TP.HCM: DN kiến nghị tháo gỡ khó khăn để vay vốn, tái cơ cấu sản xuất sau dịch Covid-19
Gói hỗ trợ 300.000 tỷ đồng: Ngân hàng khẳng định không thiếu vốn, doanh nghiệp vẫn kêu khó tiếp cận / Ngân hàng công bố đã giải ngân hơn 630 nghìn tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do dịch Covid-19
Theo nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), để nắm bắt tình hình triển khai các chính sách hỗ trợ của ngành Ngân hàng, lắng nghe, kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh để các chính sách hỗ trợ khắc phục khó khăn và phục hồi kinh tế sau dịch của ngành Ngân hàng phát huy hiệu quả hơn nữa, NHNN dự kiến sẽ tổ chức 14 hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố trọng điểm và có dư nợ tín dụng cao.
Tiếp theo Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đã được tổ chức tại Hà Nội, Bình Dương, An Giang, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thái Nguyên, Yên Bái, vào sáng nay (29/5/2020), NHNN tiếp tục tổ chức hội nghị tại TP.Hồ Chí Minh để thông tin kết quả triển khai các giải pháp hỗ trợ của hệ thống ngân hàng đối với người dân và doanh nghiệp trên địa bàn, đồng thời lắng nghe, tiếp thu những ý kiến từ phía các doanh nghiệp (DN), Hiệp hội Doanh nghiệp và đề xuất của cơ quan ban ngành tại thành phố để cùng nhau tháo gỡ khó khăn và tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ của ngành ngân hàng trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ một số khó khăn của ngành lương thực thực phẩm cụ thể như sau: Tết nguyên đán rơi vào tháng 1, doanh thu luôn tăng từ 30–50%, nhưng sau dịch, để chứng minh doanh thu để được giãn, hoãn nợ và giảm lãi suất thì DN không thể chứng minh được, đây là đặc thù của ngành lương thực thực phẩm.
Trong dịch Covid-19, ngành lương thực thực phẩm đảm bảo cung ứng đủ, các DN cam kết ko tăng giá, tại TP.HCM ngoài ổn định đời sống cho 13 triệu dân, chỉ riêng ngành lương thực thực phẩm tham gia 50–70% mặt hàng, cam kết giữ giá cả, không tăng giá. Bà Lý Kim Chi chia sẻ câu chuyện khó khăn hiện tại, đó là DN trong ngành lấy hết nguyên liệu dự trữ ra, bây giờ nguồn nguyên liệu dự trữ kế tiếp gặp khó khăn vì 1 số nguyên phụ liệu tăng giá, chi phí nhập kho vào cũng tăng lên. Như vậy, hơn lúc nào hết, DN lương thực thực phẩm rất cần sự hỗ trợ của ngân hàng, tái cơ cấu lại sản xuất, muốn được nằm trong ngành được hỗ trợ, như các ngành khác dịch vụ, dịch vụ…
Hiện nay, mặc dù trong quý 1, các đơn vị sản xuất kinh doanh giảm lợi nhuận nghiêm trọng, khi các nước áp dụng phong tỏa, nhu cầu tiêu dùng bắt đầu giảm. Hội lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh đề nghị triển khai nhanh có hiệu quả, tái cấu trúc hiệu quả, nên rất cần sự hỗ trợ của ngành ngân hàng.
Bà Lý Kim Chi đưa ra đề xuất, kiến nghị: “NHNN, NHNN chi nhánh HCM, các ngân hàng cổ phần cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất cho vay, do đó cần được hỗ trợ phân loại DN, các gói vay, trong đó tập trung ưu tiên các ngành trọng yếu như du lịch, lương thực, thực phẩm, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận tạo điều kiện ổn định".
Ông Phạm Văn Việt – Tổng Giám đốc Việt Thắng Jeans, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may TP.HCM cho biết, Việt Thắng jeans đã được giảm lãi 1.3-1.5%, hỗ trợ bởi Vietcombank và Agribank. Đặc biệt Agribank đã cắt giảm tất cả chi phí để hỗ trợ công ty về thanh toán và các khoản.
Để hỗ trợ cho các DN dệt may nói chung, ông Phạm Văn Việt kiến nghị, NHNN điều chỉnh tỷ giá giảm hỗ trợ xuất khẩu, giảm lãi suất cho vay đối với khoản vay hiện hữu xuống 2%, trong thời gian hỗ trợ lên đến 24 tháng, vì doanh thu giảm rất mạnh. Hỗ trợ tỷ lệ kí quỹ, giảm chi phí thanh toán xuất khẩu, hỗ trợ kéo dài vay vốn lưu động, do khách hàng không nhập hàng và giãn thời hạn thanh toán. Điều chỉnh thời gian trả nợ không vượt quá 24 tháng, tạo điều kiện cơ cấu nợ, tiếp tục dự báo ảnh hưởng 6 – 12 tháng.
Ông Trần Lâm Hồng – Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã TP.HCM cho biết, DN phân phối có những đặc thù, trong dịch bệnh phải lo 1 số vấn đề liên quan đến phòng chống dịch bệnh, nên trong thời gian diễn ra dịch, tâm lý người dân đổ dồn vào mua 1 số mặt hàng nhất định, gây ra khó khăn cho hệ thống phân phối. Sau đó, nhiều người nghĩ có thể những DN bán lẻ được hưởng lợi hơn sau dịch bệnh.
Nhưng ông Trần Lâm Hồng cho biết, doanh thu của Liên hiệp Hợp tác xã TP.HCM sụt giảm 30% so với trước đây, hiện nay, do yếu tố phải đảm bảo tính thiết yếu, thiết bị chống dịch nên hàng hóa tồn kho rất lớn, khẩu trang, dung dịch nước sát khuẩn theo yêu cầu của nhà nước nên đang tồn khoảng 400 tỷ đồng. Theo tính toán, Liên hiệp Hợp tác xã TP.HCM không biết đến bao nhiêu lâu mới giải phóng được nhưng vì trách nhiệm phải làm.
Ông Trần Lâm Hồng kiến nghị, bên cạnh sự hỗ trợ của Ngân hàng, còn phải sự đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước, cần đầu tư đồng bộ vào thanh toán không dùng tiền mặt, tuyên truyền thúc đẩy thay đổi thói quen thanh toán không dùng tiền mặt với nhiều giải pháp.
Bà Vũ Thị Thu Trang, đại diện Công ty Đầu tư Xây dựng Đình Tân cũng đưa ra đề xuất: Tăng hạn mức cho vay với DN có nhu cầu nguồn vốn đầu tư sản xuất kinh doanh trong thời gian tới. Thông tư 01 có hiệu lực 3 tháng sau khi hết dịch, nhưng nhà nước cần xem xét giãn thời gian 6 tháng để ổn định và thu hút vốn FDI.
Ông Thái Bá Cần - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng.
Ông Thái Bá Cần cho hay, trong thời gian qua, nhiều chính sách còn bất cập như bảo hiểm, vấn đề khác liên quan, ông mong muốn ngân hàng tiếp tục cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi suất. Ông cũng đề xuất, thủ tục đơn giản, nhanh gọn để DN tiếp cận được ưu đãi hơn nữa.
Ông Nguyễn Văn Phong, Công ty TNHH Việt Phú Thịnh nêu ra một số khó khăn của DN sản xuất cao su nguyên liệu. Theo đó, ngành cao su mang tính đặc thù thời vụ, từ tháng 5 là ngưng, giá dầu giảm, giá cao su giảm. Nhiều đối tác ngưng hợp đồng vì lý do bất khả kháng. Trước khó khăn của DN, Eximbank đồng ý cho mua USD trả nợ, hoãn 1 số LC chưa về cũng được Eximbank gia hạn thời gian, chi phí chuyển tiền Eximbank cũng cho giảm.
Ông Nguyễn Văn Phong kiến nghị, với đặc thù là DN xuất khẩu, 1 số phương thức thanh toán như LC (Thư tín dụng L/C bản chất là cam kết bảo lãnh thanh toán của ngân hàng đối với hoạt động của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu), ngân hàng ở nước ngoài bị phong tỏa chậm, nên kiến nghị ngân hàng cho phép đi theo giãn thời gian trả nợ rõ ràng, đồng thời không đánh tụt hạng xếp hạng của DN.
Bà Phạm Thị Thanh, Giám đốc HTX vận tải và du lịch Thanh Sơn, hoạt động kinh doanh vận tải bị giảm 50% do việc hạn chế di chuyển trong thành phố, nhưng chi phí vẫn phải thanh toán đầy đủ. Ngân hàng OCB đã ân hạn gốc tháng 4 đến tháng 6 giúp giải tỏa áp lực tài chính. OCB hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng phát hành thư, đảm bảo điều kiện dự thầu để trúng thầu 2 gói. Bà Thanh kiến nghị, ngân hàng tiếp tục xem xét giảm lãi suất cho DN.
Theo NHNN chi nhánh TP.HCM, kết quả hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, cụ thể như sau:
Hỗ trợ giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp và giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới với lãi suất thấp cho doanh nghiệp đến cuối tháng 4/2020 đạt: 290.577 tỷ đồng, cho 223.990 khách hàng.
Cho vay lãi suất ưu đãi ngắn hạn bằng VNĐ (lãi suất không quá 5%/năm) đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực bao gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Dư nợ đến cuối tháng 4/2020 đạt 164.966 tỷ đồng, với 31.538 khách hàng vay vốn. Trong đó, cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 117.035 tỷ đồng; chiếm tỷ trọng 71% trong tổng dư nợ cho vay ngắn hạn VNĐ đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo