Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Cần tăng cường công tác hậu kiểm
Giấy phép “con”, “cháu” vô hiệu luật
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM), dự luật có nhiều nội dung tiến bộ, hội nhập sâu hơn với thế giới, như cải cách mạnh về thủ tục hành chính, nhất là khâu đăng ký doanh nghiệp, nội dung giấy chứng nhận đăng ký, thực hiện đồng thời thủ tục đăng ký với thủ tục đăng ký thuế, đăng ký lao động.
Doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả những ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế theo đúng tinh thần Điều 31 của Hiến pháp. Tuy nhiên, cần cụ thể hóa danh mục những ngành nghề cấm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện kèm theo dự thảo luật sửa đổi”, ĐB Ngân kiến nghị.
ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nói rằng, để quyền tự do kinh doanh bảo đảm, cần giảm thiểu các chế định hạn chế quyền tự do kinh doanh ở các luật chuyên ngành, văn bản hướng dẫn. Phải tránh tình trạng Luật Doanh nghiệp mở ra trong khi các luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn thì lại bó lại.
Theo vị đại biểu này, quá trình thi hành luật gần 10 năm qua đã cho thấy một bức tranh khác. Với quá nhiều các quy định riêng trong các luật chuyên ngành, quá nhiều thủ tục và giấy phép con, cháu, chắt quy định trong các văn bản hướng dẫn, triển khai ở các cấp, nguyên tắc quyền tự do kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp đã bị đẩy lùi và vô hiệu hóa từng phần.
“Tình trạng vô hiệu hóa pháp luật về doanh nghiệp sẽ không giảm bớt thậm chí còn có nguy cơ gia tăng. Chúng ta quy định nguyên tắc chung trong Luật Doanh nghiệp, nhưng lại không có cơ chế kiểm soát các quy định riêng ngoại lệ được quy định trong luật chuyên ngành thì thật đáng lo ngại”, ông Lộc nói.
Tăng cường hậu kiểm
ĐB Vũ Tiến Lộc kiến nghị, phải chế định công tác hậu kiểm, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp không bị lạm dụng. Quyền này bắt đầu từ quyền tự do gia nhập thị trường, tức là thành lập doanh nghiệp.
“Để quyền tự do kinh doanh không bị lạm dụng, Luật cần đặc biệt chú ý tới các quy định về hậu kiểm đối với doanh nghiệp, ít nhất là trong các lĩnh vực chung thuộc phạm vi của luật này. Để bảo đảm rằng các doanh nghiệp đã đăng ký để hoạt động kinh doanh, không phải là doanh nghiệp “ma”, lập ra để mua bán hóa đơn, để lừa đảo.
Phát hiện doanh nghiệp “ma” ngay từ thời điểm họ có ý định trong đầu có lẽ là điều không thể, nhưng sau một thời gian thì chắc chắn là có thể nếu chúng ta làm tốt các thủ tục hậu kiểm”, ĐB Lộc phân tích.
ĐB Trần Hoàng Ngân cho hay, đến năm 2013 có trên 621.000 doanh nghiệp đã đăng ký, nhưng chỉ có 356.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tức là 57% (trên 264.800 doanh nghiệp). Một số ngừng hoạt động, đang chờ giải thể, đang chờ phá sản, đang chờ cơ hội hoặc đang hoạt động mà nhà nước không quản lý được. Bên cạnh tạo thuận lợi cho doanh nhân dễ dàng thành lập doanh nghiệp, cần tăng cường khâu kiểm tra tính xác thực của hồ sơ đăng ký, địa chỉ đăng ký kinh doanh...
Không tùy tiện cấm đoán
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) kiến nghị, Luật phải kèm theo danh mục cụ thể những ngành nghề hạn chế kinh doanh. Quyền tự do kinh doanh là quyền con người được hiến định, do vậy danh mục ngành nghề hạn chế hay cấm phải được ban hành kèm với luật này.
Định kỳ Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung thì trình danh mục đó ra Quốc hội. Cần tránh việc thường xuyên điều chỉnh, sẽ gây xáo trộn, bất ổn cho môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài.
Về nội dung này, ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) nói, chỉ nên khoanh vùng cấm đối với những ngành nghề kinh doanh thực sự cần thiết phải cấm. “Những ngành nghề này phải được Quốc hội xem xét quy định ngay trong Luật Doanh nghiệp, có như vậy mới hạn chế được tình trạng cấm đoán một cách tùy tiện”, ông Tiến phát biểu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững