Thị trường

Tuyên Quang: Nuôi loài cá quý hiếm ở dưới sông, dân ở đây bán 600 ngàn/kg

Sông Lô và sông Gâm chảy qua tỉnh Tuyên Quang có tổng chiều dài 255 km. Tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi này, những năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sống hai bên bờ sông phát triển nuôi cá lồng đặc sản cho thu nhập cao và gìn giữ được nhiều giống cá quý.

Xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên có 9 km sông Lô chảy qua. Từ năm 2006, người dân trong xã triển khai nuôi cá lồng đặc sản. Ban đầu chỉ là tự phát ở một vài gia đình với nguồn giống chủ yếu thu mua từ thuyền chài. Tuy nhiên, chất lượng giống không đều, cá giống khi nuôi không thích nghi với nguồn nước, cho nên tỷ lệ chết cao.

Sau đó, người dân Thái Hòa cùng nhau thành lập Hợp tác xã nuôi cá đặc sản để chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm. Hiện toàn xã có 35 hộ nuôi với 135 lồng cá, tập trung chủ yếu ở các thôn: Ba Luồng, Tân An, Khánh An, Bình Thuận, Soi Long.

Lồng nuôi cá chiên của người dân thôn Ba Luồng, xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên.

Anh Trần Văn Vân ở thôn Ba Luồng cho biết: “Nuôi cá lồng, nhất là cá chiên, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là một trong năm loài cá quý trên sông Lô. Mỗi lồng có thể thả khoảng 100 con cá chiên. Mỗi lứa nuôi từ một năm rưỡi đến hai năm, khi cá đạt trọng lượng từ 1,5 đến 2 kg thì có thể xuất bán. Với giá bán cá trung bình từ 500 nghìn đến 600 nghìn đồng/kg, người dân đã nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững…”.

Để phát triển thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh, tiến tới xuất khẩu, tỉnh Tuyên Quang đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch phát triển thủy sản giai đoạn từ năm 2014 đến 2025, định hướng đến năm 2035. Theo đó, sẽ tập trung phát triển nuôi năm loại cá đặc sản gồm: cá chiên, cá bỗng, cá dầm xanh, cá anh vũ và cá lăng.

Thực hiện chủ trương này, Trung tâm Thủy sản tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nghiên cứu nhân giống các loài cá đặc sản. Đến năm 2015 đã nhân giống cá chiên từ phương pháp nhân tạo, đến năm 2018 thì việc nhân giống loài cá quý hiếm đã thành công với hơn 15 nghìn con cá giống.

Ngoài việc cung cấp cá giống cho những gia đình nuôi cá lồng bè và để tái tạo nguồn thủy sản, năm 2017 và 2018, mỗi năm tỉnh Tuyên Quang cho thả ba nghìn con cá chiên giống trên sông Lô và sông Gâm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có gần 1.400 lồng nuôi cá, trong đó 464 lồng nuôi cá đặc sản. Nhiều hộ có thu nhập vài chục triệu đồng/năm, trong đó có khoảng 30 hộ thu lãi từ 100 đến 300 triệu đồng/năm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Việt cho biết, tỉnh đang tổ chức theo hướng liên kết sản xuất từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ dân tạo thành chuỗi liên kết, khắc phục tình trạng nuôi manh mún.

"Tỉnh Tuyên Quang tiến hành đăng ký tiêu chuẩn chất lượng và thiết lập hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm; thiết lập cơ sở dữ liệu về thành phần dinh dưỡng và tính bổ dưỡng của sản phẩm cá đặc sản để người tiêu dùng nhận biết, lựa chọn phù hợp trong quá trình sử dụng sản phẩm. Đồng thời, nghiên cứu, lưu giữ, xây dựng khu vực bảo tồn và phát triển các giống cá quý hiếm của địa phương; nghiên cứu và ứng dụng phương pháp sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm các loài cá đặc sản để bảo tồn nguồn gien quý hiếm...".

Theo Hải Chung/Báo Nhân Dân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo