Một rừng văn bản lấn át luật gốc
Theo CIEM, hiện có 334 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại 235 văn bản pháp luật, trong đó có 5 pháp lệnh, 104 nghị định, 11 thông tư, 15 quyết định. Đó là chưa kể tới những quy định khác ở các luật chuyên ngành.
Trong số các điều kiện quy định được ban hành tại các văn bản dưới luật nêu trên, có khá nhiều quy định không thân thiện với hoạt động kinh doanh, thị trường và không hợp lý, nếu doanh nghiệp tuân thủ thì sẽ tốn rất nhiều chi phí.
Lấy ví dụ về điều kiện quy định không thân thiện với kinh doanh để làm dẫn chứng là trường hợp xe khách đăng ký chạy tuyến cố định Hà Nội - Hải Phòng thì không được sử dụng xe khách đó chạy tuyến cố định khác, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, các quy định kiểu này đang tạo rào cản gia nhập thị trường và quyền kinh doanh, trong đó không ít quy định đang gặm nhấm dần phạm vi ảnh hưởng của Luật Doanh nghiệp, vốn là bộ luật gốc có mục tiêu định hướng chính sách đúng đắn nhằm tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh.
Đối với lĩnh vực cấm kinh doanh, theo báo cáo của CIEM, hiện có 51 ngành nghề cấm kinh doanh được quy định tại 3 danh mục cấm theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Thương mại. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là số lượng ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh theo kiểu mập mờ trong khoảng giữa của 3 luật này hiện tại vẫn còn khá nhiều, khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư rất khó có thể nắm bắt một cách rõ ràng.
Theo ông Cung, đây đang là những rào cản lớn mang tính thể chế gây khó khăn cho quyết định gia nhập ngành của không chỉ những người khởi sự kinh doanh, mà đối với cả các doanh nghiệp đã và đang hoạt động trên thương trường.
Cũng theo kết quả rà soát của CIEM, số lượng và tốc độ ban hành các văn bản hướng dẫn dưới luật khiến không ít người phải “giật mình”. Theo thống kê, trung bình 1 năm, cả nước ban hành từ 10 - 20 luật, kèm theo đó là khoảng 100 nghị định hướng dẫn thi hành luật, 600 thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định và từ 3.000 - 3.500 văn bản chủ yếu do các bộ, ngành và các cấp địa phương ban hành.
Bình luận về tốc độ ban hành các văn bản dưới luật này, nhiều chuyên gia luật cho rằng, không phải tìm câu trả lời ở đâu xa xôi, mà có thể thấy rõ đây chính là lý do giải thích tại sao số văn bản ra điều kiện cấm hoặc hạn chế kinh doanh có xu hướng ngày càng chi phối và lấn át các luật, nghị định.
Điều này dẫn tới một hệ lụy đáng lo ngại là mặc dù chính sách, chủ trương ban đầu của Nhà nước có mục tiêu xuất phát điểm rất đúng đắn là tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, song khi đi vào triển khai thực thi trong thực tế đã bị bóp méo, biến dạng, hoặc bị cản trở do sự chi phối, lấn át của các văn bản dưới luật, các văn bản hướng dẫn, cũng như cách thức thực hiện các văn bản này từ các bộ, ngành và địa phương.
Một vấn đề bức thiết đặt ra hiện nay là cần kiểm soát được các điều kiện hạn chế kinh doanh để hạn chế ở mức thấp nhất việc ra điều kiện cho doanh nghiệp. Hay nói cách khác là triệt tiêu vấn nạn giấy phép con thông qua việc giảm bớt, tiến tới xóa bỏ sự chi phối, lấn át của các văn bản dưới luật đối với hoạt động kinh doanh nhằm tạo ra môi trường thực sự thân thiện với kinh doanh. Đây cũng là vấn đề nóng bỏng đang đặt ra trong quá trình sửa đổi 2 bộ luật quan trọng sẽ được Quốc hội kỳ họp lần này đưa ra thảo luận là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, để có thể thực hiện được điều này, cùng với việc rà soát rút bớt các điều kiện hạn chế kinh doanh, thì cũng cần khắc phục tình trạng tùy tiện ban hành văn bản dưới luật của các cơ quan chức năng cấp bộ, ngành, địa phương theo nguyên tắc chỉ cấp Chính phủ mới có thẩm quyền ban hành danh mục cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.
Đồng tình với quan điểm này, GS. TSKH Nguyễn Mại cho rằng, hiện nay, cả Quốc hội và Chính phủ đều thấy cần thiết phải cải cách thể chế, sửa đổi hệ thống luật theo hướng tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, lịch sử kinh tế nước ta cho thấy, các bộ chuyên ngành có khuynh hướng ra điều kiện đầu tư và kinh doanh, thêm giấy phép con sau khi các luật mới được ban hành. Vì vậy, theo ông Mại, nên đưa danh mục ngành, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và cấm kinh doanh vào phụ lục của 2 bộ luật đang được sửa đổi là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ cần trực tiếp ban hành Nghị định về ngành, lĩnh vực cấm kinh doanh/kinh doanh có điều kiện, không cho phép các bộ, địa phương tự quy định và ban hành giấy phép đầu tư, kinh doanh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững