Việt Nam xuất siêu hơn 8 tỷ USD trong 5 tháng
Doanh nghiệp Việt thúc đẩy ứng dụng lập trình không cần viết 'code' / Bán dép Crocs giả bị phạt 27,5 triệu đồng
Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, trong tháng 5/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 66,62 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 305,53 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo thống kê, có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,0% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,3%).
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 305,53 tỷ USD
Theo chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 148,76 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong 5 tháng đầu năm 2024, có 27 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 84,5% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 4 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 47,0%).
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2024, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 44,0 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 54,9 tỷ USD.
Tổng cục Thống kê cho biết, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ tháng 5/2024 ước tính nhập siêu 1,0 tỷ USD. Tính chung năm tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,01 tỷ USD
Giá thịt lợn, giá điện kéo CPI tăng 4,44% so với cùng kỳ
Cũng theo Tổng cục Thống kê, giá thịt lợn tăng do thiếu hụt nguồn cung sau đợt dịch tả lợn châu Phi vào cuối năm 2023, giá điện sinh hoạt tăng khi thời tiết nắng nóng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2024 tăng 0,05% so với tháng trước. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, CPI tháng 5 tăng 4,44%.
Tổng cục Thống kê cho biết trong mức tăng 0,05% của CPI tháng 5/2024 so với tháng trước, thì trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 7 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 3 nhóm hàng giảm giá và 1 nhóm hàng ổn định giá. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,38% (Giá nhóm rau tươi, khô và chế biến tăng 2,19%; giá thịt lợn tăng 1,94%; giá chè, cà phê, ca cao tăng 0,38%…)
Ngoài ra, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,38% chủ yếu do giá điện sinh hoạt tăng 2,11%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,28%; giá thuê nhà tăng 0,23%…
Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,31%, trong đó giá dịch vụ du lịch trọn gói tăng 1,12%; nhà khách, khách sạn tăng 0,28% do trong tháng có kỳ nghỉ Lễ 30/4-1/5 kéo dài nên nhu cầu đi du lịch của người dân tăng cao…
Giá thịt lợn, giá điện sinh hoạt tăng khi thời tiết nắng nóng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 4,44% so với cùng kỳ năm ngoái
Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,78%. Tổng cục Thống kê cũng cho biết, các yếu tố làm tăng CPI trong 5 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước; đó là: chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,7% do trong năm học 2023-2024 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng mức học phí, làm CPI chung tăng 0,54 điểm phần trăm.
Tiếp đến, chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,87%, tác động làm CPI chung tăng 0,37 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh từ ngày 17/11/2023. Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,49%, làm CPI chung tăng 1,03 điểm phần trăm, do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao.
Mỗi tháng có gần 20.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động
Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết, tính chung năm tháng đầu năm 2024, cả nước có 64.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023). Bên cạnh đó là, 34.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023).
Như vậy, trong 5 tháng đầu năm 2024, có hơn 98.800 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, bình quân một tháng có 19.800 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Trong chiều ngược lại, trong 5 tháng đầu năm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 97.300 doanh nghiệp, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Tại đây có 66.100 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 23.300 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; gần 8.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Tính chung, bình quân một tháng có 19.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
End of content
Không có tin nào tiếp theo