Lo lắng với giá gạo xuất khẩu
Việc giá gạo xuất khẩu liên tục giảm sút những năm gần đây đã tác động tiêu cực đến triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Dẫn số liệu từ Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), TS Nguyễn Mạnh Hùng, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho biết: Chỉ số giá gạo tổng hợp năm 2012 đã giảm còn 238 so với mức 251 năm 2011. Song đáng chú ý là trong số những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, năm 2012, giá gạo bình quân của Việt Nam giảm, trong khi giá gạo bình quân của Thái Lan lại tăng. Giá gạo Việt Nam 5% tấm giảm từ mức bình quân 505 USD/tấn năm 2011 xuống còn 432 USD/tấn năm 2012, trong khi giá gạo này của Thái Lan tăng từ 549 USD/tấn lên 573 USD/tấn trong cùng kỳ.
Còn theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), quý I-2013, giá gạo Việt Nam hiện đang được bán với giá thấp hơn so với gạo cùng phẩm cấp của các nước xuất khẩu gạo chủ lực trong khu vực khoảng 40–50 USD/tấn. Cụ thể gạo 5% tấm của Việt Nam chỉ có 395 USD/tấn trong khi giá gạo cùng loại của Ấn Độ bán với giá 430 USD/tấn, Pakistan 445 USD/tấn, riêng Thái Lan 530 USD/tấn. Với mức giá này, có ý kiến nhận định rằng giá gạo xuất khẩu quý I-2013 của Việt Nam thấp nhất thế giới.
Chuyên gia về lúa gạo Nguyễn Đình Bích cho rằng: Nói giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thấp nhất thế giới chưa hẳn đã là đúng, bởi vì giá gạo của Việt Nam vẫn cao hơn… Myanmar.
Nhưng ông Nguyễn Đình Bích đánh giá việc giá gạo xuất khẩu đi xuống còn người trồng lúa không có lãi nhiều sẽ là “thảm cảnh” của ngành lúa gạo Việt Nam trong tương lai.
Trao đổi với phóng viên, ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) tỏ ra đồng tình với quan điểm giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang khá thấp. Phân tích nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, ông Đào Văn Hồ cho rằng việc giá gạo xuất khẩu của Việt Nam không cao có một phần do nông dân trồng nhiều giống lúa gạo IR 50404 năng suất cao nhưng chất lượng thấp. Bà con nông dân lại thường trộn gạo thơm với gạo IR 50404 khiến chất lượng gạo không cao, dẫn đến giá xuất khẩu thấp.
“Bộ NN&PTNT đã khuyến cáo bà con hạn chế trồng giống lúa này mà tập trung trồng giống lúa chất lượng tốt hơn nhưng bà con vẫn trồng” – ông Đào Văn Hồ nói.
Còn chuyên gia Nguyễn Đình Bích lại cho rằng: Việc giá của Việt Nam xuống quá thấp là do lỗi của chính các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam chứ không phải ai khác.
“Chắc chắn các nhà xuất khẩu Việt Nam bị nhà nhập khẩu Trung Quốc ép giá khiến họ phải hạ giá xuất khẩu. Việc VFA hủy bỏ giá sàn gạo 5% tấm từ ngày 21-3 để các doanh nghiệp tự thỏa thuận với khách hàng chính là bước lùi của VFA” – ông Bích chia sẻ.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Đình Bích, Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là nguyên nhân rất quan trọng, có thể nói là nguyên nhân quyết định khiến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thấp đi trong thời gian qua. Bởi vì trong khi các hợp đồng nhập khẩu gạo ít, các thị trường khác chưa đẩy mạnh mua, thì các doanh nghiệp Việt chỉ còn cách tập trung vào thị trường Trung Quốc.
Minh Trí
Theo HQO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo