Thị trường

Làm giàu nhờ rắn độc

Từ việc săn bắt tự nhiên, người dân Vĩnh Sơn (Vĩnh Phúc) và Lệ Mật (Hà Nội) đã dần trở nên giàu có khi chuyển sang nuôi, chế biến món ăn từ rắn độc.

Trước đây, khi đất đai còn rậm rạp, người dân Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) thường hay bắt rắn về làm thịt. Nhưng nay, rắn dần dần được nuôi theo quy mô hộ gia đình.

Hiện làng nghề rắn Vĩnh Sơn có đến 800 hộ nuôi rắn, chủ yếu là rắn hổ mang. Mỗi năm, sản lượng rắn thương phẩm ước đạt 100 tấn. Số trứng rắn cũng lên tới 400.000 quả.

Rắn được nuôi trong các chuồng nhỏ, dài khoảng 60 cm, rộng 30 cm. Chúng khá dễ nuôi, cứ 2-3 ngày mới cho ăn một lần. Thức ăn chủ yếu là cóc, nhái, gà con, vịt con với khối lượng bằng 30% khối lượng của con rắn.

Tuy nhiên, nếu rắn không ăn trong 3-5 ngày liên tục, người nuôi sẽ phải bơm trực tiếp thức ăn vào miệng rắn. Qua một năm nuôi, những con rắn vài lạng sẽ tăng lên 2-3 kg, đủ tiêu chuẩn làm rắn thương phẩm.

Trước đây, trứng rắn là mặt hàng chủ lực của làng nghề rắn Vĩnh Sơn. Giá một quả trứng rắn có lúc lên tới 150.000 đồng. Nhưng nay đã giảm xuống khoảng 80.000-90.000 đồng.

Những quả trứng rắn có tia khi soi dưới ánh đèn mới có khả năng nở thành rắn con. Vỏ trứng rắn rất mềm nên người mua phải cầm cẩn thận nếu không muốn làm thủng.

Rắn thương phẩm được người dân bán cho thương lái Trung Quốc hoặc các nhà hàng trong nước, tiêu biểu nhất là làng Lệ Mật (Long Biên, Hà Nội). 

Chị Phạm Thị Vân, chủ nhà hàng Trọng Khách cho biết trước đây làng nuôi rắn khá nhiều nhưng lợi nhuận không cao. Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, các nhà hàng bắt đầu mọc lên, giá trị sản phẩm cũng được nâng lên. Hiện Lệ Mật có hàng chục nhà hàng lớn, quy mô từ 200-1000 khách.

Rắn được mua từ Vĩnh Sơn và một số nơi khác được nhà hàng nuôi tạm trong các chuồng, nếu có khách thì sẽ đem làm thịt tại chỗ. Bên cạnh đó, nhà hàng vẫn hay nuôi rắn với quy mô nhỏ để chủ động nguồn cung.

Rắn sau khi cắt tiết sẽ được bỏ vào máy vặt lông gà để đánh cho hết vảy.

Đầu bếp cứa một đường chính giữa bụng rắn để lấy ruột ra. Hầu như các bộ phận đều được tận dụng.

Phần đuôi rắn được chặt khúc làm món rắn xào lăn. Phần giữa thân có thể làm món rắn nướng. Lòng rắn có thể đem xào. Sườn rắn đem chiên giòn. Thịt rắn dùng để băm viên, nấu cháo hay làm nem.

Một con rắn khoảng 2 kg có thể làm được 10 món khác nhau cho 6 người ăn. Giá một kg thịt rắn dao động từ 700.000 đồng đến 1,5 triệu đồng tuỳ loại.

Nên đọc
Theo Zing
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo