Vải thiều Thanh Hà đã sẵn sàng chinh phục thị trường kỹ tính hàng đầu thế giới
Việt Nam có cơ hội vượt Thái Lan về xuất khẩu gạo ngay trong năm 2020 / Xuất khẩu nông sản: 'Tươi hoá héo, héo thành tươi'
Hơn 40 gốc vải của gia đình anh Nguyễn Văn Dũng (xã Thanh Thủy, Thanh Hà, Hải Dương) dù không đạt năng suất cao như mọi năm nhưng sản lượng vẫn đạt hơn 4 tấn, thu về hơn 200 triệu đồng. Năm đầu tiên đủ điều kiện được cấp mã OTAS tức là mã số vùng trồng sang thị trường Nhật, quả vải đã được chăm sóc kỹ càng từ lúc mới ra hoa.
"Năm nay không được năng suất cao nhưng thu bao nhiêu hết bấy nhiêu, hơn nữa phục vụ xuất khẩu giá thu mua cũng cao hơn so với tiêu thụ nội địa nên chúng tôi vui lắm", anh Dũng cho hay.
Hiện nay, cả xã Thanh Thủy, Thanh Hà, Hải Dương có 240 hộ được cấp mã số vùng trồng đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu vải đi Nhật. Giá một kg vải của bà con cũng nhờ đó mà cao hơn rất nhiều, ít nhất hơn 30% so với tiêu thụ thông thường.
Sau thu hoạch, vải sẽ được xử lý nhiều công đoạn, trong đó quan trọng nhất là sục rửa trong nước lạnh 4 độ và khử nấm mốc. Sau 2 khâu tuyển chọn, những quả tươi nhất, không bị thâm đen và sâu đầu sẽ được đóng hộp và đưa vào trong kho để bảo quản.
Nhờ có dây chuyền này mà quả vải sẽ giữ được độ tươi trong ít nhất 3 tháng so với một tuần như thông thường. Đây là điều kiện quan trọng nhất để có thể đưa quả vải vào thị trường Nhật, và cũng là điều kiện quan trọng để giữ được quả vải tươi ngon đủ điều kiện sau ít nhất 1 tháng lênh đênh trên biển.
Sau hơn một tháng thu hoạch cả vải sớm và chính vụ, 3.800 ha vải Thanh Hà đạt sản lượng 45.000 tấn. Doanh thu của bà con đạt ít nhất gần 1 nghìn tỷ đồng. Năm nay, 70% vải ở địa phương được bao tiêu ngay sau thu hoạch, không còn nỗi lo tìm đầu ra như trước kia.
Sau quá trình chăm sóc kỹ càng, những lô vải thiều đạt tiêu chuẩn tốt nhất tại huyện Thanh Hà, Hải Dương đang vào chính vụ thu hoạch để chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường khó tính này.
"Chúng tôi bây giờ tập trung vào chất lượng cho quả vải chứ không chú trọng về số lượng nữa. Vì thực tế nếu quả vải ngon và chất lượng tốt thì giá thành có thể gấp 2 thậm chí gấp 3 lần so với bán ở trong nước", ông Nguyễn Đức Tuấn - Bí thư Huyện ủy Thanh Hà, Hải Dương cho biết.
Quả vải tươi xuất đi Nhật phải đáp ứng điều kiện 1 kg có từ 25 - 30 quả vải và độ ngọt trên 18 độ. Ngoài ra vườn vải thiều phải đảm bảo truy suất nguồn gốc, lập và lưu hồ sơ, nhật ký sản xuất và được Cục BVTV kiểm tra, cấp mã số. Bù lại, trái vải bán ở Nhật Bản với giá bán rất cao.
Nông dân trồng vải đã vượt qua được các tiêu chuẩn khắt khe để tiến vào thị trường khó tính này. Sản lượng quả vải trồng ở Nhật Bản chỉ chiếm khoảng 5% thị phần tiêu thụ tại Nhật. Đó là cơ hội mở ra với các vùng trồng vải lớn của Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo