Thị trường

Tiền Giang: Nuôi kiến vàng bảo vệ vườn bưởi 'vàng'

Hưởng ứng phong trào thâm canh cây ăn quả của địa phương, lão nông Võ Văn Nhì quyết định tham gia vào Tổ hợp tác bưởi VietGAP xã Đạo Thành (Mỹ Tho, Tiền Giang), tổ chức sản xuất theo hướng an toàn, mang lại giá trị kép về kinh tế và môi trường sinh thái.

Thái Bình: Làm giàu từ trồng nấm / 12 mặt hàng xuất khẩu nào có nguy cơ bị mạo danh xuất xứ?

Ông Nhì vươn lên làm giàu với mô hình trồng bưởi da xanh (Ảnh Tư liệu)

Ông Nhì vươn lên làm giàu với mô hình trồng bưởi da xanh (Ảnh Tư liệu)

Giá trị của "vệ sĩ"

Vườn bưởi da xanh của ông Võ Văn Nhì hiện có diện tích hơn 2.000 m2, với trên 100 cây bưởi da xanh đang trong thời kỳ thu hoạch rộ. Đặc biệt, đàn kiến vàng được nuôi trở thành một trong những điểm đặc sắc, gây chú ý nhất trong khu vườn.

Ông Nhì cho biết,nuôi kiến vàng như một loài thiên địch trong vườn cây có múi sẽ giảm đáng kể lượng sâu bệnh có hại, giúp trái to đẹp, chất lượng trái ngon và mọng nước, người tiêu dùng ưa chuộng.

Nhờ nuôi kiến vàng, ông gần như không phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, kể cả thuốc trừ cỏ, qua đó giảm thiểu chi phí sản xuất, gia tăng hiệu quả kinh tế và đặc biệt là bảo vệ môi trường sinh thái.

 

“Hoạt động của đàn kiến giúp tôi tiết kiệm chi phí hàng chục triệu đồng mỗi năm. Các loại thuốc trừ sâu độc hại được loại bỏ gúp vườn cây lúc nào cũng sạch sẽ, không khí trong lành, đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình và người lao động”, ông Nhì phấn khởi chia sẻ.

Không chỉ có đàn kiến vàng, hơn 2.000 m2 vườn bưởi da xanh của gia đình ông Nhì cho giá trị cao còn đến từ sự linh hoạt trong thích ứng với thời tiết, chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật.

Sinh năm 1949, sau khi xuất ngũ, ông Nhì trở về quê bám làng thi đua sản xuất. Sau nhiều năm vật lộn với nhiều loại cây trồng khác nhau, ông quyết định gắn bó với cây bưởi da xanh.

Để trồng bưởi, ông Nhì cải tạo toàn bộ khu vườn tạp của gia đình. Bên cạnh việc chủ động nghiên cứu, học hỏi qua thực tế, ông còn tranh thủ sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông qua các buổi tập huấn, hội thảo kỹ thuật và các kênh thông tin khác…

Sản xuất VietGAP giúp cây bưởi phát triển ổn định, trở thành sinh kế làm giàu (Ảnh TL)

Sản xuất VietGAP giúp cây bưởi phát triển ổn định, trở thành sinh kế làm giàu (Ảnh TL)

 

Gia nhập tổ hợp tác hướng tới sản xuất lớn

Theo ông Võ Văn Nhì: “Muốn có trái ngon phải có giống tốt, sạch bệnh, trồng với mật độ phù hợp và đắp mô để cây không bị ngập úng vào mùa mưa dầm nước nổi. Không nên sử dụng phân bón vô cơ, thay vào đó là dùng nhiều phân hữu cơ vừa thân thiện môi trường vừa giúp cây sung mãn, cho năng suất cao”.

Nhờ ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, vườn bưởi của ông Nhì liên tục cho hiệu quả cao. Bình quân mỗi năm, ông thu hoạch 4 - 5 tấn quả, bán giá bình quân 40.000 đồng/kg, thu về 160 - 200 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng trên dưới 100 triệu đồng.

Muốn đi xa không thể đi một mình, vì vậy ông Nhì đã tham gia vào Tổ hợp tác bưởi VietGAP xã Đạo Thành để hướng tới sản xuất lớn, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, gia tăng giá trị sản phẩm.

 

Vào Tổ hợp tác, ông Nhì cùng các thành viên được hướng dẫn áp dụng quy trình trồng bưởi VietGAP nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc.

“Sự đồng hành của Tổ hợp tác giúp các hộ thay đổi tập quán canh tác, áp kỹ thuật được khuyến cáo, không sử dụng chất cấm trong quá trình sản xuất, bảo đảm thời gian cách ly trước khi thu hoạch, ghi chép sổ sách… Bù lại, thị trường tiêu thụ được đảm bảo, giá bán ổn định”, ông Nhì cho hay.

Hiệu quả của Tổ hợp tác với những điển hình như ông Võ Văn Nhì đã truyền cảm hứng lớn cho người nông dân vùng ven TP Mỹ Tho, đưa bưởi da xanh trở thành cây ăn quả chủ lực với tổng diện tích gần 1.000 ha, trong đó riêng xã Đạo Thạnh có hàng trăm ha, mở ra hướng làm giàu bền vững tại địa phương.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm