Xuất khẩu thực phẩm không ngại 'phá vỡ' các rào cản
FTA - Đòn bẩy cho xuất khẩu gạo / Xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản tăng mạnh trong quý I/2021
Đáp ứng trước những thay đổi
Trước quy định mới của EU thay đổi cách tiếp cận kiểm soát thực phẩm hỗn hợp nhập khẩu từ bên ngoài vào EU có hiệu lực từ hôm 21/4 mang tính “siết chặt” hơn, một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) nông sản thực phẩm cho rằng điều đó sẽ tạo rào cản bất lợi hơn cho họ.
Các nhà sản xuất thực phẩm Việt cần đáp ứng tốt trước những thay đổi về quy định ở một số thị trường XK khó tính. |
Ở góc độ của một DN mỗi năm XK 1.000 đến 5.000 tấn thuỷ sản sang thị trường EU (chiếm hơn 50% tổng kim ngạch XK của công ty trên thị trường quốc tế), ông Mai Minh Vương, Phó tổng giám đốc của CTCP kinh doanh thuỷ hải sản Sài Gòn, cho biết quy định mới nêu trên của EU buộc các nhà XK phải truy xuất được nguồn gốc và phải quản lý được vấn đề an toàn.
“Chỉ có như vậy thì chúng ta mới đủ điều kiện để XK vào thị trường của họ”, ông Vương nhấn mạnh.
Còn với CTCP Ba Huân đang xây dựng chiến lược và chuẩn bị thủ tục để XK các sản phẩm trứng gia cầm ra thị trường quốc tế (trong đó có EU), bà Phạm Thị Huân, giám đốc công ty, cho rằng sự thay đổi trong quy định kiểm soát thực phẩm hỗn hợp nhập khẩu từ bên ngoài vào EU là cơ hội để nâng tầm chất lượng hàng Việt, nhất là cải thiện về môi trường sản xuất.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, nếu các DN nông sản thực phẩm Việt đáp ứng được những thay đổi quy định từ phía EU thì sẽ không ngại bất cứ thị trường nào. Và đây cũng chính là thời điểm để các nhà sản xuất thực phẩm XK cần liên kết “phá vỡ” những rào cản mang tầm quốc tế để đón đầu cơ hội.
Cụ thể, thứ nhất là các DN cần kiểm định lại toàn bộ hệ thống sản xuất của mình, từ đầu vào cho tới đầu giữa và đầu ra. Thứ hai là DN phải có cam kết về mặt trách nhiệm nếu như có sai phạm hay vấn đề ảnh hưởng đến sức khoẻ. Thứ ba là DN phải cải tiến đồng bộ từ nhận thức cho tới công nghệ máy móc thiết bị.
Trong vấn đề về hoạt động sản xuất và XK đối với ngành thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản của Việt Nam, các chuyên gia EU có khuyến cáo để tiếp tục cải thiện chất lượng và giải quyết vấn đề về an toàn thực phẩm thì các DN Việt cần đẩy mạnh giải pháp truy xuất nguồn gốc. Nhất là cần rà soát các quy định hiện nay và tạo ra một chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản và thực phẩm giá trị cao.
Về điều này, theo Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), bao gồm hoạt động xây dựng các cơ hội tiếp cận thị trường mới, giảm thiểu kháng sinh (KKS) và sự phụ thuộc của ngành vào nguyên liệu nhập khẩu.
Hồi năm rồi, trong sách trắng về các vấn đề thương mại, đầu tư và khuyến nghị, EuroCham từng cho rằng việc tiếp cận được một số thị trường “khó tính” như Nhật Bản và Australia cho thấy Việt Nam có thể tuân thủ các yêu cầu cao về an toàn thực phẩm.
Quyết chinh phục các tiêu chuẩn cao
Theo quan điểm của EuroCham, Chính phủ cần dựa vào những thành công này để giải thích cho người nông dân và nhà sản xuất hiểu rõ các lợi ích của việc cải tiến tiêu chuẩn do điều này sẽ tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam và tạo điều kiện tiếp cận thêm nhiều thị trường, đặc biệt là EU.
Có thể nói, để tránh bị động trước những thay đổi quy định ở quốc gia nhập khẩu (như trường hợp về kiểm soát thực phẩm ở thị trường EU) đòi hỏi các DN Việt cần “chinh phục” các tiêu chuẩn cao trên thị trường, nhất là với những DN vừa và nhỏ hoặc những DN còn “chân ướt chân ráo” khi tham gia XK.
Như trường hợp Công ty TNHH Vườn Nhà Mình ở huyện Tân Trụ, tỉnh Long An vốn dĩ là một DN vừa và nhỏ, trước đây từng vấp phải nhiều trở ngại khi XK các sản phẩm trà, bánh chùm ngây bởi một lý do hết sức cơ bản là chưa xây xây dựng được tiêu chuẩn trong sản xuất, đa số phải gia công tại các DN có chuyên môn.
Ngoài vốn và kỹ thuật thì rào cản lớn nhất mà DN này từng gặp phải là không có tiêu chuẩn khi chào hàng, bán hàng cho các nhà phân phối quốc tế. Sau khi va chạm thực tế, Giám đốc công ty là anh Phạm Ngọc Anh Tuấn đã quyết định “chinh phục” tiêu chuẩn, nhất là việc áp dụng HACCP trong việc thiết lập hệ thống quản lý an toàn thực phẩm.
Anh Tuấn cho biết để áp dụng HACCP thì công ty phải cải tiến rất nhiều từ điều kiện nhà xưởng cho đến những thiết bị, các yêu cầu về vệ sinh, công nhân…, kể cả các yêu cầu về test (kiểm tra) mẫu định kỳ.
Nếu như trước đây máy móc ở công ty này còn sắp xếp lung tung, nhưng sau khi đi vào cải thiện thì việc tổ chức sắp xếp nhà xưởng đã đi vào quy củ. Thực ra, trong việc áp dụng các tiêu chuẩn cao trong sản xuất, như chia sẻ của anh Tuấn, cũng đòi hỏi DN cần có nguồn tài chính, nhân lực và phải hoàn thiện dần dần.
Giới chuyên gia cho rằng việc đầu tư về các tiêu chuẩn cao (cơ bản nhất như HACCP) để ra “chợ” thế giới của các DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông sản thực phẩm là cực kỳ cấp thiết trong lúc này.
Có như vậy thì việc phát triển thị trường XK sẽ thuận lợi hơn, nhất là ở những thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc…và không lo ngại quá nhiều về những thay đổi quy định về kiểm soát hàng nhập khẩu thực phẩm ở các quốc gia này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo