Thị trường

Vĩnh Phúc: Điểm tựa dạy nghề từ HTX tiểu thủ công nghiệp

Nhờ phát huy tốt nội lực, các chính sách hỗ trợ, các HTX tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang liên tục gặt hái thành công, góp phần quan trọng trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông thôn.

Số liệu thống kê từ Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, toàn tỉnh hiện có 31 HTX tiểu thủ công nghiệp (TTCN) hiệu quả, mang đến một “làn gió mới” trong phát triển kinh tế địa phương. Các HTX hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, may mặc, cơ khí, sửa chữa ô tô, mây tre đan...

Giải quyết việc làm

Hoạt động hiệu quả, các HTX TTCN tỉnh Vĩnh Phúc đang là điểm tựa phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho gần 250 thành viên, đồng thời, tạo việc làm ổn định cho hơn 300 lao động thường xuyên, mức lương bình quân 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Điển hình, HTX TTCN Việt Trung (xã Tiền Châu, thị xã Phúc Yên), được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2008. HTX hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh đồ mộc gia dụng, chế biến nông sản, lâm sản và gia công lắp đặt các sản phẩm thép inox, trang trí nội thất.

Dù xuất phát điểm với nhiều khó khăn, nhưng sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, đến nay, HTX đã có hệ thống nhà xưởng tương đối hiện đại, với tổng diện tích gần 6.000m2. Doanh thu, lợi nhuận của HTX liên tục tăng, đời sống của người lao động được bảo đảm.

Kể từ năm 2017, doanh thu của HTX Việt Trung luôn đạt 6 - 8 tỷ đồng. Hiện, HTX đang giải quyết việc làm cho 25 lao động thường xuyên, với mức lương trung bình 6 triệu đồng/ người/tháng, cùng hàng chục lao động thời vụ trong đợt cao điểm.

Tương tự, HTX Cơ khí Hải Dương (xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường) cũng đang gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực chế tạo dụng cụ cầm tay phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Minh Tú - Giám đốc HTX, chia sẻ: “Năm 2012, HTX được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc hỗ trợ 40 triệu đồng để triển khai thực hiện đề án đầu tư mua sắm máy móc thiết bị (máy đột dập), đáp ứng nhu cầu sản xuất”.

Nguồn vốn hỗ trợ được HTX phát huy tối đa hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng sản xuất kinh doanh, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm cho HTX. Hiện tại, HTX đang giải quyết việc làm cho 8 lao động chính thức, với mức lương bình quân 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Các HTX TTCN đang là điểm tựa dạy nghề cho lao động nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc

Không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động, các HTX TTCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn góp phần quan trọng trong công tác đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho lao động nông thôn tại địa phương.

Chú trọng nhân lực

Đơn cử, tại HTX Cơ khí Hải Dương, không chỉ tạo việc làm cho thành viên, HTX còn tích cực trong công tác truyền nghề, dạy nghề cho lao động trong và ngoài địa phương, hỗ trợ các lao động có tay nghề cao có thể tự mở xưởng sản xuất, kinh doanh tại nhà.

“Kể từ năm 2012 đến nay, HTX đã chú trọng đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm nâng cao nội lực sản xuất của HTX. Các lao động sau khi học nghề, tự mở xưởng, sẽ quay lại liên kết với HTX, hình thành chuỗi liên kết, nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường cho sản phẩm…”, Giám đốc HTX Hải Dương - ông Nguyễn Minh Tú, nhấn mạnh.

Những năm qua, công tác dạy nghề nông thôn nói chung và công tác dạy nghề trong HTX cũng đang được các ban ngành tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm.

Trong năm 2019, Vĩnh Phúc tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp cho 976 lao động và đào tạo dưới 3 tháng cho 170 lao động, trong đó có nghề nông nghiệp với 570 lao động, nghề phi nông nghiệp 576 lao động. Mục tiêu có 80% số lao động sau đào tạo có việc làm, thu nhập ổn định.

Tỉnh cũng đang tích cực phối hợp giữa cơ quan chức năng, doanh nghiệp, HTX nhằm mở các lợp dạy nghề theo nhu cầu ngay tại các địa phương, góp phần nâng cao trình độ, tăng thu nhập cho người dân.

Bên cạnh việc đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh Vĩnh Phúc còn đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động đi làm việc tại nước ngoài.

Năm 2018, tỉnh Vĩnh Phúc có khoảng 2.000 lao động xuất khẩu làm việc tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, với các lĩnh vực chính như cơ khí, chế biến thực phẩm, điện tử; may mặc, nông nghiệp…

Theo Sáu Ngạn/Thời báo Kinh doanh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo