Metro Bến Thành - Suối Tiên chênh 7.000 tỷ chưa "cập nhật"
UBND TP.HCM đã chính thức xác nhận Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên sẽ không thể đưa vào khai thác vào đầu năm 2018 như dự kiến.
Đây là một trong những nội dung tại Công văn số 5192/UBND – QLDA báo cáo về tình hình thực hiện Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (metro), tuyến Bến Thành - Suối Tiên do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín ký vừa gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).
Cụ thể, lãnh đạo UBND TP.HCM khẳng định, Dự án khó đảm bảo mục tiêu hoàn thành việc xây dựng vào cuối năm 2017 và đưa vào khai thác trong năm 2018 như kế hoạch ban đầu.
Trên thực tế, tiến độ công trình đường sắt đô thị có quy mô vốn lớn nhất Việt Nam này đã bị “vỡ” từ cách đây 2 năm, khi công tác lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu xây lắp chính liên tục gặp vấn đề. Cụ thể, do phải xử lý tình huống đấu thầu là chỉ có một nhà thầu là liên danh Shimizu - Maeda (Nhật Bản) nộp hồ sơ dự thầu với giá bỏ thầu vượt xa giá gói thầu, đến cuối tháng 7/2014, chủ đầu tư công trình mới có thể xác định được đơn vị thi công Gói thầu 1b – xây dựng đoạn ngầm đoạn ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son (Km0 + 615 - Km2 +360) chính là liên danh này.
Do trao thầu muộn, nên ngay cả khi không gặp thêm bất cứ rủi ro nào, hạng mục quan trọng có thời gian thi công kéo dài 54 tháng này chỉ có thể hoàn thành vào cuối năm 2019.
Tình hình tương tự cũng xảy ra đối với Gói thầu 1a - xây dựng đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố (Km0+145 – Km0+615). Hiện gói thầu này thậm chí còn chưa lựa chọn được nhà thầu và nhanh nhất là đến cuối quý III năm 2015, mới có thể triển khai thi công trên hiện trường.
“Gói thầu 1a cũng sẽ chậm khoảng 2 năm so với tiến độ chung của Dự án”, ông Tín xác nhận.
Lý do của sự chậm trễ triển khai gói thầu này là do phải triển khai đồng bộ với Nhà ga Trung tâm Bến Thành (nhà ga tích hợp của các tuyến 1, 2, 3 a, 4 - sử dụng công nghệ của Đức, Tây Ban Nha và trung tâm thương mại ngầm), nên mất nhiều thủ tục và thời gian xin ý kiến của các bộ, ngành và nhà tài trợ là Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Cần phải nói thêm rằng, tại gói thầu số 2 do Liên danh Sumitomo - Cienco 6 trúng thầu, dù được khởi công từ tháng 8/2012, nhưng công tác thi công hiện mới đạt 20% khối lượng hợp đồng do gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Đại diện UBND TP.HCM xác nhận, phải đến cuối tháng 10/2014, địa phương mới có thể bàn giao toàn bộ 17 km đường phục vụ xây dựng đường đi trên cao và depot cho nhà thầu, trong khi theo kế hoạch đề ra là phải bàn giao mặt bằng sạch từ... trước tháng 1/2013.
“Nếu không có những thỏa thuận trước trong hợp đồng về rủi ro này, UBND TP.HCM sẽ phải đối diện nguy cơ bị nhà thầu thi công phạt do chậm bàn giao mặt bằng, như đã từng xảy ra tại một số dự án hạ tầng sử dụng vốn ODA”, một chuyên gia nhận xét.
Mặc dù Công văn số 5192/UBND - QLDA không chốt được thời gian hoàn thành Dự án, nhưng trong một văn bản gửi Bộ GTVT vào đầu tháng 10/2014, ông Hoàng Như Cương, Phó trưởng Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, tuyến metro này chỉ có thể hoàn thành công tác xây dựng vào năm 2019, đưa vào vận hành vào năm 2020.
Một điều khó hiểu là, tại Văn bản số 5191/UBND - QLDA, UBND TP.HCM vẫn sử dụng số liệu tổng mức đầu tư công trình bằng tiền đồng là 47.325 tỷ đồng từ lần điều chỉnh Dự án vào tháng 9/2011 (Quyết định số 4480/QĐ - UBND).
Trong khi đó, cách đây hai tháng, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM đã có Quyết định số 178/QĐ – BQLDA ĐSĐT phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh của Dự án metro tuyến Bến Thành - Suối Tiên.
Tại lần điều chỉnh vừa được thực hiện, trong khi tổng mức đầu tư bằng tiền yên Nhật không thay đổi, thì tổng mức đầu tư quy đổi bằng tiền đồng của Dự án lại tăng đáng kể, từ 47.325 tỷ đồng lên 54.006 tỷ đồng. Trong cơ cấu tổng mức đầu tư mới, phần vốn vay JICA phục vụ các gói thầu xây lắp tăng từ 41.325,2 tỷ đồng lên 48.515 tỷ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách thành phố phục vụ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý vẫn được giữ ở mức 5.492 tỷ đồng.
Mặc dù, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho rằng, giá trị tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh đối với cấu phần tiền đồng chỉ nhằm mục đích tham khảo, không dùng để thanh toán, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, đây cũng là một tham số quan trọng phản ánh giá trị thực của công trình.
“UBND TP.HCM nên cập nhật sự chênh lệch giữa hai quyết định (lên tới 7.000 tỷ đồng) và nói rõ thời gian hoàn thành công trình bởi các nội dung tại Văn bản số 5191/UBND - QLDA sẽ được Bộ GTVT tổng hợp để chuẩn bị báo cáo Quốc hội tại kỳ họp sắp tới”, một chuyên gia đánh giá.
Theo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo