Tìm 'chìa khóa' mở thị trường xuất khẩu cà phê
Gần đây, khi tham dự một hội chợ thương mại ở Quảng Châu (Trung Quốc) để hỗ trợ nhà phân phối, ông Trần Tấn Thiện, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Cà phê Hello5, kể rằng đã chứng kiến người mua hàng cầm gói cà phê hòa tan của Việt Nam rồi bấm điện thoại tại chỗ trong vòng vài giây để so sánh giá bán trên Baidu (công cụ tìm kiếm của Trung Quốc) để có quyết định mua hàng hay không.
Thích ứng nhanh
Rất may là sản phẩm cà phê hòa tan của công ty đã có mặt trên Baidu cũng như trên các kênh trực tuyến khác của Trung Quốc như Wechat, Alibaba để thỏa mãn nhu cầu tìm kiếm, so sánh của khách hàng nước ngoài.
Chia sẻ kinh nghiệm thích ứng xuất khẩu (XK) trong thời điểm hiện nay ở ngành hàng cà phê, ông Thiện đã nhấn mạnh đến phương thức bán hàng và chất lượng sản phẩm, nhất là cần nâng chất lượng sản phẩm cà phê Việt lên tầm thế giới chứ không còn ở tầm khu vực.
Có như vậy thì các doanh nghiệp (DN) XK cà phê Việt sẽ tiếp cận được các thị trường EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... tốt hơn. Điều này đòi hỏi DN Việt luôn đặt ra những tiêu chí để tiến xa hơn khi mà thị trường cà phê ngày càng phát triển nhanh và cạnh tranh khốc liệt.
“Các DN cần chọn lựa thị trường mục tiêu. Tùy theo năng lực của mỗi DN khi tập trung một vài thị trường hoặc là nhiều thị trường thì lúc đó sức mạnh của DN sẽ được thể hiện”, ông Thiện chia sẻ.
Tổng giám đốc Cà phê Hello5 lưu ý XK cà phê cần phải thích ứng nhanh với những kênh thương mại điện tử quốc tế như Amazon, Alibaba, Baidu, Wechat...
Còn ở góc nhìn quản lý, trước việc XK cà phê sụt giảm cả về lượng và kim ngạch trong 9 tháng đầu năm nay (đạt 1,265 triệu tấn, trị giá 2,173 tỷ USD, giảm 12,5% về lượng và giảm 20,9% về trị giá so cùng kỳ năm ngoái), Bộ Công Thương mới đây cho rằng vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển thương hiệu chính là “chìa khóa” cho tăng trưởng XK cà phê trong bối cảnh hội nhập.
Để tiêu thụ cà phê qua các hệ thống phân phối ngoài nước, Bộ Công Thương cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai tốt Đề án thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng lưới phân phối ở nước ngoài giai đoạn đến năm 2020 nhằm đưa các sản phẩm cà phê Việt thâm nhập sâu hơn, trực tiếp hơn vào thị trường nước ngoài.
Đơn cử như hoạt động kết nối XK cà phê theo hướng gắn kết DN Việt kiều tại Thái Lan, Pháp, Đức, Úc… với DN trong nước, sử dụng mạng lưới kiều bào để hỗ trợ DN cà phê Việt Nam tìm hiểu và mở rộng thị trường XK. Thông qua lực lượng này, việc tuyên truyền về chất lượng cà phê XK của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng thêm hiệu ứng, góp phần hỗ trợ thành công tiêu thụ mặt hàng cà phê trong các hệ thống siêu thị tại nước ngoài.
“Nút thắt” thương hiệu
Trong vấn đề đưa cà phê Việt vào kênh phân phối ở nước ngoài, một chuyên gia trong ngành hàng này cho rằng việc cần làm là khuyến khích các DN Việt Nam thành lập cơ sở phân phối tại một số thị trường nếu có điều kiện thuận lợi.
Việc đưa cà phê Việt vào kênh phân phối ngoại được cho là mang lại lợi ích kép cho DN. Khi trực tiếp tham gia mạng phân phối nước ngoài sẽ giúp DN cà phê Việt nắm bắt tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng quốc tế, học được cách quản lý chất lượng tiên tiến nhằm bảo đảm đủ tiêu chuẩn XK cho các hãng hàng đầu thế giới, đồng thời có điều kiện để phát triển thương hiệu.
Trong vấn đề xây dựng thương hiệu cho ngành hàng cà phê Việt khi ra thị trường nước ngoài, theo Bộ Công Thương, các DN cần khảo sát nhu cầu của thị trường về các lĩnh vực gồm thị phần - thị hiếu - chất lượng - giá cả.
Từ đó, các DN sẽ xác định tỷ trọng chế biến các loại sản phẩm phù hợp (bao nhiêu phần trăm là sản phẩm sơ chế, bao nhiêu phần trăm là sản phẩm tinh chế) để định hướng phát triển sản phẩm cà phê, xây dựng chiến lược quảng bá, marketing, định vị thương hiệu phù hợp với năng lực của mình.
Theo ông Trần Tấn Thiện, thị trường thế giới đang hướng đến sản xuất an toàn, xanh và tốt cho người tiêu dùng, là cơ hội cho các DN hướng đến sản xuất cà phê an toàn. Các DN cũng nên chọn lợi thế vùng miền đang có.
Tại sao cà phê Việt XK đứng thứ 2 trên thế giới nhưng lại không tạo ra những thương hiệu có giá trị gia tăng cao?
Chẳng hạn, 1kg cà phê xanh (còn gọi là cà phê tươi có nhiều giá trị bổ dưỡng, chưa qua quy trình xử lý nào) nếu mua loại ngon ở Việt Nam sẽ vào khoảng 90.000 đồng. Trong khi với 1kg cà phê đó nếu rang chín và bán như thương hiệu cà phê Starbucks sẽ có mức giá 100.000 đồng/ly.
Như vậy, với 1kg cà phê xanh sau khi thương hiệu cà phê ngoại này rang chín và pha chế sẽ bán được với giá trị đến 5 triệu đồng.
“Vậy thì chúng ta phải làm thương hiệu nào, bao bì sản phẩm và chất lượng như thế nào để mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn cho cà phê Việt, để có được sản phẩm tốt và nguồn thu tốt hơn cho DN?”, ông Thiện đặt vấn đề.
End of content
Không có tin nào tiếp theo