng 4,5% so với tháng 5, tháng 7 tăng 0,8% so với tháng 6, tháng 8 tăng 7,7% so với tháng 7.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp khu vực kinh tế trong nước đạt 8,43 tỷ USD, tăng 8,7%. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,94 tỷ USD, tăng 7,3%, thấp hơn mức tăng của doanh nghiệp khu vực kinh tế trong nước.


Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.

Kết quả xuất khẩu tháng 8 giúp cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu gần 20,2 tỷ USD.

Các mặt hàng xuất khẩu ghi nhận sự tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 8 so với tháng trước gồm sản phẩm điện tử, máy vi tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; dệt may, giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ…

Nêu nguyên nhân xuất khẩu phục hồi, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, trước hết cần ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều chính sách được ban hành kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tiễn, hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp.

Việc xuất nhập khẩu hàng hoá giảm mạnh từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023 là do tổng cầu tiêu dùng sụt giảm, lạm phát cao ở các nước phát triển, nhất là ở các nước là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc. Cùng với đó là việc duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt và hàng tồn kho ở mức cao khiến đơn hàng nhập khẩu hàng hoá của các thị trường xuất khẩu chính của nước ta sụt giảm.

Tuy nhiên, từ đầu quý II đến nay, đặc biệt là bước sang quý III, hoạt động xuất khẩu đã có sự khởi sắc. Hàng tồn kho ở các thị trường mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu đã giảm.

“Chẳng hạn, tại Mỹ, 6 tháng đầu năm tồn kho ở mức 20%, tuy nhiên đến tháng 8 đã giảm còn 10%, và dự báo đến cuối năm 2023 sẽ tiệm cận về mức 0%. Đây chính là cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của chúng ta, khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam”, ông Hải nêu.

Rất khó đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6%

Từ nay đến cuối năm 2023, dù có những tín hiệu tích cực, song dự báo bối cảnh kinh tế thế giới cũng còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Mặc dù đã chững lại, song lạm phát vẫn ở mức cao tại các thị trường, trong khi tình hình địa chính trị, đặc biệt là xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn diễn biến phức tạp, khiến chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứt gãy. Thêm vào đó là giá cả nhóm hàng nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn duy trì ở mức cao.

Mặc dù vậy, theo Thứ trưởng Hải, có những yếu tố giúp Việt Nam có thể kỳ vọng từ nay đến cuối năm các đơn hàng xuất khẩu sẽ phục hồi.

Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam vốn có sức chống chịu, linh hoạt và chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong xuất khẩu.

Thứ hai, các doanh nghiệp cũng đã phát huy sự chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới để bù đắp, thay thế các thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, khai thác tốt các ưu đãi, lợi thế từ những FTA thế hệ mới.

Thứ ba, tại các địa phương, các doanh nghiệp FDI đã có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian từ nay đến cuối năm, đưa ra các sản phẩm mới để xuất khẩu. Ví dụ, Tập đoàn Samsung cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu nhiều sản phẩm, trong đó có nhiều mẫu điện thoại mới sang các thị trường trong phạm vi toàn cầu.

“Căn cứ kết quả xuất nhập khẩu cho đến thời điểm hiện nay, mục tiêu tăng trưởng 6% kim ngạch xuất khẩu như kế hoạch đặt ra từ cuối năm 2022 là hết sức khó khăn”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định.

Tiếp tục gỡ khó cho doanh nghiệp

Theo đó, để thúc đẩy xuất khẩu, Thứ trưởng Hải cho rằng, cần tiếp tục hỗ trợ tối đa trong tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, giảm chi phí cho doanh nghiệp… Qua đó doanh nghiệp xuất nhập khẩu có động lực duy trì sản xuất kinh doanh, có nguồn vốn nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu theo các đơn hàng mới.

Đối với việc mở rộng thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, các địa phương, doanh nghiệp, các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, các hoạt động xúc tiến thương mại, tháo gỡ rào cản, vướng mắc, cảnh báo sớm về biện pháp phòng vệ thương mại của các nước, đặc biệt là các nước chúng ta đang có kim ngạch xuất khẩu lớn... để hỗ trợ cho doanh nghiệp kịp thời, cụ thể và hiệu quả nhất.

Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), đặc biệt là các hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA. Hay các FTA mới với Israel để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ hiệp định.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm