Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn của dòng vốn FDI
Tổng thư ký VCCI: Kinh doanh có trách nhiệm là điều cần phải làm của doanh nghiệp / Xuất khẩu sang EU đạt gần 4,8 tỷ USD nhờ EVFTA
Đây là những nhận định của các doanh nghiệp FDI trong báo cáo kết quả điều tra Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2020) vừa qua.
Yên tâm vì rủi ro chính sách thấp
Trong cuộc điều tra PCI 2020, bên cạnh hơn 10.700 doanh nghiệp tư nhân còn có 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được hỏi. Kết quả điều tra PCI 2020 cho thấy, các doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn với lợi thế chính trị ổn định, thủ tục hành chính dần thông thoáng, thanh kiểm tra và chi phí không chính thức đã giảm bớt.
Điều này chứng tỏ những thành công trong chiến lược của Việt Nam trong việc phát triển kinh tế trên cơ sở thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và phát triển khu vực tư nhân trong nước.
Biểu đồ các yếu tố thu hút đầu tư theo đánh giá của các DN FDI. |
Chính trị ổn định của Việt Nam luôn có sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài. Yếu tố này của Việt Nam liên tục được các doanh nghiệp FDI đánh giá cao, với tỉ lệ trên 90%. Việt Nam có rủi ro bị thu hồi mặt bằng sản xuất kinh doanh và rủi ro bất ổn chính sách thấp hơn, sau những bước tiến ấn tượng trong các năm qua.
Tỉ lệ doanh nghiệp FDI nhận định rủi ro bị thu hồi mặt bằng là thấp tại Việt Nam đã tăng từ 64% lên 80%. Tỉ lệ doanh nghiệp FDI cho rằng Việt Nam có rủi ro bất ổn chính sách thấp hơn cũng tăng từ 60% năm 2013 lên 82% năm 2020.
Dù đã có một số bước tiến song hai yếu tố thuế và vai trò của doanh nghiệp trong hoạch định chính sách vẫn còn là điểm yếu của môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Tỉ lệ doanh nghiệp FDI lựa chọn đầu tư vào Việt Nam do các yếu tố này dao động xung quanh mức 60% vào năm 2020.
Các con số này phù hợp với nhận định trước đó của Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM) rằng cơ sở hạ tầng và hệ thống quy định là hai lĩnh vực Việt Nam cần cải thiện hơn nữa để thu hút các nhà đầu tư mới. KORCHAM cho rằng Việt Nam cần tiếp tục cải thiện đơn giản hoá các thủ tục về điều kiện kinh doanh, tránh tình trạng cán bộ thi hành trực tiếp gây nhũng nhiễu cho DN.
Có nhận định tương tự, Phòng Thương mại và Công nghiệp của Việt Nam (EuroCham) ghi nhận các doanh nghiệp châu Âu kết thúc năm 2020 với góc nhìn lạc quan về môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam.
Khảo sát Môi trường kinh doanh (BCI) của EuroCham với các doanh nghiệp thành viên cho thấy khi được hỏi về triển vọng kinh tế Việt Nam. Trong quý 1/2021, 57% thành viên dự đoán sự "ổn định và cải thiện" sẽ được duy trì.
Có 1/3 thành viên EuroCham dự đoán số lượng nhân viên của họ sẽ tăng lên trong quý tiếp theo, 57% dự đoán sẽ duy trì mức tương tự. Gần 1/3 DN châu Âu tham gia khảo sát dự đoán đầu tư sẽ phát triển và 43% dự đoán có tăng trưởng về đơn đặt hàng và doanh thu.
EuroCham cũng hỏi các thành viên nhận thức của doanh nghiệp về tác động của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) hiện đã đi vào hiệu lực, đối với hoạt động kinh doanh.
Kết quả là có 70% cho biết “đã được hưởng lợi từ EVFTA kể từ khi hiệp định có hiệu lực từ ngày 1/8/2020". Điểm cần lưu ý là 33% cũng cho rằng "thủ tục hành chính sẽ là thách thức chính để các doanh nghiệp tối ưu EVFTA".
Những hạn chế cần khắc phục
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, báo cáo PCI 2020 cũng chỉ ra một số vấn đề mà các DN còn quan ngại. Đó là hệ thống thủ tục, quy định, cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ công nếu so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Indonesia và Malaysia.
Chỉ có 32% doanh nghiệp FDI cho rằng hệ thống thủ tục, quy định hoặc cơ sở hạ tầng của Việt Nam trong khi khoảng 42% doanh nghiệp FDI nhận định chất lượng cung cấp dịch vụ công ở Việt Nam tốt hơn các nước kể trên trong khu vực.
DN FDI đánh giá gánh nặng thanh kiểm tra phân loại theo cơ quan. |
Dưới 50% doanh nghiệp FDI đánh giá tích cực 4 yếu tố: Kiểm soát tham nhũng; chất lượng cung cấp dịch vụ công; hệ thống thủ tục, quy định; và cơ sở hạ tầng của môi trường kinh doanh Việt Nam. Trong đó, hai yếu tố đầu được đánh giá là có sự cải thiện đáng khích lệ.
Có gần 40% doanh nghiệp FDI coi chống tham nhũng là một trong những điểm mạnh của Việt Nam trong năm 2020, tăng từ mức xấp xỉ 30% năm 2014. Đánh giá của doanh nghiệp FDI về lĩnh vực chất lượng cung cấp dịch vụ công đã cải thiện đáng kể, tăng từ mức báo động 29% năm 2014 lên gần 46% năm 2020. Mặt khác, hai lĩnh vực hệ thống thủ tục, quy định và cơ sở hạ tầng chưa có sự cải thiện đáng kể trong các năm gần đây.
Ông Daniel J. Kritenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ảnh:VGP/HT. |
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, đại diện nhóm khảo sát PCI cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp FDI kỳ vọng Việt Nam đẩy mạnh đơn giản hóa quy trình thành lập doanh nghiệp, số hóa và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Cần thực hiện hiệu quả các cải cách nhằm hoàn thiện các khâu, các bước còn nhiều bất cập trong các thủ tục hành chính về thuế và bảo hiểm xã hội, từ đó nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh quốc gia và lợi thế so sánh với các nước trong khu vực.
Nhìn chung, các nhà đầu tư từ nước ngoài cũng đặt kỳ vọng, Việt Nam tiếp tục kiểm soát tham nhũng, cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công, hoàn thiện thủ tục, nâng cấp mạnh mẽ chất lượng cơ sở hạ tầng.
Ông Daniel J. Kritenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, giá trị và sản phẩm quan trọng nhất của PCI không phải là bảng xếp hạng thứ bậc của các địa phương mà chính là những bài học kinh nghiệm, những mô hình và công nghệ cải cách được lan tỏa và chia sẻ. Chỉ số PCI 16 năm qua có vai trò quan trọng thúc đẩy tính minh bạch, trách nhiệm giải trình trong công tác điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, qua đó thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.
“Những năm qua, các loại phí không chính thức tiếp tục giảm. Đây là kết quả to lớn đạt được từ cuộc chiến chống tham nhũng. Đồng thời, Việt Nam đã đạt được những thành tích tích cực nhờ cải thiện về thủ tục hành chính, điển hình như thủ tục về hải quan. Ngoài ra, thành công trong công cuộc chống dịch COVID-19 đã gia tăng lòng tin và tác động tích cực đến các doanh nghiệp”, Đại sứ Hoa Kỳ nhận định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo