Lấy phiếu tín nhiệm: Quốc hội cần lắng nghe nguyện vọng của dân
Trong phiếu tín nhiệm thiết kế hai mức tín nhiệm và không tín nhiệm hay ba mức tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp, thì Quốc hội cần lắng nghe ý kiến của nhân dân.
Tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội ngày 6-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung nghị quyết 35 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Một số nội dung theo tờ trình này tiếp tục thu hút nhiều ý kiến tranh luận: có nên tiếp tục giữ ba mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp?
PV đã có cuộc trao đổi với một số vị đại biểu Quốc hội.
* Đại biểu HUỲNH THÀNH LẬP (trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM):
Ba mức: có tính chất cảm tính
Đa số ý kiến của đại biểu, cũng là ý kiến của rất nhiều cử tri, cho rằng giữ ba mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp là có tính chất cảm tính. Cụ thể, thế nào là cao, thế nào là thấp? Đồng thời các ý kiến này còn cho rằng phải chăng vì “tín nhiệm thấp” vẫn được xem là tín nhiệm và không bị bỏ phiếu miễn nhiệm.
Nếu nói rằng để ba mức nhằm thăm dò công tác cán bộ sẽ không phản ánh được đầy đủ tinh thần, chức năng và mục đích của việc lấy phiếu, hay nói khác hơn là không chỉ dùng kênh Quốc hội hay HĐND để tham khảo cho công tác cán bộ mà Quốc hội, HĐND phải thực hiện quyền giám sát của mình đã được pháp luật quy định.
Cùng với ý kiến và lý lẽ của nhiều đại biểu Quốc hội như trên, qua nhiều đợt tiếp xúc cử tri thì đều đề nghị không nên lấy phiếu tín nhiệm với ba mức mà chỉ nên hai mức, theo đó hoặc là tín nhiệm và không tín nhiệm, hoặc là hai mức tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Cá nhân tôi thấy đề nghị này của nhiều đại biểu Quốc hội và nguyện vọng này của đông đảo cử tri là hợp lý, mong rằng Quốc hội quan tâm xem xét nguyện vọng trên.
* Đại biểu HUỲNH NGỌC ĐÁNG (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương):
Quốc hội cần lắng nghe nguyện vọng của nhân dân
Trong phiếu tín nhiệm thiết kế hai mức tín nhiệm và không tín nhiệm hay ba mức tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp, thì Quốc hội cần lắng nghe ý kiến của nhân dân. Trong rất nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, tôi đều nhận được ý kiến của nhiều cử tri bày tỏ không hài lòng khi việc lấy phiếu tín nhiệm được tổ chức với hình thức phiếu ghi ba mức tín nhiệm. Làm như vậy là biên độ quá rộng, khiến việc tổ chức lấy phiếu không có tác dụng như bản chất luôn được cử tri mong đợi từ việc thực hiện cơ chế này, đồng thời còn mang nặng tính hình thức, không thực chất. Vì vậy, dân mong muốn phiếu tín nhiệm chỉ ghi hai mức: tín nhiệm và không tín nhiệm.
* Đại biểu LÊ NHƯ TIẾN (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):
Chỉ nên hai mức
Theo dự thảo sửa đổi quy định vẫn giữ ba mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp sẽ bị loãng. Nếu vẫn giữ ba mức thì sẽ lặp lại “kịch bản” như lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên được thực hiện. Cụ thể là tín nhiệm cao và tín nhiệm thường vượt quá 50%, ai cũng qua ngưỡng “an toàn”, khó rơi vào diện tín nhiệm thấp với tỉ lệ để phải đưa ra Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.
Do vậy, trong buổi thảo luận tổ về nội dung nói trên, tôi cũng như nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ và đề xuất chỉ nên để hai mức: tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Hệ quả của việc lấy phiếu theo hai mức này, nếu ai có số phiếu tín nhiệm thấp trên 50% thì đưa ra Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm ngay.
* Đại biểu VÕ THỊ DUNG (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM):
Hai mức tín nhiệm: vừa đơn giản, vừa rõ chính kiến
Quan điểm của tôi là phiếu tín nhiệm chỉ nên để hai mức: tín nhiệm và không tín nhiệm. Nếu để hai mức thì vừa đơn giản, vừa thể hiện rõ được chính kiến của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND khi bỏ phiếu. Đồng thời kết quả của việc làm này cũng thực chất, cho những người được lấy phiếu biết rõ mình được tín nhiệm đến mức nào. Người nào được nhiều phiếu tín nhiệm nghĩa là được tín nhiệm cao và ngược lại.
Còn nếu để ba mức tín nhiệm: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp, suy cho cùng là thể hiện sự né tránh vì “tín nhiệm thấp” vẫn được xem là tín nhiệm và không bị bỏ phiếu miễn nhiệm. Ngoài việc thể hiện sự né tránh này, nếu cho rằng có ba mức tín nhiệm nhằm thăm dò trong công tác cán bộ cũng không đúng bởi lẽ Quốc hội, HĐND phải thực hiện quyền giám sát của mình nên không thể thông qua việc lấy phiếu để làm tham khảo cho công tác cán bộ.
Do vậy, để quyền giám sát của Quốc hội, HĐND là thực chất và việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm phát huy vai trò giám sát này đối với những chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, thì phiếu tín nhiệm chỉ nên để hai mức như đề nghị trên.
* GS NGUYỄN MINH THUYẾT:
Tôi cho rằng đó là một bước lùiTheo dõi các phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đây, tôi rất hi vọng là việc sửa đổi nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm lần này sẽ giải quyết được những vấn đề bất cập, tạo nên bước tiến giúp công tác này thực hiện hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình lên Quốc hội, với nội dung cơ bản như chỉ lấy phiếu một lần trong một nhiệm kỳ, phiếu đánh giá tín nhiệm vẫn giữ ba mức (tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp), cá nhân tôi cho rằng đây là một bước lùi.Tôi cho rằng pháp luật đã có quy định về bỏ phiếu tín nhiệm (tức bỏ phiếu bất tín nhiệm) là khi Hội đồng Dân tộc hoặc một ủy ban của Quốc hội hoặc 20% đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức danh nào đó thì Quốc hội sẽ xem xét việc bỏ phiếu tín nhiệm. Như vậy trong mỗi kỳ họp, Quốc hội nên đặt một thùng phiếu thăm dò ý kiến đại biểu Quốc hội và phát phiếu tới các đại biểu Quốc hội xem họ đề nghị tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm vị nào đó, nếu đủ điều kiện trên thì Quốc hội thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm.
Theo Tuổi Trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo