Tin tức - Sự kiện

Lo vỡ quỹ BHXH:Tiến sỹ ủng hộ tăng tuổi hưu... mềm dẻo

Việc tăng tuổi nghỉ hưu phải tùy theo nhóm ngành nghề, đảm bảo được lợi ích của người lao động.

Trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật bảo hiểm xã hội - BHXH - (sửa đổi) ngày 18/4, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đề nghị nâng tuổi nghỉ hưu (nam 62, nữ 60) để tránh nguy cơ vỡ quỹ BHXH trong tương lai không xa.

Trong đó trước mắt sẽ quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2016 trở đi, từ năm 2020 thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu với các nhóm còn lại theo hướng mỗi năm tăng thêm bốn tháng tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ.
 
PGS. TS Lê Xuân Cảnh, Viện trưởng viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật: Nên tăng tuổi nghỉ hưu theo nhóm ngành nghề
 
Cần phải phân tích rõ đề án tăng tuổi nghỉ hưu này. Nhiều nước trên thế giới có quy định tuổi nghỉ hưu là 65 tuổi.
 
Bác sỹ Phan Thanh Hải (65 tuổi, giám đốc Trung tâm Chẩn đoán y khoa Medic, TP.HCM) siêu âm cho bệnh nhân.
 
Một số nước, quỹ bảo hiểm xã hội có vấn đề nên họ dự kiến tăng tuổi nghỉ hưu lên 1-2 tuổi, thậm chí có một số nước phát triển tuổi nghỉ hưu có thể là 67 tuổi.
 
Còn ở nước mình nếu giữ được như cũ thì cũng tốt cho người lao động. Nếu không ảnh hưởng gì đến quỹ bảo hiểm xã hội thì việc tăng lên cũng phải xem xét kỹ.
 
Vốn dĩ, tuổi thọ trung bình của nước mình thấp hơn so với thế giới. Cứ lấy mô hình của thế giới mà tăng lên cho kịp thì đến lúc nghỉ hưu cũng đến mức tuổi thọ trung bình.
 
Đề án tăng tuổi nghỉ hưu vừa được đề xuất là áp dụng đại trà cho mọi ngành nghề lao động. Thực ra thì nhiều ý kiến phân tích cũng có lý.
 
Có thể việc tăng tuổi nghỉ hưu không phải do sợ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội trong thời gian không xa mà có thể là do lý do khác nào đấy. Vì thế nên, đề án này cần phải được cân nhắc kỹ, tránh thiệt thòi cho người lao động.
 
Việc tăng tuổi nghỉ hưu không ảnh hưởng nhiều đến việc sinh viên ra trường không có việc làm. Một thời gian sau khi tăng sẽ  lại ổn định. Những người đến tuổi nghỉ hưu thì nghỉ, người trẻ lại tiếp tục vào.
 
Sinh viên ra trường sẽ chịu thiệt thòi trong một vài năm, bằng thời gian kéo dài tuổi nghỉ hưu. Hơn nữa, việc tăng tuổi nghỉ hưu để tận dụng chất xám của những người có trình độ cao, kinh nghiệm dày dặn cũng tốt.
 
Tuy nhiên, tăng tuổi nghỉ hưu đại trà trong thời điểm này thì không nên. Nếu là tăng theo giai đoạn, tăng theo nhóm ngành nghề thì còn có thể chấp nhận được.
 
Nhiều công nhân, lao động công việc nặng nhọc mà bắt họ phải đến 60- 62 tuổi nghỉ hưu thì chẳng khác gì vắt kiệt sức người ta, nhất là phụ nữ, sức đâu mà làm chứ.
 
Các các nhà khoa học có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu được vì họ lao động bằng trí óc, khác với những người phải lao động bằng chân tay, dầm mưa dãi nắng nhiều. Nhưng các nhà khoa học thì có chính sách riêng rồi nên đề án này không ảnh hưởng gì đến họ.
 
TS Nguyễn Nhị Điền, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam: Tăng tuổi hưu một cách mềm dẻo  
 
Việc tăng tuổi nghỉ hưu có thể thực hiện mềm dẻo, đảm bảo được lợi ích của người lao động.
 
Giả sử, tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 nhưng nếu có nhu cầu nghỉ hưu sớm hơn vì lý do sức khỏe hay lý do chính đáng nào đấy thì có thể chấp nhập đề nghị đó nhưng vẫn để họ được hưởng 75% quyền lợi như những người về hưu đúng tuổi.
 
Và tương tự, đối với nam cũng vậy. Còn ai muốn làm nữa, có khả năng làm được nữa thì vẫn có thể đề xuất được làm việc tiếp.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo