Lãnh đạo NM lọc dầu Dung Quất nói về "giá xăng VN đắt hơn Mỹ"
Mỗi năm Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cung ứng ra thị trường hơn 5 triệu tấn xăng dầu, nguồn cung này tác động tới giá xăng dầu bán lẻ trong nước ra sao khi giá xăng VN đang bị cho là đắt hơn ở Mỹ?
“Không thể hô biến là xăng ở Mỹ về Việt Nam ngay được”
20h ngày 7/7 vừa qua, giá xăng bán lẻ trong nước tăng thêm 410 đồng/lít tại vùng 1 và 420 đồng/lít tại vùng 2. Đây là lần thứ 5 kể từ đầu năm 2014 và lần thứ 2 trong vòng 15 ngày qua giá xăng bán lẻ trong nước tăng mạnh. Tổng cộng từ đầu năm 2014 đến nay giá xăng đã đắt thêm 1.430 đồng/lít.
Đánh giá tác động đợt điều chỉnh xăng lần này, có chuyên gia đã phải thốt lên, “tăng giá như vậy là bóp nghẹt dân”. Theo vị này, liên Bộ Tài chính – Công thương đã rất “khôn khéo” khi chọn cách tăng giá ít một, nhưng tổng chung các lần tăng thì lại là con số lớn.
Theo một tính toán, tổng cộng các khoản thuế phí áp cho mỗi lít xăng tại Việt Nam cao gấp 3 lần so với Mỹ. Cụ thể, mỗi lít xăng tại Mỹ phải chịu các khoản thuế, phí như: thuế bang, thuế doanh thu, thuế địa phương, phí môi trường... tổng cộng là 12%.
Chính vì “gánh” quá nhiều thuế, phí đã khiến giá xăng bán lẻ ở Việt Nam cao hơn cả giá xăng bán lẻ tại Mỹ - quốc gia cho nền kinh tế phát triển và thu nhập bình quân đầu người gấp 31,7 lần Việt Nam, khoảng 4.400 đồng/lít.
Trong lần tăng giá ngày 7/7, khá nhiều câu hỏi đổ dồn về phía Bộ Tài chính, rằng vì sao cơ quan này không sử dụng biện pháp giảm thuế để “bù” sự chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ. Bởi, theo phụ biểu chi phí giá thành xăng được Bộ Tài chính công bố, thì mỗi lít xăng “cõng” 8.244 đồng tiền thuế, phí (tương đương 35% giá bán lẻ). Trong đó, thuế nhập khẩu chiếm 18%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng 10%.
Câu hỏi “vì sao giá xăng trong nước cao hơn cả giá xăng bán lẻ tại Mỹ” đã được đặt ra với lãnh đạo ngành công thương. Thứ trưởng Bộ Công thương ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, giá xăng dầu nếu tính phải tính tại một thời điểm, đem so giá thời điểm này với thời điểm khác sẽ không chính xác. Thêm nữa, giá xăng dầu ở Việt Nam đang được điều hành theo đúng Nghị định 84 với biên độ thời gian tính giá cơ sở bình quân là 30 ngày.
“Giá xăng dầu trong nước ngày hôm nay không thể so sánh với giá hôm nay ở nước khác được. Hôm nay xăng ở Mỹ không thể hô biến về Việt Nam ngay được, vì phải mất thời gian vận chuyển 15 ngày xăng dầu mới về tới Việt Nam” – Thứ trưởng Hải nói. Nhưng ông cũng cho rằng, tới đây theo nội dung dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu mới thì thời gian tính giá cơ sở được rút ngắn chỉ còn 15 ngày. Sự thay đổi này sẽ khiến giá xăng trong nước gần hơn với giá thế giới” – Thứ trưởng Hải nói.
So sánh giá xăng trong nước và Mỹ, ông Đặng Vinh Sang – Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) cũng cho là “khó có cơ sở chính xác”. Lý do được ông Sang đưa ra, là do xăng dầu bán lẻ trong nước được tính dựa trên giá cơ sở bình quân 30 ngày, trong khi tại Mỹ giá xăng bán lẻ điều chỉnh tăng – giảm hàng ngày. Cũng do cách tính giá bình quân 30 ngày này nên có thời điểm giá xăng dầu ở Việt Nam lại thấp hơn cả Mỹ.
Vấn đề nằm ở độ trễ tính giá cơ sở bình quân 30 ngày” – ông Sang nói.
Có xăng nội địa, sao giá xăng vẫn đắt?
Dù mỗi năm nhà máy Lọc dầu Dung Quất cho ra đời trên 5 triệu tấn xăng dầu cung ứng cho thị trường nội địa, nhưng vì sao giá xăng dầu trong nước vẫn cứ “nhảy múa” liên tục?
Ông Nguyễn Hoài Giang – Chủ tịch HĐQT Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất) cho biết, hiện sản lượng xăng dầu mà Dung Quất cung ứng ra thị trường chỉ chiếm 25-27% tổng sản lượng tiêu dùng xăng dầu trong nước. Gần 75% còn lại các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối vẫn phải điều tiết từ nguồn nhập khẩu. Do đó, dù trong nước có thêm nguồn cung từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thì do tỷ lệ nhỏ nên cũng không thể tác động vào giá xăng dầu bán lẻ.
“Xăng dầu Dung Quất chỉ chiếm 1/4 tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu của cả nước thì không thể làm cho giá cao lên hay xuống thấp được”- ông Giang chia sẻ.
Vì xăng nội chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ nên không thể "chen chân" điều tiết giá mặt hàng xăng dầu, hay còn vì một nguyên do nào khác khiến giá xăng trong nước luôn đắt đỏ. Và người dân thì luôn tỏ thái độ "ngán ngẩm" và cảm thấy bị móc túi mỗi khi nghe tin giá xăng tăng?
Thực tế, dù được hứa là điều hành minh bạch, công khai, song cho đến lúc này việc điều hành giá xăng dầu vẫn chỉ là câu chuyện riêng giữa các Bộ và doanh nghiệp. Các diễn biến đang diễn ra trên thị trường xăng dầu cũng khiến dư luận liên tưởng tới việc, chính sách điều hành xăng dầu đang đi theo hướng đỡ gánh nặng cho các doanh nghiệp trước khi tính tới lợi ích người tiêu dùng.
Một chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu đã phải thốt lên, giá xăng chỉ tăng mà không giảm doanh nghiệp hãy thử xem đã tiết kiệm được chi phí, đã thực lòng muốn chia sẻ với người tiêu dùng hay chưa? Điều hành xăng dầu theo cơ chế giá thị trường nhưng vẫn tồn tại doanh nghiệp độc quyền, chi phối thị trường thì việc tăng giá là đương nhiên, phần thiệt thòi luôn là người dân gánh chịu.
Theo Infonet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Cột tin quảng cáo