Xuất khẩu nông sản: Không nâng cao chất lượng, khó tìm thị trường
Thủ tướng ký quyết định sửa đổi mức hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại / Giá dầu tăng trước triển vọng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung
Xoài Việt Nam đã có mặt ở thị trường khó tính như Mỹ
Theo các chuyên gia: Việt Nam chủ động, tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã giúp hàng nông lâm thủy sản Việt Nam cơ bản không còn gặp trở ngại đối với các rào cản thuế quan.
Tuy nhiên, nông sản Việt sẽ khó tiếp cận thị trường thế giới, nếu không chủ động nâng cao chất lượng, vì thị trường nhập khẩu siết chặt yêu cầu về chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch... đó là thách thức rất lớn cho hoạt động sản xuất hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận xét rằn, ngành nông nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ, phân tán nên chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Trong khi đó, những thách thức, nguy cơ từ tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước và tình hình cung cầu nông sản.
Theo ông Tô Ngọc Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công thương cho biết, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông, thủy sản quan trọng hàng đầu của Việt Nam, hiện Trung Quốc cũng tăng cường thực hiện nghiêm các quy định đã có về truy xuất nguồn gốc, đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu, bao bì sản phẩm.
Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước ASEAN đã và đang tăng cường áp dụng các quy định ngày càng khắt khe về kiểm dịch động thực vật nhập khẩu. Nhiều thị trường áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm có yêu cầu rất cao với các tiêu chuẩn hầu như tương đương, thậm chí cao hơn cả những tiêu chuẩn quốc tế thông thường.
Như vậy, đòi hỏi nông nghiệp Việt Nam phải thay đổi nhanh chóng từ phương thức sản xuất, thói quen giao dịch đến cách tiếp cận thị trường đã hình thành từ lâu nay.
Ông Tô Ngọc Sơn cho rằng, quan trọng là cần xác định rõ mặt hàng ưu tiên, thị trường ưu tiên và căn cứ trên năng lực sản xuất, xuất khẩu thực tế. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động nghiên cứu thị trường, thay đổi tư duy tiếp cận thị trường, thay đổi phương thức giao dịch từ tiểu ngạch sang thương mại chính quy, đặc biệt là đối với thị trường Trung Quốc.
Để có thể tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, ông Nguyễn Mạnh HùngChủ tịch Công ty cổ phần Nafoods Group kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương nghiên cứu chính sách để doanh nghiệp có thể tổ chức sản xuất trên quy mô lớn.
Phát triển nông nghiệp sản xuất lớn cho phép thực hiện mô hình chuỗi giá trị nông sản dưới sự liên kết mạnh mẽ giữa nông dân với doanh nghiệp. Khi sản xuất có quy mô đủ lớn doanh nghiêp mới có đủ điều kiện tăng cường đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất để tăng năng suất, giảm giá thành và tạo ra những sản phẩm tốt.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2019, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 43 tỷ USD, ngành sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển cơ cấu sản xuất theo 3 trục sản phẩm chủ lực: nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, nhóm sản phẩm đặc sản địa phương theo mô hình “mỗi xã phường một sản phẩm”.
Các sản phẩm chủ lực cần xây dựng các chuỗi giá trị để mở cửa và phát triển thị trường cho phù hợp, ưu tiên sản xuất tốt các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu như lâm sản, thủy sản, gạo và trái cây.
"Chúng ta phải chuyển từ sản xuất cho mình thành sản xuất hàng hóa cho xuất khẩu. Câu chuyện không còn là sản xuất để ăn mà là sản xuất để bán. Do đó, cần có sự vào cuộc đồng bộ, cùng đồng hành quyết liệt ở cả 3 trục: Chính phủ, các bộ ngành; doanh nghiệp và người dân.
Chính phủ hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, nông dân. Hàng triệu hộ nông dân liên kết được với hàng nghìn hợp tác xã, doanh nghiệp. Như vậy, chúng ta mới hình thành được sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến với thị trường"- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo