Thị trường

Xuất khẩu cá tra bao giờ thoát tăng trưởng âm?

Khi mà các thị trường đến nay vẫn còn bị ảnh hưởng của Covid-19 thì tăng trưởng âm của xuất khẩu cá tra là khó tránh khỏi. Nhưng ít ra các doanh nghiệp trong ngành hàng cá tra cũng cần soi lại điểm yếu của mình nhằm phục hồi tốt hơn.

Độc đáo thú chơi tép cảnh bạc triệu ở Đà Lạt / 10 lưu ý quan trọng khi mua quạt tích điện chống nóng mùa hè

Đánh giá từ chuyên viên phân tích thuỷ sản cho thấy giá trị xuất khẩu (XK) cá tra của CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) -một trong những doanh nghiệp (DN) XK cá tra dẫn đầu của Việt Nam,đang có những dấu hiệu tích cực sau các tác động của dịch Covid-19.

Quý II còn nhiều khó khăn

Như với thị trường EU, XK cá tra của VHC trong 4 tháng đầu năm nay tăng mạnh 26% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 414 tỷ đồng. Hoặc như với Trung Quốc sau khi mở cửa lại thị trường đã giúp giá trị XK của VHC sang thị trường này hồi tháng 4 tăng 8% so với tháng 3, đạt 43 tỷ đồng.

XK cá tra trong quý II được dự báo khó thoát khỏi mức tăng trưởng âm.

XK cá tra trong quý II được dự báo khó thoát khỏi mức tăng trưởng âm.

Đây được cho là những tín hiệu tích cực khi các thị trường khác của VHC cũng được hy vọng sẽ sớm mở cửa trở lại, dù giá trị XK trong 4 tháng đầu năm sang thị trường Trung Quốc vẫn giảm 48% so cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, ở một DN XK cá tra khác là Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL), ở đại hội cổ đông thường niên năm 2020 vừa tổ chức có cho biết năm nay đặt kế hoạch doanh thu thuần giảm 5% còn 1.350 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 75 tỷ đồng, giảm 53% so với năm 2019.

Theo báo cáo quý I/2020, ACL ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ còn 1 tỷ đồng, giảm đến 98% so với cùng kỳ do ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 khiến sản lượng XK cá tra sang các thị trường giảm sâu.

Trước những khó khăn thị trường quốc tế do ảnh hưởng bởi Covid-19 từ đầu năm đến nay khiến lợi nhuận lao dốc, đa phần các DN XK cá tra hàng đầu đều đặt ra mục tiêu lợi nhuận trong năm nay sụt giảm 40% - 60% so với năm ngoái.

 

Nhận định mới đây từ chuyên viên phân tích của Hiệp hội Chế biến và XK thuỷ sản Việt Nam (Vasep) rất đáng chú ý khi cho rằng với tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp tại các thị trường XK lớn như Mỹ, EU, Brazil…, XK cá tra của Việt Nam trong quý II/2020 khó có thể thoát khỏi mức tăng trưởng âm.

“Nếu quý III, tình hình dịch bệnh tại các nước đang là tâm dịch nằm trong tầm kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh mở cửa trở lại thì XK cá tra mới có cơ hội phục hồi trở lại”, chuyên viên của Vasep dự báo.

Quan sát ở thị trường chủ lực cho ngành hàng cá tra, đơn cử như Trung Quốc (chiếm 22,5% tổng giá trị XK cá tra), sau khi mở cửa lại hoạt động sản xuất hậu Covid-19, người dân nước này vẫn còn tâm lý lo sợ khi ăn bên ngoài hoặc nhiều nhà hàng còn đóng cửa sau đại dịch, sức tiêu thụ tại kênh này chậm do người mua chủ yếu qua hệ thống trực tuyến hoặc siêu thị. Một số khách hàng Trung Quốc cũng đề nghị giảm giá mua.

Chờ năng lực phục hồi

Ngoài Trung Quốc, các DN XK cá tra vẫn đang thấp thỏm khi các thị trường khác vẫn còn bị ảnh hưởng của Covid-19. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng ít nhất hết quý II/2020, tổng giá trị XK cá tra tại hầu hết các thị trường lớn đều chưa thể vượt lên mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước.

 

Dự báo thời gian tới, VHC cho rằng hoạt động XK sang Trung Quốc sẽ phục hồi hoàn toàn vào tháng 6/2020, trong khi hoạt động XK sang Mỹ sẽ giảm trong quý II/2020, sau đó phục hồi trong 6 tháng cuối năm.

Không chỉ với các DN XK cá tra, thông tin về tình trạng chung của các DN hiện nay trong vấn đề đơn hàng và XK thuỷ sản, ông Trương Đình Hoè, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vasep, cho biết các đơn hàng vẫn được giao theo hợp đồng đã ký chỉ chiếm khoảng 50%. Tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn và tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu dừng hoặc hủy khá cao trong đợt dịch, lần lượt 20-40% và 20-30%.

Đối với các đơn hàng cho quý II và quý III/2020 thì việc ký các đơn hàng mới cũng khó khăn, đặc biệt tại các nhóm thị trường chính như Mỹ, Nhật, EU. Thị trường Trung Quốc hồi phục sớm hơn và đang có các chuyển biến tích cực.

Không ít DN vừa và nhỏ gần như không có các đơn hàng mới trong quý II và quý III/2020, một số DN có được đơn hàng mới nhưng với sản lượng không nhiều.

Chưa kể, theo ông Hoè, nhiều khách hàng nước ngoài yêu cầu lùi thời gian thanh toán tới vài tháng, thậm chí yêu cầu phải giảm giá sâu các lô hàng đã nhận trước đó. Điều này khiến các DN không xoay vòng được vốn để thanh toán các khoản vay với ngân hàng và nhiều chi phí phải trả khác (lương, nguyên liệu - vật tư đầu vào, thuế - phí…).

 

Có thể thấy, để XK cá tra thoát tăng trưởng âm là bài toán không đơn giản. Bản thân các DN ngành hàng này muốn xoay chuyển cũng không dễ dàng dù cho họ đang cố gắng đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao với các sản phẩm từ cá tra nhằm đem lại biên lợi nhuận 40-60%, so với trung bình 10% các sản phẩm truyền thống. Tuy vậy, với ngành cá tra thì sản phẩm chế biến đơn giản, đông lạnh phi lê vẫn chiếm hơn 90% tỷ trọng.

Khi mà XK cá tra vẫn còn ảnh hưởng bởi Covid-19, muốn thoát tăng trưởng âm thì không chỉ trông chờ thời điểm dứt dịch mà còn cần khắc phục các điểm yếu cố hữu của các DN XK cá tra trong việc phát triển sản phẩm có giá trị tăng cao, xây dựng thương hiệu và làm thị trường, cũng như có sự hỗ trợ về nguồn vốn để có năng lực phục hồi tốt hơn trong thời gian tới.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm