Thị trường

Truy xuất nguồn gốc, minh bạch sản phẩm cà phê để chiếm lĩnh thị trường khó tính

DNVN - Nằm trong nhóm nông sản xuất khẩu chủ lực, các sản phẩm cà phê ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế. Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc cho cà phê là hướng đi hiệu quả giúp các doanh nghiệp minh bạch hóa sản phẩm và chiếm lĩnh các thị trường yêu cầu khắt khe về chất lượng.

Xuất khẩu tôm 9 tháng đầu năm đạt 2,8 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ 2020 / Đại biểu Quốc hội: "Cần bình ổn giá xăng dầu để phục hồi nền kinh tế"

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam
Tại Hội nghị giao thương trực tuyến Cà phê và Hạt tiêu Việt Nam năm 2021 do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Vietcraft và các cơ quan liên quan trong và ngoài nước tổ chức tối 27/10, ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, tính chung 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 1,07 triệu tấn, trị giá gần 2 tỷ USD, giảm 6,9% về lượng, nhưng tăng 1,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện nay cà phê Việt Nam đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như Đức, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và các thị trường Châu Á như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc…
Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới sau Brazil. (Ảnh: Báo Công Thương)

Ông Đỗ Xuân Hiền – Phụ trách Văn phòng Hiệp hội Cà phê Việt Nam thông tin, Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới sau Brazil và lớn thứ nhất thế giới về sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta. Hiện Việt Nam có khoảng gần 600 ngàn nông hộ trồng cà phê. Hàng năm thu nhập từ cà phê chiếm khoảng 30% thu nhập của người dân Tây Nguyên. Cà phê cũng là ngành cung cấp việc làm cho khoảng hơn 2 triệu lao động của Việt Nam.
Nhấn mạnh cơ hội cho doanh nghiệp Việt tại thị trường Nhật Bản, ông Tạ Đức Minh - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản khẳng định, cà phê Việt Nam ngày càng có ưu thế tại thị trường Nhật Bản, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay.
Đối với cà phê nhân, năm 2020 Việt Nam xếp thứ hai về khối lượng, xếp thứ 3 về giá trị xuất khẩu sang Nhật Bản. Đặc biệt trong khi quốc gia xuất khẩu cà phê nhân sang Nhật nhiều nhất là Brazil ghi nhận suy giảm 25% về khối lượng, 25% về giá trị thì Việt Nam lại ghi nhận tăng 15% về khối lượng, tăng 13% về giá trị.
Đối với cà phê rang, năm 2020 cũng ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc trong xuất khẩu cà phê rang Việt Nam sang Nhật Bản, cả về khối lượng (tăng 167%) và giá trị (tăng 245%). Điều này cho thấy
Với cà phê hòa tan, năm 2020 Việt Nam xếp thứ 2 về khối lượng, xếp thứ 2 về giá trị xuất khẩu sang Nhật Bản. Đặc biệt trong khi quốc gia xuất khẩu cà phê nhân sang Nhật nhiều nhất là Brazil ghi nhận suy giảm 1% về khối lượng, 7% về giá trị thì Việt Nam lại ghi nhận tăng 21% về khối lượng, tăng 11% về giá trị.
Trong khi đó, đề cập tới xu hướng thị trường Úc đối với cà phê, ông Nguyễn Phú Hòa – Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết, Úc nằm trong nhóm 30 nước tiêu thụ cà phê hàng đầu thế giới.
7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê Việt Nam sang Úc hạn chế nhưng 2 tháng gần đây xuất khẩu sang thị trường này đã tăng mạnh. Xuất khẩu trong tháng 9 tăng 41% so với tháng 8. Thương vụ Việt Nam tại Úc dự báo, nhu cầu tiêu thụ từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục tăng lên, là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuât và xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
Truy xuất nguồn gốc để phát triển thị trường quốc tế
Nhấn mạnh việc xây dựng thương hiệu sản phẩm cà phê của DN Việt Nam, ông Nguyễn Phú Hòa – Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Úc cho hay, hiện một trong những chương trình lớn nhất của thương vụ là đẩy mạnh xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam tại Úc. Thương vụ mong muốn phối hợp với các doanh nghiệp cà phê để làm các chương trình xây dựng thương hiệu chuyên sâu gắn với từng sản phẩm cụ thể của DN.
"Nếu DN có sản phẩm tốt, chúng tôi sẽ đẩy mạnh quảng bá sản phẩm cho DN, qua đó tạo hiệu ứng lớn trên thị trường và lan tỏa tới những DN xuất khẩu khác", ông Hòa chia sẻ.
Là người trực tiếp tham gia hỗ trợ các doanh nghiệp ngành cà phê thực hiện chương trình truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cà phê trong khuôn khổ dự án kết nối địa phương với thị trường quốc tế thông qua thương mại điện tử, ông Đỗ Xuân Hiền chia sẻ, thực hiện phương châm từ nông trại đến ly cà phê, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang áp dụng quy trình sản xuất khép kín để đưa các sản phẩm tốt nhất đến cho người tiêu dùng.

Theo ông Đỗ Xuân Hiền, truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cà phê là hướng đi hiệu quả. (Ảnh: Báo Quảng Trị)
"Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cà phê là một hướng đi hiệu quả giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam minh bạch hóa các sản phẩm của mình từ khâu trồng trọt, chăm sóc, chế biến đến xuất khẩu. Xa hơn nữa, các doanh nghiệp có thế đưa các câu chuyện về sản phẩm cà phê của mình, các câu chuyện về sản xuất, chế biến, các câu chuyện văn hóa cà phê đến với người tiêu dùng", ông Hiền cho biết.
Việc thực hiện áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê ngoài việc cung cấp các thông tin minh bạch cho sản phẩm của doanh nghiệp, tạo giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, còn giúp doanh nghiệp mở rộng chiếm lĩnh các thị trường yêu cầu khắt khe về chất lượng.
"Ngành cà phê Việt Nam, các doanh nghiệp cà phê Việt Nam cam kết sẽ không ngừng nỗ lực để cải tiến chất lượng sản phẩm, tăng cường công tác truy xuất nguồn gốc, nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của thị trường quốc tế trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực và chủ động tham gia các Hiệp định thương mại quốc tế", ông Hiền nhấn mạnh.
Trong khi đó, đưa ra những khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt, ông Tạ Đức Minh cho biết, việc nhập khẩu cà phê nhân (cà phê chưa rang) hay hạt tiêu vào Nhật Bản phải đáp ứng các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định của Luật Vệ sinh thực phẩm. Đồng thời phải đáp ứng các tiêu chuẩn đặt ra đối với dư lượng thuốc trừ sâu theo danh mục các hóa chất nông nghiệp được cho phép sử dụng tại Nhật Bản.
Ông Minh cũng lưu ý doanh nghiệp việc Nhật Bản có hệ thống phân phối phức tạp với nhiều tầng lớp trung gian. Các mặt hàng cà phê Việt không dễ để có thể được bán trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng mà cần phải thông qua các đầu mối nhập khẩu lớn...
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm