Thị trường

Thừa Thiên Huế: Xử “xe dù bến cóc” để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, người dân

DNVN – Theo Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, “xe dù bến cóc” là một trong những nguyên nhân gây mất trật tự an toàn giao thông cần phải xử lý quyết liệt, thường xuyên để doanh nghiệp kinh doanh vận tải hợp pháp được hưởng những bảo hộ chính đáng của nhà nước, người dân được phục vụ tốt hơn và an toàn hơn khi tham gia giao thông.

Thừa Thiên Huế: Sẽ tổ chức “Hội nghị diên hồng” với người làm sản phẩm OCOP / Thừa Thiên Huế: Gần 6.500 tỷ xây dựng tuyến đường ven biển

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ vừa chủ trì buổi làm việc với các sở ngành, đơn vị liên quan để bàn giải pháp hiệu quả trong xử lý tình trạng "xe dù, bến cóc" với mục tiêu đảm bảo sự công bằng, quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp, hình thành nếp sống văn hóa giao thông trên địa bàn tỉnh.

“Xe dù bến cóc” là một trong những nguyên nhân gây mất trật tự an toàn giao thông. (Ảnh minh hoạ)

“Xe dù bến cóc” là một trong những nguyên nhân gây mất trật tự an toàn giao thông. (Ảnh minh hoạ)

Theo báo cáo từ Ban An toàn giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế, thời gian qua, tình trạng xe ô tô trá hình vận chuyển hành khách tuyến Huế - Đà Nẵng và ngược lại đang diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng về số lượng phương tiện, tần suất chạy xe và sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm đối phó với các lực lượng chức năng.

Các xe này thường bố trí nhiều đối tượng theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng tại các chốt kiểm tra, kiểm soát để thông tin cho các lái xe trốn tránh; tổ chức trung chuyển khách bằng xe taxi khi qua điểm kiểm tra của đoàn liên ngành, nhờ hành khách đi xe đứng tên làm giả hợp đồng.

Đồng thời, hoạt động vận tải hành khách trá hình "xe dù bến cóc", xe chở khách núp bóng xe hợp đồng và xe du lịch, tổ chức bán vé đặt chỗ qua mạng và đón, trả khách trái quy định làm mất trật tự trong hoạt động vận tải hành khách của tuyến buýt liên tỉnh Huế - Đà nẵng và ngược lại, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, quyền lợi của hành khách đi xe bị xâm phạm vì không có bảo hiểm khi xảy ra sự cố ATGT, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Đặc biệt, hiện nay tình hình dịch Covid-19 đang có nguy cơ lây lan trở lại ở một số địa phương, các phương tiện kinh doanh vận tải trái pháp luật trên tuyến Huế - Đà Nẵng và ngược lại tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch Covid-19 do các phương tiện này không được quản lý, giám sát hành trình, không có đăng ký với cơ quan chức năng.

 

Sau khi nghe các ý kiến, giải pháp từ các Sở ngành, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho rằng, tình trạng “xe dù bến cóc” là thực trạng tồn tại lâu nay trên phạm vi toàn quốc, trên địa bàn tỉnh thì tuyến Huế - Đà Nẵng và ngược lại tần suất xuất hiện ngày càng nhiều.

“Chúng ta phải nhìn nhận thực tế là chất lượng dịch vụ của các HTX vận tải, đơn vị kinh doanh vận tải chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, có sự chênh lệch giữa cung và cầu, cung chưa đáp ứng được cầu về chất lượng, phục vụ, giá cả, thời gian. Nên vấn đề nâng cao chất lượng phục vụ hành khách trên tuyến Huế - Đà Nẵng hiện nay phải được đặt lên hàng đầu”, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh.

Từ đó, ông Phan Ngọc Thọ yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô; Công ty Cổ phần Bến xe Huế phối hợp các đơn vị kinh doanh vận tải, Hiệp hội vận tải ô tô đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ hành khách, nhân viên bến xe nâng cao chất lượng phục vụ hành khách khi đi trên xe hay tại bến xe; thực hiện phục vụ chu đáo, tận tình, văn minh, lịch sự, an toàn, thuận tiện cho mọi hành khách đi xe.

Việc xử lý tình trạng “xe dù bến cóc” cần phải có giải pháp căn cơ và phải được triển khai thường xuyên, liên tục, các cơ quan chức năng cần rà soát lại hoạt động của các HTX, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, xử lý nghiêm các đơn vị không thực hiện đúng theo giấy phép đăng ký kinh doanh. Vận động các xe kinh doanh vận tải sớm chuyển đổi biển vàng để thuận tiện trong việc quản lý hoạt động.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; tăng cường tuần tra, kiểm soát bằng các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp các lực lượng để phát hiện, ngăn chặn ngay từ khi xuất phát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các phương tiện chở khách, như: Xe dù, xe ké, xe dịch vụ qua mạng, xe núp bóng các loại hình vận tải khác hoạt động đón, trả khách trái quy định pháp luật.

 

“Xe dù, bến cóc là một trong những nguyên nhân của việc mất trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Năm 2021, Sở GTVT phải lấy chủ đề “Văn hóa giao thông” làm mục tiêu xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo, điều hành để tình hình an toàn giao thông trên địa bàn được đảm bảo, doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp được hưởng những bảo hộ chính đáng của nhà nước, người dân được phục vụ tốt hơn và an toàn hơn khi tham gia giao thông”, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, nhấn mạnh.

Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm