Loạn trợ giá đổi mũ bảo hiểm
Đẩy giá cao rồi... trợ giá
Mũ Dulex của Công ty cổ phần Á Long - đơn vị đầu tiên đăng ký với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia hỗ trợ cho người sử dụng mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng được bán với mức giá 90 đến 140 nghìn đồng/chiếc.
Ngày 18/3, theo quan sát của PV, tại cửa hàng số 63, ngõ 153, đường Trường Chinh giá bán loại mũ Dulex là 90 nghìn đồng (đã giảm 30 nghìn đồng).
Trong khi đó, cùng chủng loại, tại cửa hàng số 28 đường Xã Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) bán với giá 140 nghìn đồng (đã giảm 20 nghìn đồng). Còn với các cửa hàng bán mũ bảo hiểm trên đường Chùa Bộc, giá bán dao động từ 120-140 nghìn đồng (chưa giảm giá).
Nhiều khách hàng tỏ ra băn khoăn vì giá mũ mặc dù được quảng cáo có hỗ trợ nhưng người bán lại tự ý nâng giá lên rồi lại hạ giá xuống. Anh Thành Học (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, nếu cửa hàng đẩy giá mũ lên rồi giảm xuống thì việc hỗ trợ chỉ là danh nghĩa. Cơ quan quản lý phải làm cách nào để nhà sản xuất phải cam kết không tăng giá và công bố giá bán của từng loại mũ cụ thể để người dân biết.
Anh Hoàng Văn Nam - Chủ cửa hàng bán mũ bảo hiểm trên đường Trường Chinh cho biết, cửa hàng đã đăng ký hỗ trợ giá cho người mua. Anh Nam khẳng định, mũ bảo hiểm bán tại đây đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
“Chúng tôi không dám bán mũ bảo hiểm kém chất lượng vì nếu vi phạm, Cục quản lý thị trường sẽ xử phạt 10 triệu đồng. Với mức tiền này, có bán hết mũ bảo hiểm cả cửa hàng mới đủ tiền phạt” - anh Nam nói.
Tại cửa hàng số 28 đường Xã Đàn, mũ bảo hiểm có giá bán từ 160 đến 400 nghìn đồng và mức giảm là 20 nghìn đồng/chiếc. Anh Nguyễn Văn Dũng - chủ cửa hàng cho biết, sắp tới cửa hàng sẽ xin hỗ trợ về số lượng từ các hãng Bktec, Osakar, Honda, Protec vì mỗi lần chỉ được nhập 200 đến 300 chiếc khiến nguồn hàng khan hiếm. Hiện, anh Dũng không thể thực hiện được việc đổi mũ bảo hiểm theo kế hoạch vì lượng bán, đổi mũ bảo hiểm quá lớn, trung bình khoảng 80 chiếc/ngày.
Nhiều kẽ hở
Theo ông Trần Văn Ngọc - Trưởng phòng Chống hàng giả (Cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương), hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn khá nhiều kẽ hở để những đối tượng cơ hội, làm ăn chụp giật lách luật, thậm chí xé rào để làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng”- ông Ngọc nói.
Cũng theo ông Ngọc, quan trọng nhất vẫn là khâu giám định. Nếu khâu giám định tốt sẽ khó xảy ra tình trạng mũ bảo hiểm giả bán tràn lan.
Đoàn Huế (Theo TPO)
End of content
Không có tin nào tiếp theo