Tổng cục trưởng Quản lý thị trường: Tăng cường thanh, kiểm tra đột xuất, phát hiện xăng dầu giả
Giá xăng, dầu (10/6): Tín hiệu lạc quan / Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu
Phát hiện kinh doanh xăng dầu giả, chuyển hồ sơ cho công an
Công an tỉnh Đăk Nông mới đây đã khởi tố ông Trịnh Sướng cùng 22 người khác về hành vi sản xuất và buôn bán xăng dầu giả.
Ngay sau vụ việc này, Tổng cục QLTT đã có văn bản yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, TP tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng, dầu trên quy mô toàn quốc.
Chia sẻ rõ hơn về kế hoạch này, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh đã có cuộc trao đổi với Dân trí. Ông Linh cho biết:
Ngày 10/6 vừa qua, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, chúng tôi đã yêu cầu thực hiện nghiêm các kế hoạch về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu nhằm ổn định trật tự trong kinh doanh xăng dầu, chống thất thu thuế và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đồng thời đề xuất, tham mưu cho Ban chỉ đạo 389 địa phương chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, lấy mẫu các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, chú trọng đến việc kiểm định, kiểm tra, kiểm soát về đo lường, chất lượng hàng hóa.
Nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm kinh doanh xăng dầu giả thì phối hợp xác minh, làm rõ hành vi, quy mô, đối tượng, đường dây, ổ nhóm để xử lý triệt để, chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các đội QLTT, tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra việc chấp hành các quy định trong kinh doanh xăng dầu.
Đối tượng kiểm tra là các đơn vị xuất, nhập khẩu xăng dầu, tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu, các hộ kinh doanh xăng dầu tự phát.
Qua đó, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép theo quy định; đồng thời giám sát chặt chẽ các cửa hàng xăng dầu đã bị thu hồi giấy phép.
Song song với việc đẩy mạnh thanh, kiểm tra, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các phương tiện truyền thông tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng không mua xăng dầu tại các điểm kinh doanh trái phép; tuyên truyền các chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Phải công bố công khai các cửa hàng xăng dầu vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng có thể biết, giám sát và tự bảo vệ, góp phần cùng các cơ quan chức năng chống các hành vi kinh doanh gian lận trong mặt hàng xăng dầu.
Nguyên liệu pha chế xăng dầu được mua rất dễ dàng!
Được biết, đợt tổng kiểm tra được yêu cầu thực hiện ngay sau khi các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất xăng, dầu giả số lượng lớn do Trịnh Sướng (50 tuổi, giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng ở Sóc Trăng) cầm đầu. Ngay sau khi vụ việc này được phát hiện, dư luận đã đặt câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường trong vụ việc này. Thậm chí có đại biểu Quốc hội còn nói về “lợi ích nhóm” trong đường dây mua bán xăng giả của Trịnh Sướng?
-Đây là vụ việc rất phức tạp, thủ đoạn rất tinh vi. Theo quy định hiện nay của Nhà nước, lực lượng QLTT không có toàn quyền vào khám xét doanh nghiệp mà phải có chứng cứ. Cần phải phối hợp giữa bên thuế, cơ quan quản lý doanh nghiệp để nắm số hàng vào, hàng ra, phiếu nộp, phiếu xuất, có gì bất thường không.
Sở Khoa học - Công nghệ đi kiểm tra, quản lý chất lượng xăng thì cũng phải có kế hoạch công khai.
Theo chức năng nhiệm vụ được giao, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu là một nhiệm vụ thường xuyên của QLTT.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, lực lượng QLTT mới chỉ phát hiện được các vi phạm về điều kiện kinh doanh xăng dầu; vi phạm về giá. Chúng tôi thừa nhận, lực lượng QLTT chưa phát hiện được nhiều vụ việc, hành vi sản xuất, kinh doanh xăng giả, kém chất lượng.
Có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, cụ thể: Nghị định 83 của Chính phủ quy định, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan quản lý, kiểm tra, kiểm soát đo lường, chất lượng xăng dầu sản xuất, pha chế, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc thực hiện các quy định về đo lường, chất lượng của thương nhân kinh doanh xăng dầu.
Đồng thời, thương nhân đầu mối thực hiện pha chế xăng dầu phải đăng ký cơ sở pha chế theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát đo lường, chất lượng xăng dầu sản xuất, pha chế, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường. Còn các địa phương có trách nhiệm giám sát chất lượng xăng dầu trên địa bàn quản lý.
Những quy định pháp luật như trên phần nào hạn chế sự chủ động của lực lượng QLTT trong việc lấy mẫu kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng xăng dầu.
Chưa kể, hiện nay trên thị trường các chất dung môi, phụ gia, chế phẩm có thể dùng để pha chế xăng dầu được phép kinh doanh phục vụ nhu cầu dân dụng như pha chế sơn, chất tẩy rửa, sản xuất… được mua rất dễ dàng.
Do đó đòi hỏi phải có sự hợp tác từ các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ các đơn vị nhập khẩu các sản phẩm này để từ đó xác định được vi phạm.
Trong khi kiểm tra lấy mẫu có xác định số tồn nhưng khi có kết quả kiểm nghiệm mẫu là vi phạm không thể thu hồi số xăng dầu vi phạm vì lý do cây xăng khi chưa có kết luận nên không có căn cứ tạm giữ ban đầu.
Trong khi đó quá trình bán hàng của doanh nghiệp là liên tục nên khi có kết quả tiếp tục làm việc thì lượng xăng vi phạm đã bán hết, rất khó khăn trong quá trình xử lý tang vật.
Sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất
Cơ quan QLTT sẽ cần làm gì tiếp theo để lấy lại lòng tin của người tiêu dùng, bởi không ít người dân lo lắng việc mình sử dụng xăng giả bao lâu nay không hay biết?
Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 410 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu.
Chủ động phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các lực lượng chức năng như biên phòng, công an, cảnh sát biển và các cơ quan Thanh tra chuyên ngành để tạo sức mạnh tổng hợp.
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật nói chung và pháp luật đo lường cho mọi người dân, doanh nghiệp, đồng thời mỗi người dân phải là người tiêu dùng thông thái, khi mua xăng dầu phải chọn những doanh nghiệp có uy tín đảm bảo bán đủ số lượng, đúng chất lượng.
Thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành với chế độ kiểm tra đột xuất hoặc theo kế hoạch. Thực tế cho thấy công tác kiểm tra, thanh tra đột xuất có hiệu quả hơn công tác kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch.
Quá trình các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nộp hồ sơ để cấp phép, việc thẩm định và cấp phép cần phải yêu cầu các doanh nghiệp, hộ kinh doanh ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, thường xuyên duy trì, đảm bảo các điều kiện kinh doanh sau khi được cấp phép.
Nếu vi phạm kiên quyết xử lý nghiêm đồng thời rút giấy phép; nếu sai phạm nhiều lần cần xử lý vĩnh viễn không cho kinh doanh nhất là vi phạm về chất lượng
Thường xuyên tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng, xử lý thông tin kịp thời các vi phạm, thông tin ngay vi phạm đến các cơ quan thông tin đại chúng.
Công bố công khai các cửa hàng vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết, giám sát, tự bảo vệ mình, góp phần với các cơ quan chức năng chống các hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu.
Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!
End of content
Không có tin nào tiếp theo