Thị trường

May gia công, bỏ hàng sỉ bị vạ lây

Những khó khăn trong thời buổi trăm người bán, vài người mua không chỉ khiến các chủ shop kinh doanh hàng thời trang đứng ngồi không yên.
Các shop thời trang mọc san sát nhau trên đường Nguyễn Trãi (Q.1) luôn trong tình trạng vắng khách do sức mua yếu, sự cạnh tranh trong lĩnh vực này ngày một gay gắt - Ảnh: Hữu Khoa
 
Mà ngay cả những người làm gia công hay bỏ hàng sỉ cho các shop cũng bị vạ lây, số lượng đơn hàng giảm, tiền hàng bị “ngâm” lâu...
* Chị HUỲNH NGỌC SƯƠNG (chuyên bỏ mối hàng may sẵn chợ Tân Bình):

Trăm người bán, vài người mua
 
Tôi đang may áo khoác, áo vest nữ bỏ mối ở chợ Tân Bình và một vài shop quen đặt. 
 
Họ đưa mẫu và mình ăn công ráp, từ 1.000-7.000 sản phẩm/tháng. So với hai năm trước, lượng hàng làm bây giờ giảm hẳn, chỉ còn 50%. Hỏi chủ hàng, họ nói các shop bán chậm nên hàng lấy ít dần.
 
Hàng đặt ít thì mình buồn chứ, nhưng phải chấp nhận là bây giờ nhiều shop mở ra quá. Mức cầu không “nở” ra bao nhiêu, trong khi nguồn cung, kiểu như tôi và các chủ đặt hàng, thì bao la bát ngát! Tôi từng mở shop nên tôi biết ai chưa vào làm đều ham vì thật sự có lời. Mua một bán hai, thậm chí ba, sao mà không ham cho được.
 
Nhưng những món lời đó rất vô chừng, không ổn định so với số vốn rất lớn đã bỏ ra. Mà vốn bỏ vô shop giống như người chơi đánh bạc, cứ say sưa “châm” vào để nuôi hi vọng gỡ lại trong những mùa lễ tết.
 
Nhưng quay qua quay lại “đứt” hết vốn lúc nào không hay, nếu sức mua thấp kéo dài. Nên khi chuyển qua may gia công, dù lời giảm hẳn nhưng ít ra vẫn còn biết và cầm được đồng lời đích thực trong tay.

* Bà N.T.K. (kinh doanh sỉ hàng thời trang, chợ An Đông):

Bắt đầu nghĩ đến chuyện đổi nghề
 
Hàng của tôi bỏ cho nhiều loại shop, chuyên về sơmi và quần jean, muốn hiệu gì cũng có vì tôi nhập đủ loại, đủ nơi xuất xứ! Theo nghề bỏ sỉ hàng thời trang được năm năm, tôi thấy để kiếm được đồng lời ngày càng... đuối, nên suy nghĩ đến việc bỏ nghề vì dù có tính toán cách mấy mà người dân không có tiền mua sắm thì bán cho ai? 
 
Shop cũng có năm bảy loại shop. Có shop nhập đồ hiệu hàng tốt của tôi rồi muốn bán kèm với hàng lên ở đây mà đòi nhái y chang để bán ngang giá hàng xịn, tôi cũng đáp ứng được vì nhu cầu đa dạng mà, mình từ chối họ cũng tìm nơi khác để đặt.
 
Một cái áo lúc trước bỏ mối bình quân lời mấy chục đến cả trăm ngàn đồng khá dễ dàng. Nhưng bây giờ chẳng mơ được đến giá đó! Chỉ cần có mối chịu đến lấy hàng là mừng, thậm chí phải cho gối đầu lâu hơn vì họ bán không chạy, cũng không có tiền tươi thóc thật.
 
Đúng là muốn kiếm lời phải có nhiều tiền để “đánh” nhiều loại hàng. Nhưng tiền nhiều chỉ là một yếu tố phụ. Quan trọng của người bán sỉ là phải nhạy về xu hướng thị trường để nhập được hàng bắt mắt, hợp thời trang và làm chủ được dây hàng có nhiều mẫu mã mới.
 
Thiếu gì chủ hàng gánh một đống nợ cũng chỉ vì chọn sai thời điểm nhập, hoặc bị đụng mẫu nhau nên tôi cũng ngán quá. Nhưng thiệt tình mà nói kinh doanh quần áo bây giờ hết “ngon” rồi. Chợ bán sỉ mà nhiều khi ngồi cả ngày không nhận được “toa” đặt hàng nào thì sống gì nổi!
 
* Chị LÊ THỊ THÙY TRANG (từng kinh doanh shop thời trang tại đường Trần Văn Mười, Hóc Môn):

Tiền vô nhỏ giọt, tiền ra ào ào
 
Kinh doanh shop thời trang nhìn bề ngoài thì “lấp lánh”, tưởng dễ kiếm lời, nhưng có vào rồi mới biết tiền ra dễ hơn tiền vô. Tôi đã sang shop được hai năm, lỗ gần sạch số vốn 150 triệu đồng đã bỏ ra. Bây giờ mới có lại được cảm giác ăn no ngủ yên, dù thỉnh thoảng ngồi nhớ lại vẫn thấy... rùng mình (!). 
 
Lúc chưa mở shop, tôi cũng nghĩ như mọi người là đứng ở góc độ người tiêu dùng, mình thấy thích cái gì thì khi kinh doanh cứ mua cái đó về bán. Nhưng thực tế ngược lại. Chủ hàng bắt buộc phải lấy một mẫu hàng ít nhất 5 size (kích cỡ).
 
Nhưng trong 5 size này chỉ bán được 2 size, các size còn lại một là bán rất chậm (vì quá nhỏ hoặc quá to, kén người mua), hai là phải bán giảm giá sau một tuần lên hàng nếu không có khách mua. Như vậy, dù có lời hai cái nhưng cũng bị lỗ ba sản phẩm chưa bán được hoặc bán chậm. 
 
Mà đặc thù của ngành này rất lạ, luôn trong trạng thái “cũ bỏ, mới tới”. Nghĩa là nếu không liên tục nhập hàng mới về thì sẽ không có khách đến mua. Hàng lên kệ một tuần mà thấy không “chạy” bắt buộc phải chuyển qua bán giảm giá liền. Thế là rơi vào vòng xoáy: cứ phải chạy tiền để nhập hàng mới liên tục.
 
Tiền bán được cầm chưa nóng tay cứ phải “đập” vô đi nhập hàng tiếp. Mà “đập” riết thì tiền vốn bỏ ra ngày càng nhiều, không kiểm soát nổi. Còn tiền thu vô chẳng thấy đâu vì đâu phải lúc nào cũng có khách đến mua. Rồi đến hạn trả tiền nhà. Tôi căng thẳng trong suốt thời gian mở shop...
 
Cũng xin nói thêm là trước khi mở shop, tôi cũng nghiên cứu rất kỹ thị hiếu khách hàng khu vực dự kiến mở shop để nhập hàng về. Cũng đầu tư, sửa sang shop, chú ý treo hàng hóa sao cho bắt mắt. Nơi nhập hàng cũng rất ổn về mặt chất lượng.
 
Nhưng sau một năm “chinh chiến”, tôi đành bỏ của chạy lấy người và tự an ủi chắc mình không có duyên bán hàng!
Tuổi trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo